Bến Tre giữ gìn giá trị di sản của cụ Đồ Chiểu

Điều chúng tôi cảm nhận được trong những ngày này, khi về xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, là sự đổi thay của mảnh đất này và niềm vui của người dân nơi đây.

 Ông Nguyễn Văn Cụt (Chín Cụt, ngụ ấp 3) cho hay: Là người con xã An Đức - quê hương cụ Đồ Chiểu, nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của cụ (1-7-1822 - 1-7-2022), cũng như đón nhận bằng công nhận của UNESCO vinh danh cụ là Danh nhân văn hóa thế giới, ai cũng tự hào...

1. Vừa gấp rút hoàn thành công việc cắt tỉa cây kiểng trong khuôn viên Khu di tích lăng và mộ Nguyễn Đình Chiểu, để ngày lễ của cụ Đồ cũng như niềm vui người dân Ba Tri được trọn vẹn, ông Chín tranh thủ thời gian trò chuyện với chúng tôi. 

Người dân đến viếng mộ cụ Đồ Chiểu
Chỉ tay về đường Huỳnh Văn Anh nằm trước khu di tích, ông Chín nói: “Trước đây làm gì có con đường này, nên chỗ này gọi là vòng cụt. Sau này, con lộ được mở ra rộng rãi, xe tải, xe máy vi vu chạy. Rồi từ đó, các dịch vụ thiết yếu cũng phát triển, có hộ kinh doanh thức uống, tạp hóa… nên dân cư trở nên đông đúc, đời sống vật chất của người dân được nâng lên”. Chẳng hạn gia đình ông Chín, bên cạnh chăn nuôi còn kinh doanh thêm quà tặng lưu niệm gần khu di tích, đem lại nguồn thu mỗi năm 80-90 triệu đồng. Cũng theo ông Chín, gia đình ông cùng các hộ dân khác đã hiến đất để mở rộng khu di tích. Ông cho hay: “Sắp tới đây, địa phương tiếp tục mở rộng để khu di tích xứng đáng là nơi an nghỉ của Danh nhân văn hóa thế giới. Không chỉ tôi mà người dân nào ở An Đức cũng đều đồng thuận rất cao”.


Chú Ba Luân (Trần Văn Luân, Bí thư Chi bộ ấp 3, xã An Đức) cho biết, đời sống người dân nơi đây tương đối ổn định, giao thông nông thôn được cải thiện, đường sá được đầu tư khang trang. Theo chú Ba Luân, trước đây, những con đường ở An Đức sình lầy, đất đỏ, nay đã được phủ bê tông thẳng tắp. 

Ông Nguyễn Ngọc Công Danh, Chủ tịch UBND xã An Đức, cho rằng: “Mặc dù chưa được giao chỉ tiêu hoàn thành xã nông thôn mới, nhưng Đảng ủy, UBND xã An Đức cố gắng phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới vào cuối nhiệm kỳ 2020-2025. Hiện xã đã đạt 12/19 tiêu chí về nông thôn mới. Ngoài ra, các đơn vị chuyên môn dành nhiều thời gian sinh hoạt, tập huấn cho người dân về chuyên môn khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng, sản xuất; vì vậy người dân nắm rõ quy trình sản xuất, cân đối được liều lượng thuốc bảo vệ thực vật khoa học, sản lượng lúa đã đạt từ 6-7 tấn/ha, so với trước đây chỉ 5 tấn/ha.

2. Câu chuyện đổi thay ở huyện Ba Tri không chỉ là chuyện con lộ, cây giống hay ao cá vườn rau, đó còn là những giá trị di sản được người dân nơi đây vun bồi.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Thương, Bí thư Đoàn xã Tân Thủy, huyện Ba Tri, bày tỏ: “Tôi tự hào khi sinh ra và lớn lên ở Ba Tri, nơi cụ Đồ Chiểu chọn là nơi sống và hoạt động trong hơn 1/4 thế kỷ. Cuộc đời của cụ là tấm gương sáng ngời về đạo đức, nghị lực, đặc biệt là thái độ suốt đời gắn bó, bảo vệ lẽ phải cho quyền lợi của nhân dân và đất nước”. Theo chị Ngọc Thương, người trẻ hôm nay càng phải có trách nhiệm gìn giữ, bồi đắp những giá trị di sản mà cụ Đồ Chiểu đã để lại cho cuộc đời này. Đó là giá trị của một nhà thơ lớn, một nhà thơ yêu hòa bình, một thầy giáo, thầy thuốc vượt qua nghịch cảnh để giúp ích cho nhân dân…  

Đồng chí Võ Văn Phê, Bí thư Huyện ủy huyện Ba Tri, cảm nhận, cuộc đời và sự nghiệp của cụ Đồ Chiểu là tấm gương sáng, soi rọi để cán bộ, đảng viên, nhân dân huyện Ba Tri học tập và rèn luyện suốt đời, trở thành người giàu lòng yêu nước, thương dân, sống có ích cho quê hương, đất nước. Ông bày tỏ: “Chúng tôi thật tự hào và vinh dự được thừa hưởng những giá trị văn hóa của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu để lại. Để tiếp tục giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa của cụ, huyện sẽ phối hợp Sở VH-TT-DL tỉnh Bến Tre tiến hành quy hoạch, đề nghị Trung ương mở rộng nâng cấp Khu di tích lăng và mộ Nguyễn Đình Chiểu tương xứng tầm vóc Danh nhân văn hóa thế giới; đồng thời duy trì tổ chức tốt ngày hội văn hóa hàng năm với nhiều hoạt động thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài huyện tham gia; chăm lo giáo dục truyền thống văn hóa cho mọi người, nhất là thế hệ trẻ”.

Ông Nguyễn Quang Trị, nguyên Giám đốc Sở VH-TT, Chủ tịch Hội Di sản - Văn hóa tỉnh Bến Tre, nêu ý kiến: “Để phát huy di sản tư tưởng của cụ Đồ Chiểu thì Đảng bộ và nhân dân huyện Ba Tri nói riêng và tỉnh Bến Tre nói chung phải hiểu một cách sâu sắc và phát huy đúng mức di sản đó trong thời kỳ mới. Vì di sản của cụ mãi mãi trường tồn với thời gian; đó cũng là tiền đề, là động lực, là giải pháp quan trọng giúp người dân Ba Tri phấn đấu vượt qua khó khăn trở lực, đứng vững trong đời sống 
kinh tế - xã hội”. 

Theo ông Nguyễn Quang Trị, nguyên Giám đốc Sở VH-TT, Chủ tịch Hội Di sản - Văn hóa tỉnh Bến Tre, phải có một bộ sưu tập chặt chẽ, đầy đủ hơn những trước tác của cụ Đồ Chiểu và trước tác của những nhà nghiên cứu về cụ, kể cả những di sản văn hóa còn nằm trong dân, như là diễn xướng, nói thơ, nói tuồng Lục Vân Tiên… “Trên cơ sở sưu tập, chúng ta số hóa, để khi có điều kiện thì phổ biến cho người dân trong nước và thế giới hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời và sự nghiệp cũng như di sản văn hóa mà cụ Nguyễn Đình Chiểu đã để lại”, ông Trị nói.

Tin cùng chuyên mục