(SGGP).- Ngày 27-12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dự lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động của Bệnh viện Hữu Nghị.
Được thành lập ngày 28-3-1958, trải qua gần 60 năm xây dựng và phát triển, đến nay Bệnh viện Hữu Nghị đã trở thành địa chỉ khám, chữa bệnh tin cậy của cán bộ trung - cao cấp của Đảng và Nhà nước, của nhân dân khu vực Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Bệnh viện Hữu Nghị cũng là một trong những đơn vị đầu tiên của cả nước ứng dụng và phát triển các kỹ thuật mới, hiện đại tiên tiến tại Việt Nam trong khám, chữa bệnh và quản lý bệnh viện, tạo thuận lợi cho việc theo dõi, hội chẩn, chẩn đoán bệnh.
Năm 2015, Bệnh viện Hữu Nghị được Bộ Y tế chọn làm thí điểm xây dựng mô hình “Bệnh viện không phim” đầu tiên trong cả nước; là một trong 3 bệnh viện đầu tiên trong cả nước triển khai pha chế tập trung hóa chất điều trị ung thư đảm bảo kỹ thuật, chất lượng và độ an toàn cao.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cán bộ, bác sĩ, nhân viên Bệnh viện Hữu Nghị
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao tâm sức, trí tuệ của các thế hệ cán bộ Bệnh viện Hữu Nghị đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Với vị trí quan trọng trong các bệnh viện, với nhiệm vụ chính trị đặc biệt và bệnh nhân rất đặc thù, yêu cầu đặt ra đối với Bệnh viện Hữu Nghị ngày càng cao. Bên cạnh những nỗ lực phấn đấu của đội ngũ thầy thuốc, cán bộ, nhân viên bệnh viện cũng rất cần sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và Bộ Y tế…
Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao danh hiệu Anh hùng Lao động, phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước tặng tập thể cán bộ Bệnh viện Hữu Nghị; trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng 2 tập thể: Khoa Tim mạch và Khoa Tim mạch can thiệp của Bệnh viện Hữu Nghị. Dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm Khoa Tim mạch can thiệp, Khoa Nội A và Khoa Hồi sức tích cực; thăm, tặng quà một số bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện.
Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tới dự và trao danh hiệu Anh hùng Lao động tặng Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam.
Chúc mừng và biểu dương những thành tích mà tập thể nhà hát đạt được trong nhiều năm qua, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh cho rằng, để ngày càng phát triển vững mạnh, xứng đáng với danh hiệu cao quý vừa nhận được, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam cần tiếp tục xây dựng tác phẩm, chương trình nghệ thuật mới, giàu nội dung, đa dạng phong cách thể hiện, phản ánh chân thực cuộc sống, bản sắc văn hóa, tâm hồn người Việt Nam; tuyên truyền giới thiệu rộng rãi hơn nữa các chương trình, tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao đến với nhân dân trong nước, đặc biệt là khán giả trẻ, khán giả nước ngoài. Nhà hát cũng cần tiếp tục phấn đấu tạo phong cách riêng, độc đáo, hấp dẫn khán giả; nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục đi lên trong cơ chế thị trường, không ngừng nâng cao đời sống văn nghệ sĩ, xứng đáng là đơn vị nghệ thuật hàng đầu cả nước về ca múa nhạc.
Cũng trong ngày 27-12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới dự lễ kỷ niệm 31 năm thành lập Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (31-12-1984 - 31-12-2015) và lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động.
Nhân dịp này, GS-TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương được trao tặng Huân chương Lao động hạng nhất. Trải qua hơn 30 năm hình thành phát triển, đến nay Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã trở thành cơ sở đầu ngành về huyết học - truyền máu trên toàn quốc và là cơ sở lớn nhất cả nước trong lĩnh vực huyết học, điều trị bệnh máu ác tính, bệnh khó, bệnh hiểm nghèo, bệnh ở giai đoạn cuối chuyển về. Viện cũng là đơn vị ghép tế bào gốc nhiều nhất trên cả nước để điều trị các bệnh hiểm nghèo, trong đó riêng trong năm 2015 đã thực hiện được trên 190 ca ghép tế bào gốc (trong đó có 10 ca ghép từ máu dây rốn cộng đồng), với kết quả thành công từ 75% - 85%.
BẢO MINH - KHÁNH NGUYỄN