“Bẫy” giao thông trên đường tránh lũ

Dự án đường tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn và phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh - quốc phòng vùng ven biển phía Nam tỉnh Quảng Trị (gọi tắt dự án đường tránh lũ) có tổng mức đầu tư hơn 600 tỷ đồng, chỉ mới đưa vào sử dụng từ năm 2013 nhưng đã xuất hiện hàng loạt vết nứt, lún nghiêm trọng. 
Kè móng hai bên đường tránh lũ Quảng Trị bị vỡ và hở hàm ếch, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông
Kè móng hai bên đường tránh lũ Quảng Trị bị vỡ và hở hàm ếch, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông

Nhiều điểm hư hỏng nặng sau đó được sửa chữa nhưng lại trở nên nham nhở, ngổn ngang, gồ ghề gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Người dân địa phương cho hay, trên tuyến đường tránh lũ này liên tục xuất hiện tình trạng sụt lún, hư hỏng. Sau mỗi đợt mưa lớn, tình trạng trên càng nghiêm trọng hơn khi mặt đường và kè mái hai bên đường bị biến dạng.

Ông Hoàng Tụ (ở xã Hải Thành, huyện Hải Lăng) cho biết, những điểm hư hỏng nặng chủ yếu nằm ở khu vực ruộng trũng. Có thể do quá trình thiết kế, thi công, chủ đầu tư và nhà thầu chưa khảo sát kỹ địa tầng.

“Sau khi người dân phản ánh, nhà thầu huy động máy móc đến khắc phục, nhưng không hiểu sao ngày càng bị lún nhiều hơn. Ở mố cống hộp gần cầu Hải Thọ 2 có điểm sụt lún, nứt rất nghiêm trọng. Ngay giữa mặt đường cũng xuất hiện rất nhiều vết nứt làm lớp nhựa đường và khối bê tông ở mố cầu hở hàm ếch. Đoạn đường này đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông, có trường hợp bị rơi xuống kênh mương, rất nguy kịch phải cấp cứu bệnh viện”, ông Hoàng Tụ lo lắng.

Tương tự, ông Trần Côn (ở xã Hải Thọ) cũng bày tỏ bức xúc: “Không chỉ mố cầu Hải Thọ 2, các mố cầu Hải Thọ 1, cầu Hải Thiện 1, cầu Hải Thiện 2 và nhiều cống hộp nhỏ trên tuyến đường tránh lũ cũng hư hỏng nặng. Khi thi công, nhà thầu có đặt ống băng đường để HTX Thọ Nam cung cấp nước tưới cho diện tích ruộng ở phía Bắc tuyến đường. Song gần 1 năm nay, đường lún đã nhấn chìm hệ thống ống nước nên việc tưới tiêu không thể triển khai khiến người dân gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều chân ruộng trồi lên cao hơn mặt đường nên việc lấy nước tưới rất khó khăn. Tiền nhà nước bỏ ra nhiều, nhưng chất lượng công trình quá kém, trong khi con đường này không có xe tải trọng lớn lưu thông qua lại”.

Thừa nhận với chúng tôi về dự án đường tránh lũ xuống cấp nghiêm trọng, Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Hoàng Văn Vinh cho hay, sau nhiều lần tiếp xúc giữa cử tri với HĐND tỉnh Quảng Trị, người dân đã phản ánh, UBND huyện cũng có văn bản gửi UBND tỉnh và chủ đầu tư tìm hướng khắc phục. Phía chủ đầu tư kiểm tra, khắc phục, song cũng chỉ sửa chữa theo dạng chắp vá ở một số điểm hư hỏng nặng. Về lâu dài, để đảm bảo cho người dân đi lại, chủ đầu tư cần phải sửa chữa đồng bộ, vì khi Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đi vào hoạt động sẽ có nhiều xe tải trọng lớn qua lại và đường hư hỏng nặng hơn.

Dự án đường tránh lũ có tổng chiều dài hơn 13km, đi qua các xã Hải Thọ, Hải Thành, Hải Quế, Hải Dương và Hải An, được kỳ vọng góp phần phòng tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn cho các xã vùng trũng thuộc huyện Hải Lăng; phục vụ công tác xây dựng và khai thác cảng biển Mỹ Thủy trong tương lai; thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh - quốc phòng vùng ven biển phía Nam tỉnh Quảng Trị.

Công trình được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt đầu tư vào năm 2009, với tổng vốn trên 607 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu chính phủ và giao Ban quản lý Dự án ĐT-XD Giao thông (thuộc Sở GTVT tỉnh Quảng Trị) làm chủ đầu tư; Công ty Xây dựng Thống Nhất - Ninh Bình thi công.

Đập giữ ngọt Thảo Long xuống cấp

 Theo ông Đỗ Văn Đính, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh Thừa Thiên - Huế, đập Thảo Long xây dựng ở hạ lưu sông Hương (thuộc xã Phú Thanh, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) với tổng kinh phí hơn 150 tỷ đồng, có chức năng ngăn mặn, giữ ngọt. Song công trình đã có nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng. Trong đó, các cửa van đập đều bị gỉ sét, nhiều thiết bị cơ khí bị ôxy hóa, hệ thống lưới điện phục vụ công trình bị hư hỏng; các xy lanh thủy lực bị nước mặn làm ôxy hóa.

Ngoài ra, dầm đáy bê tông một số cửa van bị nước chảy làm xói mòn; nhiều công trình khác như nhà trạm, phòng chức năng, hệ thống điện nước cũng cần phải đầu tư sửa chữa. Mặt khác, do công trình không thiết kế cửa van dự phòng; vì vậy, nếu xảy ra sự cố cửa không đóng - mở được sẽ dẫn đến tình trạng nước mặn xâm nhập… 

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đồng ý chủ trương lập dự án đầu tư sửa chữa công trình đập Thảo Long, song chỉ mới dừng lại ở khâu khảo sát và sửa chữa những hạng mục nhỏ. Việc đại tu, bảo dưỡng công trình chưa thể triển khai do nguồn vốn địa phương có hạn, cần Tổng cục Thủy lợi hỗ trợ.

Tin cùng chuyên mục