
Cũng như bao nhiêu doanh nghiệp khác, chặng đường phát triển của Seaprodex cũng có nhiều bước thăng trầm, với nhiều quả ngọt và trái đắng, rất nhiều thành công và không ít thất bại. Xuất phát từ bước khởi nghiệp đầy khó khăn, Seaprodex từng bước đi lên và có giai đoạn đã trở thành doanh nghiệp đầu tàu của ngành thủy sản, có vị trí nhất định trong nền kinh tế quốc dân.
Nhưng những năm gần đây, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, thương hiệu Seaprodex phần nào bị mờ đi so với trước đây. Một trong những nguyên nhân là do những yếu kém sai phạm chủ quan đã được nêu trong Bản kết luận của Thanh tra Chính phủ được công bố vào cuối tháng 7-2004.

Chấp hành chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thủy sản đã tiến hành kiểm điểm xử lý kỷ luật một số cán bộ lãnh đạo trước đây và chỉ đạo tổng công ty tiếp tục xử lý nghiêm túc những tập thể, cá nhân có sai phạm. Hội đồng quản trị tổng công ty đã được kiện toàn gồm có 4 thành viên, trong đó có Chủ tịch HĐQT, Trưởng ban kiểm soát, Tổng giám đốc.
Nhận thức được những vấn đề khó khăn, phức tạp trên nhiều phương diện của tổng công ty, ban lãnh đạo mới của Seaprodex đã rút ra những bài học sâu sắc sau:
1- Trong chỉ đạo điều hành một mặt phải tin cán bộ và mạnh dạn giao việc, mặt khác đồng thời phải có cơ chế quản lý chặt chẽ, sớm phát hiện những sai sót để ngăn chặn kịp thời, tránh để sai phạm xảy ra mới xử lý.
2- Lãnh đạo phải sâu sát, nắm bắt và giải quyết kịp thời những vấn đề tồn đọng trong công tác quản lý, điều hành thuộc thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp trên xem xét giải quyết những vấn đề vượt quá thẩm quyền.
3- Trong lãnh đạo phát huy dân chủ, tăng cường tự phê bình và phê bình, xây dựng đoàn kết nội bộ, lãnh đạo phải có “tâm” và “tầm” và gương mẫu trong công tác và cuộc sống.
4- Ngay trong thời kỳ thuận lợi, cần lượng định sự thay đổi trong tương lai, khi lợi thế cũ không còn, để hoạch định chiến lược phát triển phù hợp, nếu không có thể sẽ bị tụt hậu.
5- Quan tâm đúng mức chiến lược đào tạo và tái đào tạo thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động và thích ứng với sự thay đổi của môi trường kinh doanh. Tầm nhìn vĩ mô của lãnh đạo tổng công ty là một yếu tố hết sức quan trọng.
6- Phấn đấu khôi phục vị thế tiên phong ban đầu của Seaprodex trong công nghệ, thị trường và chất xám của đội ngũ CBCNV.
7- Có giải pháp hữu hiệu nhằm khai thác tốt tiềm năng, khả năng của mỗi đơn vị thành viên, xây dựng cơ chế phối hợp và hợp tác giữa các đơn vị thành viên trên nguyên tắc quyền lợi kinh tế nhằm tạo nên sức mạnh tổng thể của tổng công ty.
Hoạt động của tổng công ty đang đi dần vào nề nếp, ổn định. Song song với việc kiện toàn tổ chức, cải tiến phương pháp làm việc, phát huy dân chủ nội bộ trong thời gian qua nhiều văn bản pháp lý của tổng công ty đã được điều chỉnh, bổ sung sửa đổi, hoàn thiện cho phù hợp với tình hình mới.
Nhưng công việc cơ bản của tổng công ty trong thời gian trước mắt đã được thể hiện trong chương trình làm việc của Hội đồng quản trị là: Xây dựng chiến lược phát triển của tổng công ty từ năm 2006 – 2020, lành mạnh hóa tình hình tài chính tổng công ty, thực hiện đúng lộ trình sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chuẩn bị các bước đi cần thiết để chuyển tổng công ty sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.
Trong xu thế hội nhập, Seaprodex không còn lựa chọn nào khác là phải tạo nên được đội ngũ lãnh đạo bản lĩnh, trí tuệ và công tâm, “thủy đội” này sẽ lấy lại thăng bằng cho con tàu Seaprodex căng buồm, đón gió đưa con tàu đi về một hướng - đó là sự hồi phục và phát triển.
NGUYỄN NGỌC HỒNG
Thứ trưởng Bộ Thủy sản kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Seaprodex