Bộ Công thương lên 2 phương án cung ứng hàng hóa khi cách ly toàn xã hội

TPHCM: Siêu thị vẫn hoạt động bình thường, hàng hóa dồi dào
Hàng hóa thiết yếu dồi dào tại siêu thị ở TPHCM chiều 31-3. Ảnh: CAO THĂNG
Hàng hóa thiết yếu dồi dào tại siêu thị ở TPHCM chiều 31-3. Ảnh: CAO THĂNG

 Sau khi có lệnh cách ly toàn xã hội trong 15 ngày của Thủ tướng, chiều 31-3, Bộ Công thương cho biết đã chuẩn bị 2 phương án đưa hàng hóa, lương thực - thực phẩm, nhu yếu phẩm đến từng địa bàn cách ly. 

Theo đó, trường hợp cách ly nhưng xe vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp vẫn được phép hoạt động thì doanh nghiệp đăng ký xe vận tải cung ứng hàng hóa đến các cơ quan chức năng để cung cấp cho ngành giao thông, công an hỗ trợ cho phép lưu thông đến các điểm bán hàng. Khi các địa bàn cần điều phối hàng hóa, các xe vận tải này sẽ đến các kho hàng gần nhất để lấy hàng cung ứng cho các địa bàn cách ly. 

Hàng hóa thiết yếu dồi dào tại nhiều siêu thị ở TPHCM sẵn sàng phục vụ người dân chiều 31-3. Ảnh: CAO THĂNG
 Còn trong trường hợp giới nghiêm, chỉ còn xe của lực lượng vũ trang được hoạt động, khi đó, Bộ Công thương sẽ đề nghị các lực lượng quân đội, công an phối hợp điều phối xe vận chuyển các mặt hàng thiết yếu từ các kho dự trữ hàng hóa thiết yếu mà Bộ Công thương đã chuẩn bị để cung cấp cho các địa bàn. 

Về bố trí các điểm bán hàng để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, Bộ Công thương cho biết, ngoài các điểm bán hàng hiện có của các doanh nghiệp phân phối và các điểm chợ truyền thống, chợ tạm..., để bảo đảm cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân trong mọi tình huống, Bộ Công thương đã yêu cầu các địa phương bố trí các điểm bán hàng mới (tạm thời, lưu động, dã chiến…) trên địa bàn từng tỉnh để bảo đảm cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân thường xuyên, liên tục, giảm mật độ người mua đến từng điểm bán (kể cả trong trường hợp các siêu thị bị phong tỏa vì lý do y tế…). 

Bộ Công thương cũng đã yêu cầu các sở công thương, doanh nghiệp phân phối lớn báo cáo tình hình cung cầu và hệ thống phân phối hàng hóa thiết yếu trên địa bàn, trong đó chú trọng vào mặt hàng lương thực, thực phẩm và các mặt hàng có nhu cầu cao; có phương án dự trữ và cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm kịp thời nhu cầu của nhân dân… Căn cứ vào điều kiện cụ thể, nhu cầu thực tế và kinh nghiệm của địa phương để xác định số lượng, chủng loại hàng dự trữ, phương án dự trữ, phương án vận chuyển và phân phối hàng hóa khi có yêu cầu, theo 5 cấp độ cung ứng kịp thời cho các khu vực bị cách ly. 

Theo báo cáo của các địa phương và doanh nghiệp, nguồn cung các hàng hóa thiết yếu cho thị trường luôn bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, các doanh nghiệp phân phối và nhiều tiểu thương tại các chợ vẫn liên tục kinh doanh để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Cùng ngày, Bộ Công thương đưa ra thông tin khẳng định, nguồn cung xăng dầu trong nước luôn đáp ứng đủ để phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của người dân.

°Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, cho biết, hệ thống các siêu thị trên địa bàn Hà Nội vẫn hoạt động, đảm bảo đủ hàng hóa, thực phẩm cung cấp cho người dân và không tăng giá. Do vậy, người dân không cần phải đi mua hàng tích trữ. Bên cạnh đó, việc đổ xô đến siêu thị khiến có thể dẫn đến không bảo đảm về khoảng cách tiếp xúc, nguy cơ lây nhiễm chéo dịch Covid-19. Sở Công thương Hà Nội cũng đã xây dựng theo phương án 3, đảm bảo nguồn cung nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân theo các cấp độ của Trung ương và thành phố nhằm ứng phó với dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. Đại diện các doanh nghiệp, siêu thị vừa và nhỏ cho biết đã sẵn sàng các phương án dự trữ đến 300% so với bình thường nhằm cung ứng đầy đủ cho người dân thành phố. 

Ngày 31-3, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, khẳng định: “TPHCM hoàn toàn có khả năng cung ứng nguồn hàng tăng 50%-100% trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, do vậy người dân nên bình tĩnh trong việc mua sắm, không nên dự trữ hàng quá nhiều gây lãng phí”. Theo bà Trang, để triển khai Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 1152 của UBND TPHCM, ngày 31-3, Sở Công thương TP đã có Công văn số 1962 gửi Sở TT-TT và UBND 24 quận, huyện thông báo rõ: Các chợ, siêu thị, cửa hàng kinh doanh dịch vụ, hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu vẫn duy trì hoạt động bình thường sau 0 giờ ngày 1-4-2020 để đáp ứng nhu cầu mua sắm và tiêu dùng của người dân TP. Vì vậy, không cần thiết mua tích trữ lương thực, thực phẩm. Văn bản cũng đề nghị người dân hạn chế đến các điểm bán tập trung để giảm rủi ro lây nhiễm dịch Covid-19 theo tinh thần khuyến cáo của Bộ Y tế. Nên tích cực mua hàng trực tuyến, giao hàng tại nhà.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết, hệ thống đã dự trữ lượng hàng rất dồi dào, bao gồm gạo, mì tôm, đồ hộp, trứng, thịt… Ông Đức khẳng định: “Với lượng hàng dự trữ tăng tới 40%, Saigon Co.op đủ khả năng cung ứng cho nhu cầu mua sắm của khách hàng 3-6 tháng. Bà con có thể yên tâm, không cần tích trữ hàng hóa”. Saigon Co.op đã đặt hàng dự trữ về các kho trung tâm tại Bình Dương, miền Tây, miền Bắc; có kế hoạch dự trữ riêng cho từng siêu thị thuộc vùng dịch như Hà Nội, Bình Thuận, Ninh Thuận, Hải Phòng… Đồng thời Saigon Co.op cũng theo dõi sát tình hình diễn biến dịch Covid-19 tại các tỉnh thành; phối hợp với các nhà cung cấp, kho trung tâm Saigon Co.op, siêu thị trong khu vực chuyển hàng hóa về vùng dịch kịp thời. Về giá bán, Saigon Co.op không tăng giá với phần lớn sản phẩm, thậm chí đơn vị còn tổ chức rất nhiều chương trình giảm giá, chấp nhận thua lỗ để giữ giá thật tốt cho người dân. Ngoài ra, Saigon Co.op cũng tiếp nhận đơn hàng qua Viber, Zalo, phát phiếu mua hàng và ship hàng đến tận nhà khách hàng. Một số Co.op Food triển khai dịch vụ đặt hàng và giao hàng tận nhà, chuỗi cửa hàng Cheers thêm nút “mua ngay” trên fanpage để khách hàng dễ dàng mua hàng trực tuyến.

Giá gas giảm khoảng 70.000 đồng/bình 12kg
Chiều 31-3, các doanh nghiệp kinh doanh gas trên địa bàn TPHCM cho biết, từ ngày 1-4, giá bán sẽ giảm trên dưới 5.700 đồng/kg (đã có VAT), tương đương khoảng 70.000 đồng/bình 12kg, tùy thương hiệu; giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng khoảng 280.000 đồng/bình 12kg. Theo lý giải của các doanh nghiệp, lý do giá gas giảm khá mạnh lần này là do giá CP bình quân tháng 4-2020 ở mức 235 USD/tấn, giảm 220 USD/tấn so với tháng 3-2020.

Tin cùng chuyên mục