Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM thực hiện 12 ca ghép gan trẻ em sau 2 năm

Đến nay, Bệnh viện Đại học Y  dược TPHCM đã thực hiện 12 ca ghép gan trẻ em. Đa số các bé phục hồi tốt, tiếp tục tái khám và theo dõi định kỳ tại bệnh viện.

Một ca ghép gan tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM
Một ca ghép gan tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM

Ngày 16-12, thông tin từ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, đơn vị vừa có buổi làm việc với Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe và Phát triển trẻ em (Tokyo, Nhật Bản) để tổng kết và thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực ghép gan trẻ em. Đây cũng là dịp để đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế của bệnh viện và các bệnh nhi, gia đình bệnh nhi cùng nhìn lại hành trình 2 năm viết tiếp những câu chuyện diệu kỳ cho các bé mắc bệnh lý về gan nặng, có chỉ định ghép gan.

Theo TS-BS Trần Công Duy Long, Phó trưởng Khoa Ngoại Gan Mật Tụy, Trưởng Đơn vị Ung thư gan mật và ghép gan, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, các bé mắc bệnh lý gan cấp tính và mạn tính hầu như không có cơ hội phục hồi. Nhiều trẻ trong lúc chờ được ghép gan tử vong vì Việt Nam chưa hoàn toàn tự chủ kỹ thuật ghép gan, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 không có sự hỗ trợ trực tiếp từ các chuyên gia nước ngoài. Đó là lý do bệnh viện rất trăn trở và tâm huyết triển khai ghép gan trẻ em để kịp thời cứu sống các bệnh nhi.

Trước đó vào tháng 10-2021, ê-kíp ghép gan của bệnh viện đã tham gia chương trình đào tạo trực tuyến về ghép gan trẻ em từ các giáo sư của Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe và Phát triển trẻ em.

Đến tháng 12-2021, trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bệnh viện đã phối hợp cùng Bệnh viện Nhi đồng 2, nỗ lực triển khai và thực hiện thành công ca ghép gan trẻ em đầu tiên tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM.

“Nhờ có hỗ trợ tận tình của các chuyên gia Nhật Bản đã góp phần tạo nên thành công cho các ca ghép, cứu sống các bệnh nhi. Trong thời gian tới, bệnh viện mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các chuyên gia trong việc đào tạo, huấn luyện, hỗ trợ bệnh viện trong lĩnh vực ghép gan nói riêng và ghép tạng nói chung, góp phần thực hiện các ca ghép một cách hiệu quả, an toàn và cứu sống ngày càng nhiều người bệnh”, TS-BS Phạm Văn Tấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM.

den-nay-bv-dhyd-tphcm-da-thuc-hien-12-ca-ghep-gan-tre-em-5714.jpg
Các y bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM và các chuyên gia Nhật Bản thăm, chúc mừng các bé từng ghép gan tại bệnh viện

Ca ghép này được thực hiện hoàn toàn bởi đội ngũ y bác sĩ của Việt Nam mà không có sự hỗ trợ trực tiếp từ chuyên gia nước ngoài, mở ra nhiều hy vọng hơn cho các bệnh nhi chờ ghép gan. Tiếp nối thành công ban đầu, bệnh viện tiếp tục hợp tác với các chuyên gia để thực hiện thường quy phẫu thuật ghép gan trẻ em.

Đến nay, bệnh viện đã thực hiện 12 ca ghép gan trẻ em. Đa số các bé phục hồi tốt, tiếp tục tái khám và theo dõi định kỳ tại bệnh viện. Tại buổi gặp mặt, các bé vui vẻ nô đùa, chạy nhảy và được nhận quà từ các y bác sĩ của bệnh viện và các chuyên gia Nhật Bản.

“Sau 2 năm, lĩnh vực ghép gan trẻ em tại bệnh viện đã được cải thiện đáng kể, các bệnh nhi tái khám trong tình trạng ổn định, được đến trường và phát triển rất tốt. Có thể thấy đến nay các bác sĩ Việt Nam đã tự chủ kỹ thuật này, các bệnh nhi có cơ hội được cứu sống mà không phải rơi vào bế tắc và tuyệt vọng như trước đây”, TS-BS Trần Công Duy Long thông tin.

Chị N.T.N.L. (ngụ tại Vĩnh Long, mẹ bé L.N.A.L. – ca ghép gan trẻ em thứ 4 tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) xúc động chia sẻ: “Gia đình xin cảm ơn tất cả các y bác sĩ, các cô chú điều dưỡng đã quan tâm, chăm sóc cho bé từ những ngày đầu tiên bé nhập viện, tận tình chăm cho bé từng miếng cháo, miếng bánh, những cái ôm ấp vỗ về hay những món quà nhỏ… Tất cả đã tạo động lực mạnh mẽ cho ba mẹ và bé. Hành trình để bé được ghép gan không dễ dàng vì trong thời điểm dịch, thể trạng bé yếu và thiếu cân. Nhưng chính tình yêu thương của các y bác sĩ đã tiếp thêm niềm tin cho gia đình. Sau ghép gan, bé hồi phục rất nhanh và đến nay khỏe mạnh hơn, phát triển bình thường như những đứa trẻ khác”.

Tin cùng chuyên mục