Biến thể Omicron lan đến 90 quốc gia

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến sáng 19-12 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 274.515.145 ca mắc Covid-19, trong đó có 5.366.036 ca tử vong. 
Biến thế Omicron đã xuất hiện ở 90 quốc gia trên thế giới. Ảnh: EPA
Biến thế Omicron đã xuất hiện ở 90 quốc gia trên thế giới. Ảnh: EPA

Tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp do biến thể mới Omicron có tốc độ lây lan mạnh, đã lan rộng sang 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Châu Âu là khu vực ghi nhận nhiều ca mắc mới (344.486) và tử vong nhất (3.057 ca) so với các châu lục khác. Tại khu vực này, Anh là nước có số ca mắc cao nhất (90.418), trong khi Nga ghi nhận số ca tử vong cao nhất (1.076). Hiện nhiều nước đã thông báo quy định mới đối với người đến từ Anh nhằm ngăn chặn Omicron.

Tại châu Á, Omicron đã xâm nhập Trung Quốc, Pakistan sau khi xuất hiện ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ. Nhật Bản đã có ca nhiễm Omicron trong cộng đồng. Riêng khu vực Đông Nam Á, đã có 6 nước ghi nhận các ca nhiễm Omicron, gồm Singapore, Indonesia, Malaysia, Campuchia, Philippines và Thái Lan, trong đó Singapore đã thông báo các ca nhiễm Omicron trong cộng đồng.

Lo ngại Omicron lây lan, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã kêu gọi người dân hạn chế đi du lịch nước ngoài. Malaysia cấm tổ chức các buổi lễ đón năm mới quy mô lớn, đồng thời yêu cầu từ ngày 17-12, những người đến từ Anh sẽ phải tự xét nghiệm hàng ngày trong thời gian cách ly.

Chính phủ Campuchia kêu gọi người dân tiếp tục tiêm vaccine đầy đủ và nghiêm túc thực hiện quy định phòng chống dịch “Ba bảo vệ - Ba không”.

Chính phủ Thái Lan cũng hối thúc người dân tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng ngừa Covid-19 do lo ngại khả năng gia tăng các ca nhiễm Omicron sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới.

Giới chuyên gia nhận định, chỉ áp dụng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh là chưa đủ mà cần phải tăng cường hệ miễn dịch bằng cách tiêm vaccine Covid-19. Nhiều nước đã đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng cũng như mở rộng đối tượng tiêm phòng nhằm tạo miễn dịch cộng đồng.

Singapore thúc đẩy chương trình tiêm chủng mũi bổ sung nhằm gia tăng sức đề kháng cho người dân, mở rộng chương trình tiêm cho đối tượng 18-29 tuổi từ ngày 14-12. Campuchia đẩy nhanh tiến độ tiêm tăng cường cho thanh thiếu niên 12-17 tuổi trong tháng 1-2022.

Từ tháng 2-2022, Nhật Bản cũng rút ngắn thời gian chờ giữa mũi thứ hai và mũi tăng cường cho người cao tuổi còn 6 tháng, thay vì 8 tháng như hiện nay.

Trong khi đó, Italy, Bồ Đào Nha đã bắt đầu tiêm chủng cho trẻ em 5-11 tuổi.

Pháp bắt đầu tiêm cho trẻ nhóm tuổi này từ ngày 22-12. Bỉ cũng đã đồng ý tiêm cho nhóm đối tượng trên.

Để tăng độ phủ vaccine toàn cầu, WHO đã đưa ra khuyến nghị tạm thời về việc kết hợp vaccine của các hãng dược phẩm khác nhau để tiêm mũi thứ hai và ba.

Tin cùng chuyên mục