Bế mạc phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII

Hôm nay, 26-4, phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã bế mạc, sau khi hoàn thành toàn bộ chương trình nghị sự.
Bế mạc phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII

(SGGP).- Hôm nay, 26-4, phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã bế mạc, sau khi hoàn thành toàn bộ chương trình nghị sự.

Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ, tiếp thu đầy đủ các ý kiến của UBTVQH tại phiên họp này, đặc biệt là các nội dung về đánh giá kết quả kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, để làm cơ sở rút kinh nghiệm cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội cũng cần tiếp thu ý kiến các ủy viên UBTVQH để hoàn chỉnh thêm chương trình kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XIV – Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc nhở.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu tại Phiên họp lần thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII. Ảnh: TTX

Trước đó, UBTVQH đã cho ý kiến về các dự thảo Nghị quyết về việc phân loại đơn vị hành chính; Nghị quyết về tiêu chuẩn đơn vị hành chính và việc nhập chia điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính; Nghị quyết về phân loại đô thị.

Trình bày ý kiến về các dự thảo Nghị quyết nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đại diện cơ quan thẩm tra, nhận định: “Cơ bản các Nghị quyết đã thể hiện đủ và cụ thể các nội dung trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, bao gồm tiêu chuẩn cụ thể của các đơn vị hành chính; tiêu chuẩn cụ thể của các tiêu chí phân loại đơn vị hành chính và việc phân loại đô thị. Các quy định cụ thể được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định tương ứng của pháp luật hiện hành có điều chỉnh, bổ sung nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập xảy ra trong thực tế nhằm bảo đảm cho việc đánh giá, phân loại được khách quan, khoa học, toàn diện và phù hợp với thực tế”.

Tuy nhiên, cần rà soát những số liệu, định mức được quy định trong từng tiêu chuẩn, tiêu chí tại các dự thảo nghị quyết để bảo đảm chất lượng và tính khả thi của văn bản, tạo thuận lợi cho việc áp dụng – ông Phan Trung Lý lưu ý.

Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị không quy định tiêu chuẩn đô thị loại đặc biệt trong dự thảo Nghị quyết, vì Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định Hà Nội và TPHCM là đơn vị hành chính cấp tỉnh loại đặc biệt. Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng, việc xác định tiêu chí của loại đô thị đặc biệt không nhằm để xem xét, công nhận loại đô thị cho 2 thành phố này mà là cơ sở để xây dựng các chương trình, kế hoạch dự án đầu tư phát triển theo đúng quy hoạch được phê duyệt. Bên cạnh đó, Luật Thủ đô, Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng không quy định nội dung này. Vì vậy, Chính phủ đề nghị giữ lại quy định này trong dự thảo Nghị quyết.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển băn khoăn việc đưa ra các tiêu chuẩn, tiêu chí để phân loại đô thị có tính đến xu thế chung hiện nay của thế giới hay không; đó là hiện tượng chuyển dịch dân cư từ nông thôn về đô thị, từ khu vực kinh tế kém phát triển sang khu vực có kinh tế phát triển. “Đây không phải là xu thế của một quốc gia mà của cả thế giới. Dân cư ở khu kém phát triển dồn về khu phát triển, ở nước kém phát triển dồn về nước phát triển. Lẽ ra, nên coi tiêu chí số 1 là dân số và mật độ dân số chứ không phải tiêu chí về diện tích. Tiêu chí thứ hai phải là quy mô của nền kinh tế được xác định bằng số thu ngân sách bởi thu ngân sách chính là công tơ mét phản ánh sự phát triển của nền kinh tế. Nếu cứ xếp như thế này thì suốt đời chúng ta sẽ “nợ” tiêu chuẩn”, ông nói.

Tuy nhiên, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc bày tỏ sự băn khoăn: “Ở đây có 2 loại, đó là quy mô dân số toàn đô thị và quy mô dân số của khu vực nội thị. Vậy ở đây yếu tố nào quyết định, toàn đô thị hay nội thị”?

Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc nói và lý giải thêm: nếu để quy định phát triển dân số khu vực nội thị như dự thảo thì e rằng bài toán phát triển đô thị, giãn dân sẽ không thực hiện được mà rất có thể dẫn đến xu hướng ép dân về đô thị, dẫn đến áp lực làm phình to các đô thị lớn. Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt đặt vấn đề: liệu khi UBTVQH ban hành nghị quyết có dẫn đến “trào lưu” các địa phương đề nghị chia tách hay không?

Kết luận về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ủy ban Pháp luật cùng các cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để UBTVQH cho ý kiến một lần nữa trước khi ban hành nghị quyết.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục