Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn ngành sư phạm và y dược: cao hơn năm 2019

Ngày 17-9, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc, Hội đồng tư vấn xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học và ngành giáo dục mầm non trình độ cao đẳng năm 2020 đã họp thảo luận, phân tích dữ liệu, xác định và thống nhất ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. 

Các phương án được lựa chọn đã nhận được sự thống nhất cao của tất cả các thành viên Hội đồng.

Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn ngành sư phạm và y dược: cao hơn năm 2019 ảnh 1 Điểm sàn ngành sư phạm và y dược năm 2020 cao hơn năm 2019. Trong ảnh: Thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại điểm thi trường THPT Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: QUANG PHÚC

Ngưỡng đảm bảo chất lượng ngành đào tạo giáo viên từ 16,5 đến 18,5 điểm

Sau cuộc họp, Bộ GD-ĐT đã ban hành quyết định về việc xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với ngành, nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học và ngành giáo dục mầm non trình độ cao đẳng 2020 đối với thí sinh ở khu vực 3 có mức điểm tối thiểu (không nhân hệ số) của tất cả các tổ hợp gồm 3 bài thi/môn thi.

Theo đó, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào từ điểm thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh ngành Sư phạm trình độ đại học là 18,5 điểm; Riêng đối với các ngành giáo dục Thể chất, ngành Huấn luyện thể thao, ngành Sư phạm Âm nhạc và ngành Sư phạm Mỹ thuật thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng chung là 1 điểm; Điểm xét tuyển vào ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng năm 2020 là 16,5.

Như vậy, điểm sàn đối với ngành sư phạm năm nay cao hơn. Năm 2018, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên là từ 13 - 17 điểm (Theo thứ tự trung cấp, cao đẳng, đại học). Năm 2019, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành này là từ 14 - 18 điểm (theo thứ tự: trung cấp, cao đẳng, đại học).

Ý kiến của các chuyên gia đánh giá mức điểm sàn sư phạm năm nay là hợp lý, bởi năm nay điểm thi tốt nghiệp THPT tăng hơn so với năm ngoái và trên tinh thần phải thu hút những thí sinh có chất lượng vào học sư phạm.

Đây cũng là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng trình độ đại học các ngành giáo dục thể chất, huấn luyện thể thao, sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật. Điều này sẽ tránh được tình trạng “cào bằng” khi nhiều em có điểm văn hóa cao, điểm năng khiếu thấp vẫn trúng tuyển. Trong khi qua phân tích, các em có nhu cầu thi vào các trường năng khiếu thường có điểm thi tốt nghiệp thấp hơn mặt bằng chung, do các em tập trung cho rèn luyện năng khiếu.

Việc xác định điểm sàn của ngành âm nhạc, thể thao thấp hơn điểm sàn chung khối đại học được cho là khoa học, thuận lợi cho các trường trong công tác tuyển sinh.

Điểm sàn ngành y dược: Cao nhất 22 điểm

Cùng ngày, Hội đồng tư vấn xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào trình độ đại học đối với các ngành sức khỏe có chứng chỉ, hành nghề năm 2020 đã thảo luận, phân tích dữ liệu, xác định và thống nhất ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Các phương án được lựa chọn đã nhận được sự thống nhất cao của tất cả các thành viên hội đồng.

Sau cuộc họp, Bộ GD-ĐT đã ban hành Quyết định về việc xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành  Sức khỏe có chứng chỉ, hành nghề trình độ đại học năm 2020.

Theo đó, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào từ điểm thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh nhóm ngành Sức khỏe có chứng chỉ, hành nghề trình độ đại học năm 2020 đối với thí sinh ở khu vực 3 có mức điểm tối thiểu (không nhân hệ số) của tất cả các tổ hợp gồm 3 bài thi/môn thi như sau: ngành Y khoa và Răng - Hàm - Mặt vẫn có điểm sàn cao nhất - 22 điểm; Tiếp đến là Y học cổ truyền và Dược với mức nhận hồ sơ xét tuyển từ 21 điểm; Các ngành còn lại lấy 19 điểm.

So với năm 2019, mức sàn này tăng 1 điểm do kết quả điểm thi cao hơn (năm 2019, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành Sức khỏe có chứng chỉ hành nghề là từ 18 - 21 điểm. Cụ thể: ngành Y Khoa, răng hàm mặt là: 21 điểm; ngành Y học cổ truyền và ngành Dược học là: 20 điểm; nhóm ngành 2: 18 điểm).

Tin cùng chuyên mục

Đọc nhiều nhất

Ngăn chặn thương mại hóa giáo dục đại học ngoài công lập - Bài 1: Lợi nhuận ngàn tỷ, gánh nặng người học

Ngăn chặn thương mại hóa giáo dục đại học ngoài công lập - Bài 1: Lợi nhuận ngàn tỷ, gánh nặng người học

LTS: Mở đầu của hệ thống trường đại học ngoài công lập (đại học tư thục) là sự ra đời của Trung tâm đại học dân lập Thăng Long vào năm 1989. Đến nay, số trường đại học tư thục đã lên đến 67 trường, chiếm 27,6% tổng số trường đại học trên cả nước, thu hút hơn 410.000 sinh viên, học viên.

Hướng nghiệp - tuyển sinh

Ổn định phương thức tuyển sinh đại học năm 2024

Trong khi nhiều trường đại học (ĐH) vẫn chưa hoàn thành kế hoạch tuyển sinh năm 2023 và đang xét tuyển bổ sung thì nhiều trường ĐH lớn đã bắt đầu công bố phương án tuyển sinh năm 2024. Nhìn chung, các trường đều giữ ổn định phương thức xét tuyển như năm 2023, trong đó một số trường đẩy mạnh tuyển sinh ngành thiết kế vi mạch và công nghệ bán dẫn.

Giải thưởng Võ Trường Toản

Giáo viên chuyên biệt và giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên: Hơn cả tình yêu thương!

Không chỉ dạy dỗ, chăm sóc, rèn luyện cho học sinh những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống, các thầy cô giáo trường chuyên biệt và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) trên địa bàn TPHCM còn ngày đêm dạy chữ, dạy làm người, góp phần đưa nhiều mảnh đời khuyết tật, gia cảnh khó khăn vững bước vào đời.

Học bổng Nguyễn Văn Hưởng

Giải thưởng Tôn Đức Thắng