Bên dòng Đồng Nai

Đồng Nai là một trong những con sông chảy trong nội địa dài nhất Việt Nam, khởi nguồn từ cao nguyên Lâm Đồng, qua nhiều địa phương của tỉnh Đồng Nai, TPHCM và nhập với sông Sài Gòn, sông Soài Rạp, sông Nhà Bè trước khi chảy ra biển. Bên dòng sông hiền hòa này đã hình thành những điểm đến lý thú về văn hóa - lịch sử - thiên nhiên.

Chùa Ông trên Cù lao Phố (TP Biên Hòa) là một điểm tham quan trong tour du lịch đường sông Sài Gòn - Đồng Nai
Chùa Ông trên Cù lao Phố (TP Biên Hòa) là một điểm tham quan trong tour du lịch đường sông Sài Gòn - Đồng Nai

Từ bến Bạch Đằng, du khách xuôi theo sông Sài Gòn rồi ngược lên sông Đồng Nai là đến điểm dừng đầu tiên: Cù lao Phố (nay là phường Hiệp Hòa, TP Biên Hòa). Thuyền cập bến, du khách lên bờ vào viếng chùa Ông (Thất phủ Cổ miếu, tạo dựng từ năm 1684 và được xếp hạng là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia vào năm 2011), là điểm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Hoa. Chùa thờ Quan Công, được người Hoa, người Việt thờ phụng bởi tấm lòng trung thực, nghĩa hiệp, độ lượng, bao dung. Suốt hơn 300 năm qua, cứ đến trung tuần tháng giêng hàng năm lại diễn ra lễ hội chùa Ông với nghi thức rước rất hoành tráng.

Sau đó, du khách đi bộ qua viếng đền thờ Đức Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh cách đó hơn 100m và cũng nằm bên sông Đồng Nai. Khu đền thờ đã được chính quyền nâng cấp, tu bổ nhiều lần hiện rất khang trang để người dân và du khách có dịp viếng thăm, thắp nén nhang ghi nhớ công đức của bậc tiên hiền thời nhà Nguyễn mở mang bờ cõi về phương Nam thuở trước. Cách đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh khoảng 200m là ngôi chùa thuộc loại cổ nhất vùng Đông Nam bộ. Đại Giác cổ tự, được dựng từ năm 1412. Đến khoảng năm 1665, khi dân cư đến cù lao Phố ngày một đông đúc thì ngôi chùa được xây dựng trên nền am thờ.

Tạm biệt cù lao Phố, theo sông Đồng Nai, du khách đến khu du lịch Bửu Long, nơi có hồ Long Ẩn với những ngọn núi đá nhỏ, được ví như Hạ Long vùng Đông Nam bộ. Liền đó, du khách qua bên kia sông khám phá cù lao Thạnh Hội, cù lao Rùa thuộc TP Tân Uyên, thưởng thức đặc sản bưởi Bạch Đằng - nơi đây 2 năm một lần diễn ra lễ hội Hương bưởi Bạch Đằng đặc sắc.

hoc-sinh-tham-gia-da-ngoai-duoi-tan-rung-2867.jpg
Học sinh tham gia dã ngoại dưới tán rừng

Và điểm đến cuối của hành trình xanh trên sông Đồng Nai là Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (Khu Bảo tồn), được công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới từ năm 2011, thuộc huyện Vĩnh Cửu với diện tích tự nhiên hơn 100.571ha, gồm 68.000ha rừng, đất rừng và 32.500ha mặt nước hồ Trị An (với 72 đảo lớn, nhỏ cách TPHCM hơn 70km). Du khách được khám phá một trong những khu bảo tồn thiên nhiên có diện tích lớn nhất Việt Nam, có 1.552 loài thực vật, 1.819 loài động vật, trong đó nhiều loài được ghi vào Sách đỏ Việt Nam như báo gấm, gấu chó, bò tót, chà vá chân đen.

Khu bảo tồn này còn là vùng căn cứ cách mạng gắn với địa danh Chiến khu Đ gồm 3 di tích lịch sử quốc gia là Căn cứ Khu ủy miền Đông, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam thời kỳ 1961-1962 và Địa đạo Suối Linh nằm sâu trong rừng nguyên sinh. Theo ông Nguyễn Hoàng Hảo, giám đốc khu bảo tồn, trong những năm qua, đơn vị đã xây dựng và khai thác các loại hình du lịch như sinh thái rừng, đi thuyền trên hồ Trị An, du lịch giáo dục môi trường, du lịch trải nghiệm đi bộ, kết hợp đạp xe xuyên rừng khám phá cảnh quan thiên nhiên, du lịch về nguồn. Trong đó, chiếm đông nhất vẫn là du lịch sinh thái rừng và du lịch giáo dục môi trường rừng thu hút được nhiều trường học trong, ngoài tỉnh, giúp học sinh, sinh viên trải nghiệm, nghiên cứu về đa dạng sinh học, văn hóa tại khu bảo tồn.

Tin cùng chuyên mục