
Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với quốc phòng - an ninh trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên, Binh đoàn 15 đã đề ra chủ trương “Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với thôn làng”. Đến nay, chủ trương ấy đã được thực hiện có hiệu quả.
Thượng tá Lê Quang Khanh, Phó Giám đốc Công ty 74 (thuộc Binh đoàn 15) cho biết: Từ năm 2006 đến 2009, công ty đã tổ chức cho 685 hộ gia đình công nhân gắn kết với 685 hộ gia đình đồng bào dân tộc để phát triển kinh tế hộ gia đình, tập trung vào chăn nuôi, trồng rau xanh, cà phê, tiêu, điều, trồng cây ăn trái... Từ đó, các hộ đồng bào dân tộc biết tận dụng đất sẵn có để làm kinh tế, nhận khoán vườn cây cao su, được bồi dưỡng tay nghề, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, khai thác mủ cao su…
Đến nay, 100% hộ gia đình đồng bào dân tộc gắn kết với gia đình công nhân của công ty và không còn hộ nào đói. Năm 2009, thu nhập bình quân của các hộ gắn kết đạt hơn 4 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, các hộ gia đình còn thường xuyên qua lại giúp đỡ, thăm hỏi lẫn nhau thân tình như anh em ruột thịt. Thông qua sự gần gũi ấy, bà con kịp thời thông báo cho đơn vị những đối tượng lạ mặt có hành vi mờ ám.

Cán bộ chiến sĩ Binh đoàn 15 thăm hỏi các hộ gia đình người dân tộc.
Đến các đơn vị của Binh đoàn 15, chúng tôi đều nghe nói đến hiệu quả của mô hình gắn kết hộ gia đình này. Đến nay 100% các công ty đã kết nghĩa với huyện, xã, 120 đội sản xuất kết nghĩa với 129 thôn làng của hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum nơi đứng chân của các đơn vị. Toàn binh đoàn đã có 1.972 hộ gia đình công nhân gắn kết thu hút hơn 6.000 lao động là đồng bào dân tộc tại chỗ vào làm công nhân hoặc nhận khoán vườn cao su của đơn vị.
Công ty 75 cũng có cách làm tương tự. Thông qua gắn kết cán bộ chiến sĩ của binh đoàn không những xóa mù chữ cho bà con, xóa các hủ tục lạc hậu, mà còn giúp cho hàng chục hộ gia đình vươn lên biết cách làm giàu. Chúng tôi gặp công nhân Cao Như Thăng quê ở Nghệ An là công nhân đội 1 (Công ty 75). Thăng đưa chúng tôi đến thăm gia đình anh Kpuih Sinh. Trong căn nhà nhỏ gọn gàng, sạch sẽ, Kpuih Sinh phấn khởi nói: “Mình được kết nghĩa anh em với bộ đội Thăng, anh giúp đỡ mình nhiều lắm. Mình được anh hướng dẫn cách cạo mủ cao su. Năm vừa qua, mình đạt danh hiệu công nhân giỏi…”.
Đồng chí Rơ Chăm Len, Bí thư Đảng ủy xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum cho biết: Xã Mô Rai có 270 hộ đồng bào gắn kết với 270 hộ công nhân của đơn vị 78. Những hủ tục lạc hậu đã được xóa bỏ, nếp sống văn hóa mới đang hình thành và phát triển, các cháu đều được đi học. Tình hình an ninh trật tự tại địa phương ổn định, không có những diễn biến phức tạp như trước đây.
Sau 35 năm giải phóng, đời sống kinh tế - xã hội của các địa phương trên địa bàn đứng chân của binh đoàn đã được củng cố và ngày càng phát triển vững chắc. Mô hình gắn kết giữa đơn vị với địa phương, hộ gia đình là mô hình mới mang lại hiệu quả thiết thực và cần được nhân rộng.
BÙI NGỌC NỘI