Biến mục tiêu thành hiện thực

Biến mục tiêu thành hiện thực

Xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt

NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI X ĐẢNG BỘ TPHCM

Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, diễn ra từ ngày 13 đến 17-10-2015, đã kết thúc thành công.

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành mới với 69 đồng chí, trong đó có 15 đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Thành ủy. Đại hội đã thông qua các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cơ bản của nhiệm kỳ với 7 chương trình đột phá. Kể từ số ra hôm nay, Báo SGGP lần lượt giới thiệu đến bạn đọc những nội dung mới và giải pháp thực hiện mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã thông qua.

 

Đua thuyền trên kênh Bến Nghé - Tàu Hủ sau khi được cải tạo Ảnh: VIỆT DŨNG

Xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt là mục tiêu đã được Đại hội X Đảng bộ thành phố thông qua. Vấn đề đặt ra là việc triển khai thực hiện sao cho hiệu quả, mang lại niềm tin, bằng việc làm thiết thực của cả hệ thống chính trị và người dân.

Đây là mục tiêu có tính dài hạn, nhưng ngay trong nhiệm kỳ này sẽ tập trung đạt được những điểm mốc nào trong hệ tiêu chí cần phải phấn đấu? Năm 2008, UBND TPHCM đã có tổ chức hội thảo về tiêu chí xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, có nhiều ý kiến, góp ý của các chuyên gia trong và ngoài nước.

Thanh niên quận 1 TPHCM đi bộ đồng hành kêu gọi người dân thực hiện nếp sống văn minh Ảnh: VIỆT DŨNG

Xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, liên quan đến 3 thành tố quan trọng, đó là: môi trường tự nhiên tốt, môi trường sống đô thị tốt và bản thân con người có sự phát triển tốt. Trong đó quy hoạch, phát triển đô thị phải đảm bảo hài hòa, bền vững; phát triển kinh tế phải theo hướng tăng trưởng xanh, thân thiện với môi trường. Vấn đề không chỉ phấn đấu để tất cả đều có mức sống khá, thực hiện tốt việc giảm nghèo đa chiều mà còn quan tâm đến xây dựng không gian sống mà ở đó con người có sự tương tác, có tình thương yêu lẫn nhau, có cuộc sống bình yên, an toàn, an ninh trật tự được đảm bảo và các dịch vụ công ngày càng tốt lên.

Nhiều thành phố trên thế giới, khi xác lập triết lý phát triển cho thành phố mình, họ có những dự án cụ thể và kiên trì thực hiện trong một thời gian dài. Singapore xây dựng thành phố “thông minh và văn hóa”, đã có 10 năm giáo dục ý thức để có thể thay đổi thói quen. Bangkok (Thái Lan) từng nổi tiếng về kẹt xe, đã xử lý bằng nhiều giải pháp, và để xây dựng thành phố “hòa bình, văn minh và nụ cười”, họ đã phải gia công nhiều, trong đó có cả một “dự án cười”. Hiện nay, những nước có chỉ số hạnh phúc, tình thương, môi trường trong lành... đang là những địa chỉ hấp dẫn khách du lịch thế giới.

Thanh niên quận 3 phát tờ rơi kêu gọi người dân giữ gìn vệ sinh môi trường xanh sạch đẹp

Ở nước ta, Đà Nẵng xây dựng “Thành phố đáng sống” với ý nghĩa một thành phố dành cho tất cả mọi người, là thành phố phát triển bền vững, là nơi người dân có điều kiện sinh sống, làm việc và hưởng thụ các dịch vụ tiện ích. Để làm được điều đó, phải cải thiện chất lượng sống và người dân đã cùng nhau thực hiện chương trình “5 không, 3 có” trong nhiều năm. Ở Hội An, cũng đã có nhiều những quy định nhằm xây dựng thành phố văn hóa mà từ cán bộ công chức và người dân đều tự giác chấp hành, như việc giữ gìn những đường phố không có tiếng động cơ ở những giờ nhất định trong ngày... Ở Hà Nội, cách đây 4 năm đã có chương trình xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Còn TPHCM chúng ta, cũng có những năm nêu chủ đề về thực hiện nếp sống văn minh, cũng đã có những cách làm hay và đạt được một số kết quả. Cho tới nay, nhiều nơi giữ được nề nếp tốt như cung cách ứng xử, phục vụ, có những tuyến đường, cổng trường sạch đẹp, khang trang... Nhưng cũng có những tuyến đường trở lại gần như cũ, thậm chí còn trầm trọng hơn, nhất là tình trạng ngang nhiên chạy xe gắn máy trên lề đường. Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông TPHCM, 6 tháng đầu năm nay, tai nạn giao thông đối với người đi bộ xếp vào hàng thứ 2. Giao thông không chỉ có giải pháp công trình, có cầu đường, phương tiện phù hợp... mà còn có ý thức pháp luật, có văn hóa biết nhường nhau.

Xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt liên quan đến xây dựng và hoàn thiện thể chế mà thành phố cần xem xét có những đề xuất phù hợp như quy hoạch phát triển đô thị, quy mô dân số, quản lý đô thị... Vai trò quản lý nhà nước phải được làm rõ trách nhiệm ở các cấp, các ngành, nhất là làm rõ trách nhiệm người đứng đầu nhằm chỉ huy cho được dàn nhạc của cuộc sống.

Đặt mục tiêu phấn đấu xây dựng một thành phố có chất lượng sống tốt là thể hiện được nguyện vọng chính đáng và còn là sự khát khao của người dân. Để triển khai, trước hết cần xây dựng hệ tiêu chí và hệ tiêu chí đó vừa tương đồng với trình độ quốc tế, vừa mang bản sắc của Việt Nam và TPHCM.  Việc triển khai các chương trình đột phá và tập trung giải quyết vấn đề giao thông, ngập nước, giải tỏa nhà ở trên kênh rạch, cung cấp nước sạch... cũng nhằm nâng cao chất lượng sống tốt. Cùng với tăng cường các dịch vụ chăm lo phát triển con người, xây dựng gia đình văn hóa, khu phố văn hóa... với nội hàm thiết thực. Vấn đề nào còn khó thì tổ chức các cuộc tọa đàm, các diễn đàn để lắng nghe sự góp ý của các nhà khoa học, chuyên gia, các nhà quản lý và người dân để chọn giải pháp tối ưu.

Xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt - biến mục tiêu thành hiện thực bằng chương trình, kế hoạch, biện pháp cụ thể, có phân công rõ ràng, có nguồn lực đảm bảo, tạo nên sự chuyển biến về nhận thức và hành động, nhất định sẽ thành công.

PHẠM PHƯƠNG THẢO
Nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM

Tin cùng chuyên mục