“Bí kíp” giữ nhịp tăng trưởng bán lẻ

Trong nửa đầu năm 2023, thị trường bán lẻ Việt Nam chứng kiến hàng loạt các “ông lớn” trong ngành liên tục báo lỗ, thậm chí phải đóng cửa. Tuy nhiên, vẫn có doanh nghiệp duy trì tăng trưởng nhờ kịp thời thay đổi mô hình đầu tư cũng như tập trung cho chuyển đổi số.

Thị trường ảm đạm, nhiều “ông lớn” lỗ nặng

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 7-2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 512,2 ngàn tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng cục Thống kê cho rằng, dù tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng đầu năm 2023 đạt quy mô cao hơn, nhưng tốc độ tăng thấp hơn cùng kỳ.

Về nguyên nhân, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, nhìn một cách tổng thể, sức mua toàn thị trường hiện vẫn còn yếu, chưa đạt được bằng mức trước thời điểm dịch Covid-19, chưa kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng.

Bối cảnh sức mua thị trường ảm đạm đã khiến hàng loạt “ông lớn” trong ngành bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng liên tục báo lỗ. Chẳng hạn, Công ty CP Đầu tư Thế giới di động công bố doanh thu mảng công nghệ thông tin và điện tử gia dụng chỉ đạt 35.000 tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm, giảm 27% so với cùng kỳ. Hay Công ty CP Bán lẻ kỹ thuật số FPT ghi nhận doanh thu trong quý 1-2023 giảm 20% so với cùng kỳ. Công ty CP Thế giới số cũng thông báo lợi nhuận trong quý 1-2023 giảm 61% so với cùng kỳ, thu hẹp dần trong quý 2-2023 là âm khoảng 34%.

Khách hàng chọn mua nông sản tại siêu thị Co.opmart

Khách hàng chọn mua nông sản tại siêu thị Co.opmart

Thậm chí, trong những tháng đầu năm nay, thị trường còn chứng kiến sự rút lui của nhà bán lẻ đến từ Malaysia là Parkson. Theo đó, Parkson đã đệ đơn xin phá sản tại Việt Nam bởi thua lỗ kéo dài từ thời điểm đại dịch Covid-19 đến nay.

Cụ thể, theo số liệu từ Parkson Retail Asia, đơn vị sở hữu hệ thống Parkson tại Việt Nam, năm 2022, Parkson ghi nhận thua lỗ khoảng 1,7 triệu USD. Trong 3 tháng đầu năm 2023, doanh thu của hệ thống Parkson tại Việt Nam chỉ đạt khoảng 123 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ và tiếp tục chịu lỗ thêm khoảng 19 tỷ đồng.

Duy trì tốc độ nhờ đầu tư có trọng điểm

Giữa lúc thị trường đầy khó khăn, song theo ghi nhận của phóng viên vẫn có một số nhà bán lẻ đạt kết quả kinh doanh khả quan. Trong đó, WinCommerce - đơn vị điều hành chuỗi bán WinMart, WinMart+ (doanh nghiệp thuộc Masan) và Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) - chủ quản chuỗi siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… là hai cái tên sáng giá.

Với WinCommerce, theo công bố của doanh nghiệp này, 6 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng 1,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận được bảo vệ. Saigon Co.op cũng ghi nhận tăng trưởng dương trong 6 tháng đầu năm dù đối diện nhiều thách thức.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, kết quả này có được là do doanh nghiệp đầu tư cho công nghệ và thay đổi mô hình đầu tư kịp thời. “Đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi số song song với thay đổi mô hình đầu tư không chỉ giúp doanh nghiệp nói chung và Saigon Co.op nói riêng vượt qua khủng hoảng mà còn tạo đà cho tăng trưởng giai đoạn lâu dài về sau. Mỗi doanh nghiệp tham gia vào thương mại điện tử, số hóa cần lựa chọn lối đi riêng phù hợp dựa trên thế mạnh của mình, áp dụng để theo kịp sự thay đổi và cập nhật liên tục của công nghệ hiện đại”, ông Nguyễn Anh Đức nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo ông Đức, thời gian qua Saigon Co.op đã nắm bắt và chủ động đưa ra những giải pháp phù hợp. Cụ thể là Saigon Co.op đã tập trung tăng trưởng theo chiều sâu, hy sinh những điểm bán, mặt hàng, dịch vụ chưa thật sự hiệu quả. Nhờ vậy, đơn vị giữ tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm tương đối khả quan.

Đồng thời, doanh nghiệp phải cải tổ hiệu suất, tiết kiệm theo phương châm “Do more with less” (Làm nhiều hơn với ít công hơn) - tận dụng nguồn lực sẵn có, xây dựng văn hóa doanh nghiệp vững vàng, thực hiện nghiên cứu sâu để tận dụng những lợi ích của chính sách hỗ trợ gần đây nhằm tạo cú hích cho sản phẩm, ngành hàng và địa bàn kinh doanh.

Giới chuyên gia nhận định, thị trường bán lẻ Việt Nam có nhiều dư địa phát triển khi kênh bán lẻ hiện đại mới chiếm 25%. Còn Bộ Công thương cho biết, năm 2023 kinh tế Việt Nam còn đối mặt với nhiều khó khăn, song ngành bán lẻ sẽ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ bởi dự kiến quy mô thị trường đến năm 2025 sẽ cán mốc 350 tỷ USD.

Tin cùng chuyên mục