• Đề xuất bãi bỏ 35 ngành nghề kinh doanh có điều kiện
(SGGPO).- Tại cuộc hội thảo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức chiều 6-10, chuyên gia Lê Duy Bình (Công ty Cổ phần Tư vấn về Quản lý kinh tế Economica Vietnam) cho biết, qua rà soát 398 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì thấy có 895 điều kiện kinh doanh cấp 1 (tạm gọi là giấy phép cha); 2.129 điều kiện kinh doanh cấp 2 (giấy phép con) và 1.745 điều kiện kinh doanh cấp 2 (giấy phép cháu). Đứng đầu về việc ra điều kiện gia nhập thị trường là Bộ Công Thương, kế đến là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải… Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tư pháp nằm trong nhóm ít ra điều kiện nhất.
“Trong số này có nhiều quy định quá chặt chẽ và không hợp lý làm thui chột hàng ngàn ý tưởng kinh doanh”, vẫn chuyên gia trên nhận xét. Một trong những ví dụ khá điển hình mà ông này đưa ra là “nuôi ong thì xin giấy phép kinh doanh để làm gì”? Tình trạng quản lý chồng chéo cũng khá phổ biến, đơn cử như Bộ Công an đang quản lý 18 ngành nghề qua giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự. Các ngành nghề này (như karaoke, vũ trường, in ấn, xoa bóp, trò chơi điện tử có thưởng…) đồng thời chịu sự quản lý của các ngành khác.
Vấn đề đáng nói nữa là việc quá chú trọng vào khâu tiền kiểm đã làm sai lệch trọng tâm quản lý, thể hiện khá rõ trong các ngành nghề như cơ sở giáo dục mầm non tư thục, sản xuất thực phẩm, kinh doanh thực phẩm… Do khâu hậu kiểm không sát sao, tình trạng vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực này khá cao, ảnh hưởng không nhỏ đến xã hội: chỉ trong thời gian từ 15-12-2013 đến ngày 06-2-2013, qua công tác thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện 34.676 cơ sở vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, chiếm 20,48% tổng số cơ sở được kiểm tra.
Từ thực tế này, ông Bình và nhiều đại biểu tham gia hội thảo kiến nghị thống nhất một đầu mối quản lý với những ngành nghề do nhiều cơ quan cùng quản lý. Bãi bỏ 35 ngành nghề hiện đang có trong danh mục; chỉ giữ lại những ngành nghề thực sự cần tiền kiểm và hậu kiểm. Đồng thời, đề nghị bãi bỏ nhiều điều kiện cụ thể (đang tiếp tục tập hợp, phân tích).
Bên cạnh đó, phương thức quản lý bằng điều kiện kinh doanh dưới hình thức phương tiện, nhân lực nên được chuyển sang quản lý theo quy định tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, dịch vụ; khuyến khích doanh nghiệp xây dựng, áp dụng các bộ tiêu chuẩn quốc tế...
Các ý kiến khác tại hội thảo này cũng cho rằng, “giấy phép” tốt phải có hiệu lực trên toàn quốc, bất kể được cấp ở Bộ, ngành hay địa phương nào và được cấp trên cơ sở “im lặng là đồng ý”, theo đó, sau thời hạn quy định mà cơ quan được xin ý kiến không trả lời chính thức thì được coi là chấp thuận…
ANH PHƯƠNG