Bè luồng Việt vượt... Thái Bình Dương

Luồng (họ Tre) Thanh Hóa vốn nổi tiếng và từ lâu đã được ngư dân xứ Thanh dùng đóng bè mảng đánh bắt cá gần bờ. Nhưng khó ai có thể tin, những ống luồng rời rạc đó lại có thể kết bè mảng vượt sóng gió Thái Bình Dương hơn 8.800km. Người khởi xướng và thực hiện là Tim Severin - nhà thám hiểm, nhà sử học và nhà văn nổi tiếng người Ireland. 

Trong chuyến phiêu lưu kỳ thú nhưng hiểm nguy này còn có một người Việt Nam - ông Lương Viết Lợi, 59 tuổi, trú phường Trường Sơn, TP Sầm Sơn, Thanh Hóa.

Tìm đến bè luồng Việt
Kể về hành trình 25 năm trước, ông Lợi say sưa như mới diễn ra hôm qua. Ông được Tim Severin chọn khi đang làm thợ mộc và tham gia đóng bè mẫu. Khi Tim có ý định tìm thủy thủ đi cùng, ông Lợi vỗ vào ngực mình, chỉ vào ông Tim rồi chỉ tay ra đường chân trời phía biển. Ông Tim cho chạy thử bè và nhận ra rằng, ngoài tay nghề cứng, người thanh niên này còn là một thủy thủ năng nổ, nhiệt tình.
Bè luồng Việt vượt... Thái Bình Dương ảnh 1 Ông Lợi kể về cuộc phiêu lưu  vượt Thái Bình Dương bằng bè luồng
 Trước khi đến Việt Nam, ông Tim đã đến Trung Quốc nhưng bè mảng nơi đây được làm bằng ống nhựa. Một người bạn làm ở Bảo tàng Anh quốc chỉ ông đến vùng biển cách Hà Nội (Việt Nam) khoảng 160km về hướng Nam. Vậy là năm 1992, Tim tìm đến Sầm Sơn (Thanh Hóa). Bạn ông là Colin Mudie (kỹ sư đóng tàu người Anh) cảnh báo: Bè mảng Việt Nam có tính ổn định cao nhưng đó cũng là nhược điểm nguy hiểm nhất của nó. Bởi khi bị nghiêng ở một góc nhất định, nó sẽ bất ngờ lật úp và rất nguy hiểm khi đang ở giữa biển. Dựa trên các số liệu Tim thu thập được tại Sầm Sơn, Đài Loan, tham khảo các mẫu bè mảng cổ,… ông Colin Mudie đã thiết kế một bè mảng vượt đại dương. Công việc được tiến hành kỹ lưỡng với sự tham gia của những người thợ làm bè mảng Sầm Sơn. 
 
Bè luồng Việt vượt... Thái Bình Dương ảnh 2 Các thành viên chuyến vượt Thái Bình Dương được in trong sách Bè tre Việt Nam du ký của Tim Severin
 Để có vật liệu làm bè, ông Tim đã lên tận rừng ở miền Tây Thanh Hóa tìm hiểu và mua luồng. Chiếc bè dài 18,3m, rộng 4,6m, xếp 3 lớp gần 320 cây luồng với chiều dài 9m/cây, đường kính trung bình mỗi cây 15cm. Luồng phải chặt vào mùa thu, ít nhựa để hạn chế mối mọt. Sau đó, đem cạo vỏ rồi quét một lớp sơn được làm từ cây “sống đời” giã nhuyễn pha với nước biển và vôi. Ngoài kỹ sư, 40 thợ đóng bè mảng và ngư dân dày dạn kinh nghiệm của Sầm Sơn được huy động. Riêng phần thân bè đã dùng tới 46km lạt mây với hơn 3.000 mối buộc! Bè được đặt tên là Từ Phúc (một thủy thủ người Trung Hoa xưa đã mở cuộc thám hiểm Thái Bình Dương). Ngày 16-3-1993 bè được hạ thủy, kéo ra Hạ Long lắp cánh buồm, sau đó được tàu chở sang Hồng Công.
Vươn ra biển lớn
Cuộc phiêu lưu có hải trình từ Hồng Công băng qua eo biển Đài Loan, vòng lên phía Đông Bắc đến Nhật Bản, từ đó băng qua Thái Bình Dương đến Bắc Mỹ với chiều dài 6.500 dặm. Ngày 17-5-1993 bè luồng bắt đầu rời Hồng Công và được Tim Severin kể lại trong cuốn sách Bè tre Việt Nam du ký: “Mảng Từ Phúc đã rời khỏi Hồng Công như một người say bước loạng choạng ngang dọc ra khỏi nhà chủ tiệc sau một bữa no say…”. Thời gian đầu có 7 thành viên, gồm: ông Tim Severin, 3 người Anh là Joe Beynon, Rex Warner và Trondur Patursson; ông Lợi, chị Nina Kojima người Nhật Bản và anh Mark Reynolds người Hồng Công. Nhưng đến Nhật Bản, vì lý do sức khỏe, chị Nina và anh Mark ở lại. 
Cuộc phiêu lưu thực sự kỳ thú nhưng cũng gặp nhiều hiểm nguy. Nào là tránh cơn bão Keoni, né khỏi tàu hàng, thoát khỏi lực cuốn của dòng Kuroshio (hải lưu Nhật Bản). Rồi 2 lần bị cướp biển dòm ngó. Chưa kể chuyện gãy cột buồm, cháy lều cabin,… Sau 100 ngày, bè luồng bắt đầu xộc xệch. Việc sửa chữa đã biến bè như một xưởng làm dây nhợ và được gọi vui là “tóc của những nàng tiên cá”. Vào rạng đông ngày thứ 101, 2 cây luồng từ đáy bè bung ra. Lúc này, lương thực cũng cạn dần. Đầu bếp Joe Beynon phải đưa ra sáng kiến “giảm cân”. Mỗi người 1 ngày 2 bữa chính, 3 tách cà phê và… nửa củ hành cho cả 5 người! Đến ngày thứ 105, bè cách đất Mỹ khoảng 1.000 dặm. Không ai muốn rời bỏ bè, nhưng vì lý do an toàn, ngày 16-11-1993, Tim Severin cùng 4 bạn đồng hành buộc phải lên tàu California Galaxy trở lại Nhật Bản, kết thúc hành trình 5.500 dặm. 

Trước khi có cuộc phiêu lưu này, ông Lợi không biết một từ tiếng Anh nào -  ông chỉ học hết lớp 7. Khi lên bè, Joe Beynon được giao kèm cặp ông học tiếng Anh. Nina trang bị cho ông 2 loại từ điển Việt - Anh, Anh - Việt. Vừa đi vừa học liên tục.

Bè luồng Việt vượt... Thái Bình Dương ảnh 3
Ông Lợi tâm sự: Mục đích của chuyến đi là thử nghiệm một lý thuyết cho rằng có thể cư dân châu Á thời xưa đã dùng bè luồng đến được châu Mỹ. Dù không thành công nhưng bè đã vượt được 5.500 dặm trên Thái Bình Dương. Đó là điều kỳ diệu, khó tưởng tượng.

Tin cùng chuyên mục