Bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp, nhiều ca nặng

Thời gian gần đây, các bệnh viện (BV) nhi đồng trên địa bàn TPHCM liên tục tiếp nhận nhiều ca mắc tay chân miệng (TCM) nặng. Các chuyên gia y tế nhận định, với sự xuất hiện của virus Enterovirus 71 (EV71), dịch bệnh TCM năm nay dự báo sẽ có những diễn biến khó lường.
Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 đang thăm khám cho trẻ mắc bệnh tay chân miệng
Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 đang thăm khám cho trẻ mắc bệnh tay chân miệng

Phát hiện sớm để giảm biến chứng nặng

Theo ThS-BS Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), trong tuần qua, toàn thành phố ghi nhận 287 ca mắc TCM, tăng 133,3% so với trung bình 4 tuần trước. Các ca bệnh tăng ở cả 2 nhóm điều trị ngoại trú và nhập viện. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, toàn thành phố có 1.972 ca mắc TCM.

Đáng chú ý, thông qua hệ thống giám sát dịch bệnh của thành phố, có 6 mẫu bệnh phẩm của bệnh nhi mắc TCM có triệu chứng nặng đang điều trị tại các BV nhi của thành phố được phát hiện có virus Enterovirus 71 (EV71) và đều có kiểu gene B5 khi tiến hành giải trình tự gene. EV71 chính là tác nhân gây dịch lớn năm 2011, 2018.

“Số ca mắc TCM đang có khuynh hướng gia tăng ở khu vực miền Nam cũng như TPHCM trong 2 tuần gần đây. Cùng với việc phát hiện virus EV71 là tác nhân gây bệnh, dự báo bệnh TCM năm nay diễn biến phức tạp”, ThS-BS Lê Hồng Nga nhận định.

Ghi nhận của phóng viên tại các BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, những ngày qua, nhiều phụ huynh đưa con em đến khám TCM tăng cao. Tại Khoa Nhiễm, các phòng bệnh đều kín giường, thậm chí phải kê thêm giường ra ngoài hành lang để trẻ nằm điều trị. Bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1, cho biết biểu hiện đặc trưng của bệnh TCM là sốt cao trên 2 ngày không hạ và giật mình chới với khi ngủ. Khi trẻ có 2 triệu chứng này thì phụ huynh cần nghĩ đến bệnh TCM. Trẻ mắc TCM có thể diễn tiến nặng trong 5 ngày đầu, đặc biệt trong 3 ngày đầu tiên sốt cao liên tục, uống thuốc hạ sốt nhưng không thuyên giảm là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm, cần phải đưa đến BV ngay.

Bên cạnh đó, biểu hiện chuyển bệnh khác dễ bị bỏ qua hơn là trẻ ngủ giật mình chới với. Triệu chứng này khác hẳn so với thói quen ngủ giật mình hàng ngày của trẻ. Do đó, cha mẹ cần quan sát để nhận thấy bất thường khi trẻ ốm. Hiện tượng giật mình chới với ở trẻ mắc TCM thường xuất hiện ở đầu giấc, khi trẻ mới chỉ bắt đầu ngủ. Trẻ có thể giật mình, giơ các chi lên cao và hạ xuống, rồi tiếp tục ngủ bình thường. Tần suất giật mình từ 2 lần trong vòng 30 phút là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm.

“Với trẻ mắc TCM có dấu hiệu cảnh báo, nếu không được nhập viện kịp thời thì có thể phát triển nặng hơn, biến chứng lên não, đe dọa đến tính mạng. Ngoài ra, một số triệu chứng khác ở trẻ mắc TCM cần lưu ý là: nổi hồng ban ở tay, chân, mông; miệng chảy nước bọt kèm sốt nhẹ... và cần được cách ly, điều trị kịp thời để tránh nguy cơ biến chứng nặng”, bác sĩ Dư Tuấn Quy cảnh báo.

Hội chẩn từ xa - cứu sống nhiều ca bệnh

Ngày 9-6, PGS-TS-BS Phạm Văn Quang, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc, BV Nhi đồng 1, cho biết, thời gian gần đây đơn vị này liên tục nhận được đề nghị hỗ trợ hội chẩn từ xa cho các trường hợp trẻ em mắc TCM nặng từ các BV tuyến tỉnh khu vực ĐBSCL như: Bạc Liêu, Kiên Giang, Cần Thơ, Tiền Giang, Long An… Cụ thể, mới đây BV Đa khoa Bạc Liêu đã liên hệ nhờ hội chẩn từ xa cho trường hợp bệnh nhi N.P.Ng. (nữ, 23 tháng tuổi, ngụ TP Bạc Liêu) nhập viện vì sốt cao kèm giật mình chới với. Bệnh nhi sốt 2 ngày, người nhà cho uống hạ sốt nhưng không khỏi nên đưa đi khám và nhập BV Đa khoa Bạc Liêu. Bệnh nhi được chẩn đoán mắc TCM độ 2a và diễn tiến nặng sang độ 3 sau 2 giờ nhập viện với triệu chứng giật mình nhiều, mạch nhanh và tăng huyết áp.

Ngay lập tức các bác sĩ đã điều trị đặc hiệu bằng thuốc Immunoglobulin, vận mạch, chống co giật. Tuy nhiên tình trạng bệnh nhi không cải thiện. Lo ngại việc chuyển viện không an toàn nên các bác sĩ BV Đa khoa Bạc Liêu đã liên hệ BV Nhi đồng 1 nhờ hội chẩn từ xa, hướng dẫn cách xử trí và tiến hành kỹ thuật lọc máu cấp cứu cho bệnh nhi.

“Nhờ sự hỗ trợ hội chẩn từ xa, các bác sĩ BV Đa khoa Bạc Liêu đã thực hiện lọc máu thành công, giúp ổn định sinh hiệu và cứu sống bệnh nhi. Sau hơn 2 tuần điều trị, bệnh nhi đã xuất viện khỏe mạnh, không di chứng thần kinh”, PGS-TS Phạm Văn Quang thông tin.

BV Nhi đồng Thành phố trong tuần qua cũng đã tiếp nhận 4 trường hợp trẻ em mắc TCM độ nặng từ các tỉnh ĐBSCL chuyển đến. Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi đồng Thành phố, cho biết, tất cả 4 trường hợp này đều có xét nghiệm PCR phết họng, trực tràng cho kết quả nhiễm virus EV71.

Điển hình là trường hợp bé trai 17 tháng tuổi ở Đồng Tháp chuyển lên trong tình trạng mạch đập nhanh, suy hô hấp, lơ mơ, nhập BV địa phương chẩn đoán mắc TCM độ 3. Do tình trạng không cải thiện nên bệnh nhi được chuyển tiếp lên BV Nhi đồng Thành phố.

Tại đây, các bác sĩ xử trí đặt nội khí quản giúp thở, chống sốc với test dịch truyền vận mạch, truyền thuốc điều hòa miễn dịch, an thần, hạ sốt tích cực nhưng tình trạng bệnh nhi không cải thiện nên BV tiến hành lọc máu liên tục. Kết quả, sau 2 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhi có cải thiện, bớt sốt, huyết động ổn định và vẫn đang được tiếp tục theo dõi điều trị tích cực.

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, hiện đơn vị đã thành lập tổ chuyên gia hỗ trợ hội chẩn những trường hợp mắc TCM nặng và tổ chức các đoàn kiểm tra tại các quận, huyện về công tác phòng chống dịch TCM. Các BV chuyên khoa nhi của thành phố đã sẵn sàng trang thiết bị hồi sức những trường hợp nặng (lọc máu, ECMO...) và thuốc điều trị theo phác đồ. Sở Y tế TPHCM cũng đã có văn bản kiến nghị Bộ Y tế và Cục Quản lý dược hỗ trợ cung ứng đủ thuốc điều trị (chủ yếu là Phenobarbital và Gamma globulin truyền tĩnh mạch).

Tin cùng chuyên mục