Bình Định: Nghệ nhân là "báu vật" của di sản

Tại lễ phong tặng danh hiệu cho 22 nghệ nhân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang nhấn mạnh, nghệ nhân là "báu vật" của di sản, cần phải được quan tâm nhiều hơn để giúp tỉnh phát triển thành trung tâm văn hóa vùng trong tương lai.

Ngày 12-4, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức lễ trao tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú và vinh danh tác giả đạt giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật và trao tặng Giải thưởng Đào Tấn – Xuân Diệu tỉnh Bình Định lần thứ VI.

Tiết mục văn nghệ chào mừng buổi lễ

Tiết mục văn nghệ chào mừng buổi lễ

Theo UBND tỉnh Bình Định, kết quả đợt xét tặng danh hiệu nghệ nhân lần thứ III, tỉnh Bình Định được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước 3 Nghệ nhân nhân dân và 19 Nghệ nhân ưu tú.

Đây là những nghệ nhân thực hành, truyền dạy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể: Võ cổ truyền Bình Định, Nghệ thuật Hát bội, Nghệ thuật Bài chòi, Nhạc cụ dân tộc, tổ chức lễ hội truyền thống, Văn hóa cồng chiêng dân tộc...

Tại buổi lễ, UBND tỉnh Bình Định đã trao quyết định của Chủ tịch nước về phong tặng danh hiệu Nhà nước Nghệ nhân nhân dân cho 3 nghệ nhân, gồm: Hồ Văn Sừng, Lê Văn Cảnh và Hà Thị Hạnh; và quyết định của Chủ tịch nước về phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Nghệ nhân ưu tú cho 19 nghệ nhân.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định trao quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân

Lãnh đạo tỉnh Bình Định trao quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân

Lãnh đạo tỉnh Bình Định trao quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú

Lãnh đạo tỉnh Bình Định trao quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú

Dịp này, tỉnh Bình Định cũng tổ chức vinh danh nhà thơ, nhà viết kịch Văn Trọng Hùng, được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, với cụm kịch bản sân khấu "Khúc ca bi tráng" và "Nước non cửa phật". Ông Hùng là 1 trong 3 người ở Bình Định sau cố nhà thơ Yến Lan và nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Tại buổi lễ, ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã thông tin về công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tỉnh cũng như công tác chăm lo, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, nghệ nhân và các chủ thể nắm giữ và có vai trò quan trọng để bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định, nghệ nhân văn hóa là những "báu vật", cần được quan tâm nhiều hơn. Tuy nhiên, thời gian qua những "báu vật" này đang vơi dần, lần lượt ra đi và họ mang theo những di sản quý báu, giá trị văn hóa đặc sắc mà họ từng lưu giữ, biểu diễn. Trong khi đó, công tác phát triển đội ngũ kế cận rất hạn chế, không thể bù lấp được những thứ mất đi.

Nghệ nhân văn hóa là những "báu vật"

Nghệ nhân văn hóa là những "báu vật"

Qua đây, ông Giang đề nghị ngành văn hóa tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Đặc biệt, cần có giải pháp tốt quan tâm đến đời sống các nghệ nhân, văn nghệ sĩ của tỉnh để họ được tiếp sức, đóng góp vào nhiệm vụ chung xây dựng Bình Định thành trung tâm văn hóa vùng theo Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Dịp này, Bình Định vinh danh, tặng thưởng cho Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu dành cho văn học nghệ thuật tỉnh Bình Định lần thứ VI (2016 – 2020) với 75 giải thưởng, gồm: 18 giải A; 31 giải B và 26 giải Khuyến khích.

Tin cùng chuyên mục