Bị loại khỏi hệ thống GSP của EU: Giày dép Việt Nam sẽ suy giảm lợi thế cạnh tranh

“Khả năng các doanh nghiệp nhỏ bị giảm lượng đơn đặt hàng do khách hàng có thêm lựa chọn tại các nước có lợi thế hơn là có thật” - ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi với báo chí ngày 16-6, trước sự kiện ngành da giày Việt Nam bị loại khỏi hệ thống ưu đãi thuế quan chung (GSP) của EU.

- Thưa ông, quyết định loại ngành da giày Việt Nam ra khỏi hệ thống ưu đãi thuế quan chung (GSP) của EU sẽ tác động thế nào đến sản xuất trong nước?

Ông NGUYỄN ĐỨC THUẤN: Da giày là ngành công nghiệp quan trọng của Việt Nam, chính sách ưu đãi thuế quan GSP đóng góp lớn vào sự tồn tại và phát triển của ngành trong các năm qua. Nay nếu bãi bỏ sẽ tác động đến doanh nghiệp, tốc độ phát triển ngành và nền kinh tế. Thứ nhất, lợi thế cạnh tranh về giá sẽ suy giảm so với các nước khác trong khu vực, do bình quân mỗi đôi giày xuất khẩu phải tăng thêm thuế nhập khẩu vào EU từ 3,5% – 5%. Nếu tính theo kim ngạch xuất khẩu của năm 2007 (xấp xỉ 2,2 tỷ USD) thì mức thuế mới thì khả năng phát sinh thêm khoảng gần 101 triệu USD tiền thuế.

Trên bình diện chung, có thể sẽ có một số ít đối tác nước ngoài sẽ di dời đơn hàng sang các nước khác trong khu vực (Indonesia, Bangladesh) để tranh thủ lợi thế về GSP nhưng theo chúng tôi, khối lượng đơn hàng mất đi sẽ không nhiều. Khả năng các doanh nghiệp nhỏ bị giảm lượng đơn hàng do khách hàng có thêm lựa chọn tại các nước có lợi thế hơn là có thật.

- Hiệp hội Da giày có khuyến nghị gì đối với các doanh nghiệp trước những thách thức mới này, thưa ông?

Trước thử thách mới này, Hiệp hội Da giày khuyến nghị các doanh nghiệp trong ngành áp dụng đồng bộ các phương pháp quản lý mới nhằm tiết giảm chi phí quản lý, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường mới, coi đây như giải pháp cần thiết để duy trì khả năng cạnh tranh trong điều kiện thị trường EU gặp khó khăn như hiện nay.

Đồng thời, hiệp hội cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục đàm phán với EC để nhóm hàng giày dép (nhóm hàng XII) tiếp tục được hưởng GSP, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp da giày Việt Nam ổn định sản xuất và xuất khẩu sang các nước EU. Tôi được biết, dự kiến đầu tháng 7 tới, dự thảo quy định loại ngành da giày Việt Nam khỏi GSP sẽ được trình lên Hội đồng châu âu xem xét thông qua chính thức. 

- Cảm ơn ông.

Anh Nhi (ghi)

Tin cùng chuyên mục