Chiều 26-3, TPHCM tổ chức buổi giao ban trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM.
Đầu cầu Thành ủy do đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, chủ trì.
Đầu cầu UBND TPHCM do đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM, chủ trì.
Cùng tham dự có đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM; đại diện Bộ Tư lệnh TPHCM.
Tiếp tục kiểm soát, xác minh trường hợp nghi ngờ
Hiện thành phố đã xác định 153 người ở tại 15 quận, huyện từng đến quán bar Buddha (quận 2) từ ngày 13 đến 18-3 (thời điểm quán đóng cửa). Từ tối 25-3 đến sáng 26-3, đã xác định thêm 3 ca liên quan đến quán bar Buddha có kết quả xét nghiệm dương tính lần 1.
Tình hình ổ dịch tại đây vẫn đang hết sức phức tạp vì đa số những người liên quan đến quán bar này là người nước ngoài, di chuyển nhiều, sống tại nhiều chung cư khác nhau nên công tác xác minh, cách ly gặp nhiều khó khăn.
Đến thời điểm này, cơ quan y tế đã lấy mẫu xét nghiệm của 282 cư dân chung cư The Ascent, quận 2 (nơi ở của bệnh nhân 91).
Đối với chung cư Masteri quận 2, xác định 38 người tiếp xúc gần với bệnh nhân, cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm, trong đó đã có 1 ca dương tính Covid-19 (bệnh nhân 124); 17 người F2 được cách ly tại nhà và lấy mẫu xét nghiệm, đồng thời đã lấy xong mẫu xét nghiệm của 990 cư dân tại cả 2 tòa tháp chung cư.
“Thành phố đã chuẩn bị thêm 7 ký túc xá để sẵn sàng tiếp nhận người cách ly. Từ nay đến tháng 5 sẽ có 100.000 bộ kit xét nghiệm Covid-19 và thành phố cũng đang tiến hành các thủ tục để nhập các bộ xét nghiệm nhanh của Hàn Quốc”, GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh thông tin.
Cũng theo GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, hầu hết các ca xâm nhập được phát hiện do có triệu chứng khi đi khám bệnh được kiểm soát xử lý và chưa có dấu hiệu lây lan. Đối với các trường hợp phát hiện mắc Covid-19 ở các khu cách ly tập trung người nhập cảnh (do có triệu chứng hoặc do kết qủa xét nghiệm sàng lọc), hiện cũng được kiểm soát tốt, chưa có dấu hiệu lây lan.
Theo số liệu thu thập ban đầu, tỷ lệ ca phát hiện trong khu cách ly đến thời điểm hiện tại, tính trên số ca đã xét nghiệm sàng lọc là 11/3.000 ca, chiếm tỷ lệ khoảng 0,36%. Qua hơn 10 ngày vẫn chưa có dấu hiệu lây lan ở các khu vực có ca dương tính xuất hiện. Hiện nay đang rà soát ở cộng đồng các trường hợp đã nhập cảnh từ ngày 8-3 nhưng chưa được cách ly tập trung.
Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM, phát biểu tại buổi giao ban trực tuyến. Ảnh: HMC Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, trước tình hình dịch Covid-19 diễn ra ngày càng phức tạp có nguy cơ lan rộng và khó dự báo thời điểm kết thúc, thành phố phải nỗ lực bằng mọi giá để giữ số ca nhiễm Covid-19 dưới 150 người. Để làm được điều này, theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, các sở ngành - quận huyện cần quán triệt sâu sắc tinh thần của Thủ tướng Chính phủ trong phòng chống dịch Covid-19. Kinh tế khó khăn có thể tìm giải pháp hỗ trợ, tiếp tục hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn để đảm bảo sức khỏe cho người dân. UBND TPHCM sẽ xử lý nghiêm các quận, huyện nếu để xảy ra việc tập trung trên 20 người. Ngành y tế có biện pháp cách ly các nhân viên y tế, bác sĩ làm việc tại các cơ sở chăm sóc điều trị bệnh nhân Covid-19, hỗ trợ việc cách ly để các thầy thuốc yên tâm làm việc. Đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố đã đồng ý về chủ trương cho Sở Y tế chỉ định thầu để tập trung nâng cấp các cơ sở xét nghiệm Covid-19, đảm bảo có thể xét nghiệm 5.000 mẫu/ngày. UBND TPHCM đang làm việc với các ban ngành để hạn chế các chuyến bay quốc nội đến TPHCM, hiện nay trung bình mỗi ngày TPHCM đón khoảng 7.000 khách quốc nội; kiểm soát chặt chẽ các tuyến đường sắt vào TPHCM; xem xét tạm dừng các chuyến xe khách liên tỉnh; cân nhắc tuyến xe bus công cộng nào sẽ tạm dừng, những tuyến nào vẫn hoạt động cũng như các biện pháp phòng ngừa Covid-19. Sở Công thương phải lên danh sách tất cả các cửa hàng cung ứng khẩu trang, nước rửa tay kháng khuẩn của 24 quận huyện; chủ tịch UBND quận huyện có trách nhiệm thông báo đến từng người dân các địa chỉ này, rà soát lại khâu phân phối khẩu trang, không để tình trạng Nhà nước nói đủ khẩu trang nhưng người dân kêu thiếu, đồng thời phải nghiêm trị cửa hàng “găm” khẩu trang để trục lợi. “Toàn bộ người dân nên hạn chế ra đường nếu không cần thiết. Mong mọi người cùng chia sẻ những khó khăn trước mắt để bảo vệ an toàn cho gia đình, xã hội. Mỗi người dân phải là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch. Thành phố và người dân sẽ nỗ lực hết sức mình, có hành động kịp thời để không xảy ra tình trạng lây lan nhanh”, Chủ tịch UBND TPHCM nói. Liên quan đến thông tin trên mạng xã hội là "TPHCM phong tỏa trong vòng 14 ngày, kể từ 28-3", đồng chí Nguyễn Thành Phong khẳng định đây là thông tin bịa đặt, sai sự thật. Những thông tin này khiến cho người dân hoang mang, làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch Covid-19 của thành phố. UBND TPHCM đã giao cho các cơ quan chức năng điều tra, có hình thức xử phạt nghiêm khắc đối với các tài khoản đưa thông tin bịa đặt, sai sự thật này. Trước đó, chiều cùng ngày, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cho biết, đã xác định được 18 tài khoản mạng xã hội đăng thông tin này. Trong đó, 8 tài khoản đã chủ động tháo gỡ thông tin, xóa tài khoản; 5 tài khoản ở Quảng Trị, Đồng Nai và Bình Định vẫn chưa gỡ bỏ; 5 tài khoản ở nước ngoài. Hiện Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Công an TPHCM xác minh thông tin chủ các tài khoản, xử lý nghiêm . |
* Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, đồng chí Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM sẽ tham gia thành phần Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 TPHCM. Đồng chí Ngô Minh Châu sẽ theo dõi chỉ đạo việc triển khai thực hiện quy trình cưỡng chế, xử lý những người không chấp hành cách ly; các cơ sở kinh doanh dịch vụ cố tình hoạt động khi có lệnh cấm; những trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh để găm hàng, đầu cơ, tích trữ; các thông tin giả, sai sự thật về phòng chống dịch gây hoang mang trong dự luận… |
Quyết liệt ngăn chặn Covid-19 lây lan
Tại buổi giao ban, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phân tích virus gây bệnh Covid-19 không chạm được vào con người thì sẽ không lây lan, không gây bệnh. Vì vậy, nguyên tắc quan trọng đầu tiên trong phòng ngừa là không cho virus tiếp cận. Hiện nay, ở Ấn Độ đã ban lệnh giới nghiêm và những người đi chợ khi mua hàng phải đứng trong một vòng tròn có khoảng cách với người bán.
Không cho virus lây lan là rất quan trọng. Đây là biện pháp rẻ tiền nhưng ngăn chặn lây lan hiệu quả. Theo đồng chí, ở một số nước trên thế giới, người đeo khẩu trang sẽ bị dị nghị. Ở nước ta thì không, nên đây là điều kiện thuận lợi trong ngăn chặn virus lây lan.
Đồng chí cũng nhắc nhở lãnh đạo 4 quận - huyện không báo cáo về tình hình cung cấp khẩu trang trên địa bàn và yêu cầu rà soát. Thông qua đó mới có thể nắm chắc được tình hình cung cấp khẩu trang, cung cấp danh sách cửa hàng bán khẩu trang cho người dân. Vì vậy, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu lãnh đạo UBND 24 quận - huyện cùng tất cả các phường - xã - thị trấn trên địa bàn TPHCM rà soát một lần nữa về việc này.
Cùng với đó, đồng chí yêu cầu kiểm tra thông tin người dân không chấp hành việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng và đề nghị Chủ tịch UBND TPHCM ban hành Chỉ thị yêu cầu tất cả người dân thành phố phải đeo khẩu trang. Trường hợp nào không chấp hành phải chế tài xử phạt và được phát một khẩu trang đeo ngay lập tức.
“Lúc này không phải là khuyến khích, mà là cưỡng chế bắt buộc thực hiện”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh. |
Đồng chí nêu số liệu thống kê từ nhiều nước trên thế giới và khẳng định, tình trạng lây lan Covid-19 là có quy luật. Thời gian tăng từ 1 người mắc lên thành 100 người mắc vào khoảng 30 ngày. Từ 100 mắc thành 1.000 người chỉ diễn ra trong 10 ngày (mỗi ngày có 90 người mắc). Tuy nhiên, trong 10 ngày tiếp theo con số từ 1.000 người sẽ thành 8.000 người và sẽ tăng lên thành 32.000 người trong 10 ngày tiếp theo nữa.
Tốc độ lây lan như trên là rất khủng khiếp, vì trong vòng 1 tháng, số người mắc Covid-19 từ 100 đã thành 32.000. Hiện nay nước đang ở giai đoạn có hơn 100 người mắc. Nếu chúng ta ngăn chặn được trong 1 tháng không để 1.000 người mắc trong cả nước, mà tốt nhất là dưới 500 người mắc, thì nước ta sẽ không chuyển qua giai đoạn sau (có thêm 7.000 người mắc nữa).
Quy luật lây lan này thể hiện ở các nước châu Âu, Mỹ và Iran.
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, từ các bài học trên, chúng ta phải thực hiện sớm và triệt để việc ngăn chặn lây lan.
Trong đó, ngày 4-3, nước Anh tuyên bố có dịch nhưng lúc đó, mọi hoạt động diễn ra bình thường và không khuyến cáo đeo khẩu trang, thậm chí cho rằng không cần thiết đeo khẩu trang.
Một tuần sau khi có người chết đầu tiên, các nhà khoa học đề nghị chính phủ xem lại giải pháp chống dịch. Nhưng, đến ngày 20-3, Anh mới quyết định đóng cửa trường học và các nhà hàng. Chính việc lãng phí thời gian như vậy đã khiến lây nhiễm lan rộng.
Khi Anh tuyến bố đóng cửa cả nước và phong tỏa biên giới (ngày 24-3) thì các nước đã trải qua giai đoạn bùng phát dịch, như Ý có 64.000 người mắc, Pháp có 20.000 người mắc, Tây Ban Nha 35.000 người mắc.
Từ kinh nghiệm các nước cho thấy, việc đóng cửa trường học, hạn chế đi lại phải được làm từ sớm, thực hiện chậm thì trả giá rất lớn.
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, trường hợp chúng ta thực hiện các giải pháp phòng ngừa tốt thì không phải đóng cửa giới nghiêm cả một đất nước trong 3 tuần như nước Anh.
Cùng tự giác chung tay chống "giặc Covid-19"
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhận xét, từ bài học thành công/không thành công của các nước cũng như quy luật lây lan, TPHCM đã đi đúng hướng trong phòng chống dịch Covid-19. Thời điểm hiện nay, TPHCM cần quyết liệt thực hiện các biện pháp đã thực hiện đồng thời bổ sung một số biện pháp mới. Đó là biện pháp ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm từ cộng đồng nước ngoài vào nước ta (người Việt Nam về thì cách ly ngay và thực hiện theo dõi). Bởi lẽ, thống kê bình quân ở TPHCM, cứ 1 người mắc Covid-19 thì phải cách ly 280 người, là rất vất vả. Tuy nhiên, ai không thực hiện cách ly thì phải cưỡng chế.
Liên quan đề xuất hỗ trợ người cách ly tại nhà, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân thông tin, dự kiến chiều 27-3, HĐND TPHCM sẽ họp bất thường để xem xét chính sách hỗ trợ người các ly tại nhà.
Ngoài ra, sắp tới TPHCM cũng sẽ tổ chức xét nghiệm rộng hơn. Qua đó, khi phát hiện người mắc Covid-19 thì phải đưa ngay vào bệnh viện. TPHCM đã làm được và cam kết sắp tới tiếp tục làm được. Từ nguồn đóng góp của doanh nghiệp, người dân, TPHCM sẽ đầu tư thêm phòng áp lực âm.
Tuy nhiên, mỗi người cần phải đeo khẩu trang khi ra ngoài, thường xuyên rửa tay, cần hạn chế tập trung đông người, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết.
Hiện nay, TPHCM đã tạm ngưng hoạt động đối với các sơ sở vui chơi, giải trí... Các nước cũng xác định rõ, các dịch vụ không nhất thiết phải thực hiện trong 2 tuần thì nên dừng. TPHCM cần xem xét vận động người dân theo hướng, những công việc gì không nhất thiết phải thực hiện trong 2 tuần mà vẫn sống tốt thì giảm bớt việc đi lại. Riêng việc đi chợ cũng cần tham khảo kinh nghiệm của Trung Quốc thực hiện đi chợ 1 lần cho 2-3 ngày.
Vậy các doanh nghiệp, xí nghiệp có làm việc hay không?
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, nội dung này cũng cần làm rõ, xác định doanh nghiệp lĩnh vực nào sẽ ngưng sản xuất trong 2 tuần, doanh nghiệp lĩnh lực nào thì tiếp tục. Điều này cũng giúp giảm mạnh số người đi lại trên đường, tăng số lượng cách ly tại nhà.
Trong đó, đối với các hoạt động sản xuất, cung ứng thực phẩm thì không, nhưng loại hình nào nên ngừng thì phải làm rõ.
Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, TPHCM đã phát huy tốt cả hệ thống chính trị trong phòng chống dịch. Thời gian tới cần phát huy sức mạnh văn hóa của người Việt Nam; đồng thời mong muốn mọi người cùng tự giác thực hiện các biện pháp tự bảo vệ mình cùng gia đình, cơ quan, địa phương và đất nước. Trong thời điểm này, như chiến tranh, thì cần sống đơn giản hơn, tiết kiệm hơn và tạo điều kiện không lây bệnh cho người khác, nhất là tiết kiệm một phần chi tiêu để chia sẻ, hỗ trợ người khác khó khăn hơn. |
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, dẫn đến không ít người lao động, công nhân mất việc. Liên quan đến việc này, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã họp và thống nhất chủ trương: Cán bộ công chức giảm một nửa phần thu nhập tăng thêm dự kiến của năm nay (mà HĐND TPHCM đã thông qua), dành phần đó hỗ trợ người lao động, công nhân lao động mất việc làm do Covid-19.
Số lượng cụ thể, Sở LĐ&TB-XH đang thống kê, ước có khoảng 600.000 người ở TPHCM mất việc. Như vậy, toàn bộ phần thu nhập tăng thêm nêu trên đủ hỗ trợ cho 600.000 lao động này với 1 triệu đồng/người/tháng (tương đương 600 tỷ đồng - PV).
“Thời gian qua, TPHCM đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong phòng chống dịch và góp phần giữ vững “trận địa” chống dịch của cả nước. Chúng ta đang bước vào thời kỳ rất đặc biệt, là nguy cơ tăng số người mắc Covid-19 từ 100 người lên thành 1.000 người trong vòng 10 ngày. Việc làm tốt các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa để điều này không xảy ra là cách tốt nhất để bảo vệ mình, bảo vệ người thân, bảo vệ TPHCM và góp phần vào “trận chiến” của cả nước”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân kêu gọi.
* Kinh nghiệm phòng, chống Covid-19 trên thế giới “Nước Ý có ca mắc đầu tiên vào ngày 31-1 và ca chết đầu tiên vào ngày 21-2. Tuy nhiên, đến ngày 9-3, Ý mới có lệnh hạn chế đi lại và lúc này đã có 7.300 người mắc và 360 người chết. Lệnh hạn chế đi lại được ban hành chậm. Đồng thời, người dân nước này không đeo khẩu trang, dẫn đến ngày 26-3 có 74.000 người mắc và 7.500 người chết. Đây là điều rất đau xót. Tương tự, nước Tây Nan Nha có ca mắc đầu tiên vào ngày 1-2 và người chết đầu tiên vào ngày 5-3. Khi họ hạn chế đi lại (ngày 12-3) đã có 2.000 người mắc, 90 người chết. Đến nay có 42.000 người mắc, 3.000 người chết, là rất xót xa. Hai nước này có điểm chung là không có thói quen đeo khẩu trang khi ra đường dù đang có dịch và hạn chế đi lại (để hạn chế tiếp xúc) kịp thời dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng. Thế nhưng, Nhật Bản (ca đầu tiên ngày 16-1) và Hàn Quốc (ca đầu tiên ngày 20-1) thì khác. Hai nước này bùng phát dịch khá sớm nhưng tập trung vào 8 giải pháp và đến nay được xem là thành công nhất trong chống dịch Covid-19. Các giải pháp đó là: - Thứ nhất, ngăn chặn dứt khoát người từ nơi, nước có dịch vào. - Thứ hai, người dân được xét nghiệm khi có nhu cầu, dù rất tốt kém. - Thứ ba, đóng cửa trường học, đình chỉ hoạt động đông người. TPHCM thực hiện khá sớm. - Thứ tư, những người tiếp xúc người lây nhiễm phải tự cách ly mà không cần biết đã mắc chưa. TPHCM đang thực hiện giải pháp này, nhưng vẫn chưa triệt để. - Thứ năm, hạn chế đi lại, không cho phép tụ tập đông người. Ngày 26-3, Thủ tướng có yêu cầu tạm dừng hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người (từ ngày 28-3). Đây là thách thức rất lớn nhưng UBND TPHCM cần có hướng dẫn để thực hiện. Về phía cấp ủy các cấp thì trong 2 tuần tới, các nơi tổ chức Đại hội Đảng cấp phường thì lùi lại và chấp hành nghiêm yêu cầu của Thủ tướng. Nếu họp chi bộ cũng không họp quá 20 người. - Thứ sáu, nâng cấp hệ thống y tế để thích ứng với thực tế. Giải pháp này, TPHCM đã nâng từ số giường điều trị người mắc Covid-19 từ 600 giường lên thành 1.200 giường. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ có thể hiệu quả khi TPHCM giữ được số người mắc Covid-19 ít. Trong trường hợp số người mắc mới mỗi ngày là vài ngàn người thì dù có xây thêm bệnh viện bệnh lý hô hấp cấp tính 1.000-2000 giường cũng không giải quyết được. - Thứ bảy, yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi ra ngoài, ai vi phạm sẽ bị phạt nặng. Về biện pháp này, Chủ tịch UBND TPHCM phải có chỉ thị, từ ngày 27-3, người dân TPHCM ra đường phải đeo khẩu trang, nếu không sẽ bị xử phạt. - Thứ tám, phạt nặng người vi phạm lệnh cách ly. Như Hàn Quốc phạt tù 1 năm hoặc phạt 8.200 USD. Hiện ở TPHCM có nhiều trường hợp, trong đó có người nước ngoài không tuân thủ lệnh cách ly nên TPHCM phải có hướng dẫn thực hiện nghiêm việc cách ly. - Cuối cùng, khi đóng cửa trường học thì nhà nước trả lương cho người lao động nghỉ việc ở nhà trông con. Bằng 9 giải pháp đã nêu, Hàn Quốc và Nhật Bản đã kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19. Theo đó, sau 36 ngày thì Nhật Bản mới có 100 ca mắc (trung bình của thế giới là 30 ngày). Đặc biệt, thời gian tăng từ 100 ca thành 1.000 ca ở Nhật là 29 ngày, trong khi mức trung bình thế giới là 10 ngày. Hàn Quốc trải qua 30 ngày mới có ca 100 mắc Covid-19, bằng mức trung bình chung. Nhưng chỉ trong 6 ngày, số ca nhiễm ở Hàn Quốc tăng từ 100 lên thành 1.000. Tuy nhiên, Hàn Quốc đã kéo giảm thời gian tăng số ca mắc từ 1.000 lên 8.000 người là 17 ngày, trong khi thế giới trung bình là 10 ngày. Đến nay, Hàn Quốc khoảng 9.120 ca. Như vậy, Nhật Bản và Hàn Quốc thực hiện các biện pháp không phức tạp nhưng làm quyết liệt, đồng bộ và đã kéo giảm tốc lộ lây lan hiệu quả”. Đồng chí NGUYỄN THIỆN NHÂN, Bí thư Thành ủy TPHCM |