Bệnh xoắn tinh hoàn ở trẻ: Biến chứng khó lường nếu phát hiện chậm

Xoắn tinh hoàn ở trẻ làm tắc nghẽn mạch máu nuôi tinh hoàn, nếu không được phẫu thuật kịp thời sẽ gây hoại tử tinh hoàn, buộc phải cắt bỏ.

Ngày 9-3, Bệnh viện chuyên khoa Sản nhi Sóc Trăng cho biết, vừa tiếp nhận bé trai L.K.N. (12 tuổi, trú xã Vĩnh Phước, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) được chuyển đến trong tình trạng đau nhiều vùng bẹn phải. Qua thăm khám, vùng bẹn phải có khối nề, sờ nắn rất đau, tinh hoàn phải nằm vùng bẹn; vùng ống bẹn, bìu trái sờ không được tinh hoàn.

Kết quả siêu âm cho thấy tinh hoàn ẩn 2 bên, xoắn tinh hoàn phải, bé được mổ cấp cứu, trong khi mổ phát hiện tinh hoàn xoắn 2 vòng. Các bác sĩ xử trí tháo xoắn, bảo tồn được tinh hoàn.

Trong năm 2023, Bệnh viện chuyên khoa Sản nhi tỉnh Sóc Trăng đã tiếp nhận, điều trị phẫu thuật thành công 8 trường hợp trẻ bị xoắn tinh hoàn. Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp phụ huynh phát hiện muộn, không đưa bé đến bệnh viện kịp thời dẫn đến tinh hoàn đã hoại tử buộc phải cắt bỏ.

bacsi-1062.jpg
Bệnh viện chuyên khoa Sản nhi Sóc Trăng tiếp nhận điều trị bé bị xoắn tinh hoàn

Theo BSCKI Quách Tòng Lai, Khoa ngoại nhi, Bệnh viện chuyên khoa Sản nhi Sóc Trăng cho biết: “Xoắn tinh hoàn là hiện tượng tinh hoàn bị xoắn quanh trục, làm tắc nghẽn mạch máu nuôi tinh hoàn, nếu không được phẫu thuật kịp thời sẽ gây tình trạng hoại tử tinh hoàn, buộc phải cắt bỏ. Xoắn tinh hoàn có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất là ở trẻ em. Triệu chứng điển hình của xoắn tinh hoàn là đau vùng bẹn, bìu dữ dội, có thể thấy phù nề, tím, buồn nôn và nôn, đau ngày càng tăng và lan dần cả vùng háng”.

BSCKI. Quách Tòng Lai cho biết thêm: “Tinh hoàn ẩn là một bệnh bẩm sinh, khi đó 1 hoặc 2 bên tinh hoàn của trẻ không nằm ở bìu mà lại nằm ở vị trí khác như nằm trong ổ bụng, lỗ bẹn sâu, ống bẹn, lỗ bẹn nông. Do không được cố định ở bìu, mà tinh hoàn dễ dàng di động, chạy lên chạy xuống nên trẻ có tinh hoàn ẩn rất dễ bị xoắn tinh hoàn và đặc biệt tinh hoàn ẩn nếu không được điều trị sớm tinh hoàn sẽ mất chức năng, khả năng bị ung thư rất cao. Năm 2023, các bác sĩ của Khoa ngoại nhi Bệnh viện chuyên khoa Sản nhi Sóc Trăng đã phẫu thuật cho 27 trường hợp tinh hoàn ẩn”.

Các bậc phụ huynh nên đưa trẻ khám và tầm soát để phát hiện sớm tinh hoàn ẩn khi thấy bất thường ở trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 18 tháng tuổi. Việc phát hiện sớm tinh hoàn ẩn và điều trị sớm sẽ giúp giảm các nguy cơ biến chứng, ảnh hưởng đến sự phát triển về sau của trẻ.

Tin cùng chuyên mục