Quy định nhấn mạnh đến trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại, xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân, nhất là những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên.
Cụ thể, Bí thư Thành ủy phải trực tiếp tiếp dân, kịp thời tổ chức đối thoại với dân (khi có nhiều người dân đề nghị đối thoại, hoặc khi xét thấy cần thiết) và xử lý, giải quyết hoặc chỉ đạo xử lý, giải quyết dứt điểm những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân, không được để vụ việc kéo dài.
Trong trường hợp cần thiết, Bí thư Thành ủy sẽ phân công các đồng chí Phó Bí thư Thành ủy, ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, trưởng các ban Thành ủy trực tiếp tiếp dân để lắng nghe phản ánh, khiếu nại, tố cáo của người dân.
Bí thư quận ủy - huyện ủy phải trực tiếp tiếp dân; kịp thời, chủ động tổ chức đối thoại với người dân và xử lý, giải quyết hoặc chỉ đạo xử lý, giải quyết dứt điểm các phản ánh, khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền. Bí thư đảng ủy phường xã thị trấn cũng thực hiện nhiệm vụ tương tự.
Quy định yêu cầu, Bí thư Thành ủy và bí thư quận ủy - huyện ủy tiếp dân ít nhất 1 ngày/tháng. Cấp phường phải tiếp dân ít nhất 2 ngày/tháng. Đặc biệt, khi phát sinh khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp hoặc vụ việc có thể gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội thì tùy theo quy mô, thẩm quyền mà người đứng đầu cấp ủy các cấp phải tổ chức tiếp dân đột xuất.