
Mahmoud Abu Rideh, người gốc Jordan sống tại Anh, đã phải ngồi tù 4 năm và chịu quản thúc 4 năm vì bị cho là nghi can khủng bố. Người cha của 6 đứa con này giờ đây phải ngồi xe lăn và không bao giờ hiểu được bằng chứng buộc tội ông. Dưới đây là câu chuyện do vợ ông, Dina Al Jnidi, kể lại trên tờ Independent ngày 3-7.
Ngày bi kịch
Tôi vẫn nhớ như in ngày cảnh sát ập vào nhà bắt chồng tôi, 19-12-2001. Khoảng 30 cảnh sát phá cửa xông vào nhà khi tôi còn mặc đồ ngủ rồi chĩa thẳng súng vào mặt tôi và lũ trẻ. Họ đè chồng tôi xuống đất để còng tay mặc cho anh ấy kêu gào vì đau đớn. Tôi phải van nài họ nhẹ tay vì chồng tôi bị đau lưng. Các con tôi chứng kiến toàn bộ cảnh này, chúng khiếp đảm la khóc thảm thiết, có đứa tè ra quần.

Các con của Mahmoud Abu Rideh đòi công lý cho cha
Cảnh sát sau đó đưa chồng tôi tới một nơi bí mật. Mẹ con chúng tôi bị đưa tới một căn nhà tạm để họ xét nhà. Sau 2 ngày, chúng tôi được trở về nhà. Báo chí địa phương đăng ảnh nhà chúng tôi với chú thích “một vụ bố ráp khủng bố”. Sau vụ này, tôi đã bị mở mạng che mặt Hồi giáo tới 3 lần và trước nhà tôi bị ném đầy rác. Gia đình tôi bị hàng xóm gièm pha dù trước đó chúng tôi không hề có xích mích nào với họ.
Mãi 40 ngày sau khi bị bắt, chồng tôi vẫn bặt vô âm tín dù tôi đã hỏi cảnh sát và cơ quan di trú. Sau đó, tôi tìm ra nơi giam chồng tôi, nhà tù Belmarsh. Thế nhưng mẹ con tôi chỉ được thấy mà không thể tiếp xúc với người chủ gia đình của mình, thậm chí chỉ bắt tay. Chồng tôi nói tiếng Anh không rành nhưng họ cấm anh ấy nói tiếng Arab.
“Tôi là người Anh, con tôi cũng vậy, tại sao chúng tôi bị đối xử như thế?” - Dina Al Jnidi luôn tự hỏi |
Do bị tra tấn, phân biệt đối xử và bị giam giữ không cần xét xử, chồng tôi từ chỗ uất hận dẫn tới bị tâm thần. Trước đó, anh là một người chồng, người cha hoàn toàn bình thường. Do tình trạng như vậy, họ chuyển chồng tôi tới nhà tù dành cho tù nhân tâm thần Broadmoor, nơi có nhiều tù nhân nguy hiểm. Tại đó, anh ấy luôn bị nhân viên, y tá và bệnh nhân tấn công. Tôi không thể tới thăm chồng vì được giải thích rằng anh ấy đang bị biệt giam. Trong thời gian này, chồng tôi bắt đầu tự hủy hoại bản thân. Anh ấy uống bột giặt, dùng bút đâm vào tay mình...
Bao giờ có công lý?
Cuối cùng, anh ấy được thả năm 2005. Chúng tôi chỉ được báo 2 giờ trước khi anh ấy về. Anh ấy phải mang một thiết bị điện tử ở mắt cá để họ theo dõi, phải báo cáo họ nhiều lần mỗi ngày (cả giữa đêm) thông qua thiết bị đặc biệt cài trong nhà chúng tôi. Chúng tôi không được sử dụng bất cứ thiết bị nào, cả thẻ nhớ hay máy MP3. Các con tôi không được sử dụng máy tính hay Internet. Chúng tôi không được đón khách tới nhà nếu không qua tiến trình thẩm tra của bộ nội vụ.
Chồng tôi như một con tàu bị đắm. Anh ấy không thể ngủ, thường đổ mồ hôi và run rẩy. Đêm ngủ toàn gặp ác mộng và bị ám ảnh các cảnh trong tù. Một tuần sau khi ra tù, chồng tôi đã uống thuốc tâm thần và thuốc chống trầm cảm để tự tử nhưng đã được cứu sống sau 3 ngày mê man.
Đời tôi cũng tan nát. Tôi không thể ngủ và khóc rất nhiều. Cảnh sát thường tới nhà lục lọi quần áo và lấy đi mọi thứ, cả máy chơi điện tử của bọn trẻ. Thời gian đó, tôi đang mang thai đứa thứ 6, ai có thể thay tôi chăm sóc cho chồng bệnh tật và đàn con.
Nhiều nhà tâm lý được phái tới khuyên tôi ly hôn. Vì sao? Họ muốn chồng tôi tự tử? Ngày 19-2-2009, Tòa án Công lý và Tòa án Nhân quyền châu Âu ra phán quyết buộc nhà chức trách phải công bố bằng chứng buộc tội chồng tôi và phải bồi thường vì cách đối xử tàn bạo với anh ấy. Thế nhưng tới nay, mọi việc vẫn chưa kết thúc...
KHÁNH MINH