Bình Dương nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội

Năm 2023 sắp khép lại với phần lớn chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương đạt và vượt kế hoạch đề ra. Qua đó tạo thêm điều kiện để thực hiện các nhiệm vụ trong năm 2024.

Công nhân công ty gỗ Đông Tây tại TP Tân Uyên tăng tốc sản xuất đơn hàng cuối năm
Công nhân công ty gỗ Đông Tây tại TP Tân Uyên tăng tốc sản xuất đơn hàng cuối năm

Trong bối cảnh ảnh hưởng sâu rộng của dịch bệnh và biến động lớn tại các thị trường tiêu thụ trọng điểm thế giới, tỉnh Bình Dương đã đề ra nhiều giải pháp thích ứng linh hoạt và đến cuối năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đã có bước phục hồi. Tính đến nay, Bình Dương có 23/35 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu xã hội, môi trường và đô thị thông minh. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 6%; thu nhập bình quân đầu người (GDP) đạt 172 triệu đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 305.119 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước.

Các nhóm ngành đang có sự phục hồi, nhất là ngành công nghiệp với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11-2023 ước tăng 6,3% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ. Lũy kế 11 tháng đầu năm 2023, IIP ước tính tăng 4,7% so với cùng kỳ. Một số doanh nghiệp ngành gỗ, may mặc tuyển dụng lao động số lượng lớn cho các đơn hàng cuối năm và đã áp dụng thêm chế độ phúc lợi để thu hút công nhân trở lại làm việc.

hang-hoa-tieu-dung-duoc-tieu-thu-manh-dip-cuoi-nam-1-1223.jpg
Hàng hóa tiêu dùng được tiêu thụ mạnh dịp cuối năm

Cùng với sự phục hồi phát triển ở một số nhóm ngành, cán cân thương mại hàng hóa của tỉnh cũng có nhiều điểm sáng, giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 11-2023 ước đạt hơn 3 tỷ USD, tăng 18% so với tháng trước và tăng 20,9% so với cùng kỳ. Trị giá kim ngạch nhập khẩu tháng 11-2023 ước đạt hơn 2,1 tỷ USD, tăng 12% so với tháng trước; lũy kế 11 tháng năm 2023, tỉnh Bình Dương xuất siêu hơn 8 tỷ USD với thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…và dự báo tiếp tục duy trì tăng trưởng trong năm 2024.

Trong năm 2024, tỉnh sẽ tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số và hợp tác quốc tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc thu hút đầu tư toàn xã hội; hợp tác công - tư phát triển cơ sở hạ tầng, đô thị - dịch vụ; kêu gọi đầu tư trực tiếp nước ngoài có chọn lọc. Tỉnh cũng xem xét bố trí nguồn lực phù hợp để đầu tư phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội ngang tầm với phát triển kinh tế.

nhieu-hoat-dong-kich-cau-mua-sam-hang-tieu-dung-dip-cuoi-nam-tai-sieu-thi-aeon-thuan-an-binh-duong-1-3954.jpg
Nhiều hoạt động kích cầu mua sắm hàng tiêu dùng dịp cuối năm tại siêu thị Aeon Thuận An, Bình Dương

Cụ thể, năm 2024, tỉnh xác định 36 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó đáng chú ý là tổng sản phẩm địa bàn (GRDP) phấn đấu tăng từ 8%-8,3% so với năm 2023; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là ở các dự án trọng điểm có tính lan tỏa đến nhiều ngành kinh tế như Vành đai 3, 4 TPHCM, đầu tư dự án khu công nghiệp An Tây, cảng sông An Tây… Đây được xem là các tiền đề để tỉnh phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, từng bước nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh đề nghị các sở, ngành liên quan chuẩn bị tốt dự toán thu, chi ngân sách và bố trí vốn đầu tư công năm 2024 trong điều kiện nguồn thu mới còn hạn chế; yêu cầu các cấp ngành tập trung nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm mới, trong đó chú trọng triển khai công tác đầu tư công các công trình trọng điểm, hoàn thiện các đề án lớn như Đề án nhà ở xã hội, phát triển ngành y tế; làm tốt hơn nữa công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số.

Tin cùng chuyên mục