(SGGPO).- Tính đến ngày 29-4, các cuộc biểu tình trên toàn nước Pháp nhằm phản đối dự luật cải cách lao động đã biến thành bạo động khiến ít nhất 20 cảnh sát bị thương, trong đó 3 người bị thương nặng và 124 người bị bắt giữ.
Biểu tình phản đối dự luật lao động và mô hình kinh tế ở Pháp
Bạo động nổ ra khi ít nhất 170.000 công nhân và sinh viên đổ xuống đường trong ngày 28-4, tiếp nối làn sóng biểu tình yêu cầu bãi bỏ dự luật cải cách lao động mới được đề xuất đã diễn ra suốt 2 tháng nay tại Pháp.
Theo nhận định của cảnh sát trưởng Paris Michel Cadot, một số nhóm côn đồ có tổ chức đã đứng đằng sau những vụ bạo động ở nhiều thành phố gồm Nantes, Lyon, Marseille và Toulouse.
Theo kế hoạch, các công đoàn và tổ chức sinh viên dự định sẽ tiếp tục biểu tình vào ngày Quốc tế Lao động 1-5 và sau đó sẽ là ngày 3-5 khi Quốc hội bắt đầu xem xét dự luật này. Trong nội dung của dự luật mới, một trong những điều gây bức xúc đối với giới trẻ, đặc biệt là những người đang trong thời gian thử việc hoặc hợp đồng ngắn hạn, là việc chính phủ đề xuất tăng thuế đối với các hợp đồng ngắn hạn để khuyến khích các tổ chức và doanh nghiệp thuê người theo hợp đồng dài hạn.
Biểu tình ở Pháp
Trong khi phe phản đối cho rằng dự luật mới đe dọa quyền lao động và góp phần khiến tình trạng việc làm cho giới trẻ trở nên bấp bênh hơn thì chính phủ coi đây là một nỗ lực nhằm giảm tình trạng thất nghiệp vốn đang ở mức 10% của quốc gia này.
Trong khi đó, theo lời kêu gọi của 5 tổ chức công đoàn lớn trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động (CGT) và Trung ương Người lao động Argentina (CTA), hôm nay 29-4, người lao động Argentina đồng ý xuống đường tuần hành phản đối mô hình kinh tế của Tổng thống Mauricio Macri nhân ngày Quốc tế Lao động 1-5.
Cuộc tuần hành diễn ra chưa đầy 5 tháng sau khi ông Macri nhậm chức. Những người biểu tình yêu cầu Quốc hội và Tổng thống Macri thông qua dự luật bảo vệ người lao động trước tình trạng chính phủ và các công ty sa thải hàng loạt viên chức và công nhân; giải pháp ngăn chặn tình trạng lạm phát gia tăng; dỡ bỏ thuế thu nhập và tăng lương.
Trước đó, Thượng viện đã thông qua dự luật chống sa thải người lao động. Tới đây, Hạ viện sẽ bỏ phiếu, tuy nhiên Tổng thống Macri tuyên bố sẽ dùng quyền phủ quyết để bãi bỏ dự luật này khiến dư luận bất bình.
Hạnh Xuân