Bình an, thiện lành với dòng sách tinh thần

Những triết lý nhân sinh sâu sắc từ dòng sách này, xuất phát sâu xa từ những lời dạy của Đức Phật, đã và đang là món ăn quý giá cho tinh thần đang ngày càng đói khát tình yêu thương. 
Dòng sách tinh thần đang được xem là “phao cứu sinh” cho nhiều người trong cuộc sống bon chen, vội vã
Dòng sách tinh thần đang được xem là “phao cứu sinh” cho nhiều người trong cuộc sống bon chen, vội vã

Trong chương trình giao lưu ra mắt sách Sống đời bình an của sư cô Suối Thông được tổ chức tại Đường sách TPHCM mới đây, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Giám đốc Công ty Sách Saigon Books, đã chia sẻ một thông tin gây ngạc nhiên cho không ít người: Cuốn sách Sống đời bình an phát hành lần đầu với 5.000 bản; một cuốn sách khác của sư cô Suối Thông là Thả trôi phiền muộn sau 1 năm ra mắt, đã trải qua nhiều lần tái bản và chạm mốc 30.000 bản. 

Thực ra, con số này chưa phải là cao nhất đối với dòng sách tinh thần, là sách được viết bởi những vị tu hành. Hiểu về trái tim của Thiền sư Minh Niệm ra mắt lần đầu tiên vào năm 2010 với số lượng in lên đến gần 100.000 bản, được tái bản 17 lần với tổng số lượng sách đã ra mắt là 162.000 bản. Cuốn sách thứ 2 của Thiền sư Minh Niệm Làm như chơi, theo tiết lộ của đơn vị phát hành, đã được tái bản 6 lần với 50.000 bản. Các đầu sách khác như: Không diệt không sinh, đừng sợ hãi; Trao gửi nhân duyên; Mở lối yêu thương; Như mây thong dong… có số lượng phát hành dao động từ 10.000 - 15.000 bản. 

Đi tiên phong trong việc khai thác các tác phẩm thuộc dòng sách tinh thần phải kể đến Phương Nam Books, với những tác phẩm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Giận ra mắt đầu năm 2009, đến nay đã tái bản 13 lần và vẫn được độc giả đón nhận. Một cuốn sách khác là Thiền tập cho người bận rộn in lần đầu năm 2010, đến nay đã được in 11 lần. Ngoài ra, một số đầu sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh như Quyền lực đích thực, Nhật tụng thiền môn cũng được in với số lượng lớn. 

Ngoài Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Thái Hà Books cũng đẩy mạnh khai thác dòng sách tinh thần với nhiều tác phẩm đã ra mắt bạn đọc như: Tha thứ cho nhau của Hồng Bối; Có một ngôi nhà để trở về của Chap Zen; Hạt nắng bồ đề của Văn Công Tuấn; Kể chuyện nắng mưa của Khiết Phong… 

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, ban đầu ông và các cộng sự thành lập công ty sách và xác định làm sách liên quan đến kinh doanh, kỹ năng. Nhưng trên thực tế, dòng sách liên quan đến tinh thần được đón nhận nồng nhiệt từ bạn đọc, khiến đơn vị này thay đổi chiến lược kinh doanh. “Giống như luật hấp dẫn, chúng tôi có rất nhiều tác giả là những sư cô, những người có nghiên cứu về Phật pháp, hay những người có suy nghĩ, những bài viết có liên quan tới lĩnh vực tinh thần, giúp mọi người sống cân bằng hơn, an lạc hơn, bình yên hơn. Và tự nhiên, chúng tôi đổi chiến lược kinh doanh, thay vì tập trung vào các dòng sách về kỹ năng, kinh tế thì chúng tôi bắt đầu dành nhiều thời gian, công sức hơn cho dòng sách tinh thần”, ông Quỳnh cho biết. 

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy gọi dòng sách tinh thần là “thức ăn cho tinh thần”. Chị chia sẻ: “Cá nhân tôi rất thích vì những tâm tình trong các cuốn sách này chạm được vào trái tim và tâm hồn của tôi. Qua các cuốn sách này tôi học được cách sống hạnh phúc, bình an. Và may mắn rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp, thân chủ được tôi giới thiệu đọc đều chia sẻ họ rất thích. Họ học theo dòng sách này và tập sống bình an, sống thiện lành, tránh xa tham - sân - si…”.

Ở vai trò là một chuyên gia tâm lý - xã hội học, theo TS Phạm Thị Thúy, đây là điều đáng mừng. “Trong hoàn cảnh đó, con người cần được định hướng để sống cân bằng hơn, sống bình an hơn để phát triển bền vững cho chính cá nhân mình và cho xã hội. Những triết lý nhân sinh sâu sắc từ dòng sách này, xuất phát sâu xa từ những lời dạy của Đức Phật, đã và đang là món ăn quý giá cho tinh thần đang ngày càng đói khát tình yêu thương. Con người càng mất định hướng về ý nghĩa cuộc sống thì càng cần có phao cứu sinh để họ thức tỉnh; biết đâu là điều tốt, điều cần cho chính họ và cho mọi người xung quanh”, chị thổ lộ.

Tin cùng chuyên mục