Đây là ngày khởi động mùa mua sắm cuối năm với những mặt hàng giảm giá “sốc” nhất mùa.
Trừ những người chuyên “săn hàng” cho người thân kinh doanh ở Việt Nam, còn lại phần lớn nếu có nhu cầu cho bản thân và gia đình thì đã dần thích mua sắm trực tuyến hơn. Có sự khác biệt như vậy vì những món hàng đã mua vẫn có thể trả lại trong vòng từ 30 - 45 ngày nếu có bất kỳ sự không hài lòng nào. Tuy nhiên, những món hàng mua gửi về Việt Nam thì đòi hỏi người mua phải thấy tận mắt, sờ tận tay, phải có sự hài lòng về sản phẩm trước khi gửi về cho người thân, hòng giảm thiểu sự cố không thể trả hàng lại vì đã mất nhiều thời gian vận chuyển và quá hạn cho phép đổi, trả hàng.
Anh Nhân Phạm, sống ở Little Elm, ngoại ô thành phố Dallas, thuộc bang Texas, cho biết, bạn bè của anh ở Việt Nam lại mong ngóng Black Friday hơn cả người Việt tại Mỹ. Người thân ở quê nhà tìm hiểu trước các mặt hàng, các chương trình khuyến mãi của các thương hiệu lớn rồi nhờ họ mua giúp. Tuy nhiên, không phải thứ gì mua online cũng có và cũng được giảm giá. Cũng không phải thứ gì ngoài cửa hàng có thì online cũng có hay ngược lại. Mua sắm tại cửa hàng rất mất thời gian, tính bằng ngày chứ không chỉ bằng giờ, lại còn bị hạn chế số lượng. Phần lớn những người chịu khó thức khuya, dậy sớm xếp hàng, chen lấn trong cảnh hỗn loạn thuộc tầng lớp bình dân. Hồi còn trẻ, mới qua Mỹ, để chuẩn bị cho sự kiện mua sắm lớn nhất trong năm, anh Nhân và bạn bè cũng đã từng lên kế hoạch mua sắm ngay từ đầu tháng 11 và dĩ nhiên trước đó đã phải xin phép để được nghỉ làm mấy ngày. Theo kinh nghiệm của cô Kim Anh Truong, trong dịp Black Friday, các loại mỹ phẩm hàng hiệu hoặc đồ điện tử giảm giá mạnh thường được “gom” số lượng lớn để gửi về cho người thân ở Việt Nam bán lại kiếm lời. Đối với tầng lớp trí thức và trung lưu trong cộng đồng người Việt, họ thích mua hàng trực tuyến hơn và hay để ý đến những món hàng điện tử của các thương hiệu lớn thường chỉ giảm giá sốc vài món để “lấy tiếng” trong dịp này.
Mặc dù Black Friday là ngày thúc đẩy tiêu dùng rất hiệu quả, nhưng những đợt giảm giá sốc không cần đợi khi có dịp mới được tung ra. Những năm gần đây, sau Black Friday, các dịp như Cyber Day (ngày thứ hai sau ngày Black Friday), Giáng sinh và năm mới, cũng là dịp dành cho những người tiêu dùng nào còn chần chừ trong ngày Black Friday có thể hy vọng mua được vài món hời. Thậm chí, sau mua sắm nhân những dịp lễ lớn trên, nếu chịu khó, người Việt thu nhập thấp có thể mua được những món rất hời tại các khu chợ hoặc trung tâm mua sắm bình dân, kiểu như “chợ Macy’s”, vì đó là những món quà được tặng, nhưng vì không ưng ý hoặc có một số lỗi nhỏ, người được tặng đem đi đổi hoặc trả lại.
Nói chung, sống trong một xã hội tiêu dùng, nhưng trong cộng đồng người Việt cũng đã xuất hiện xu hướng sống tối giản, bớt mua sắm. Tuy nhiên, cũng có không ít người, từng “thề thốt” năm sau không mua sắm nữa, nhưng mỗi khi có dịp giảm giá sốc lại vác đồ về đầy nhà mặc dù chưa có nhu cầu sử dụng.