Bỏ quy định lái tàu phải khám sinh lý

Ngày 12-5, Bộ Y tế cho biết, Thông tư số 12/2018/TT-BYT “Quy định về tiêu chẩn sức khỏe của nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu” đã chính thức được ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7 tới.

Tuy nhiên so với dự thảo thông tư từng gây nhiều tranh cãi trước đây vì một số quy định không khả thi, thông tư lần này đã có nhiều thay đổi.

Cụ thể, Thông tư số 12/2018/TT-BYT “Quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu” đã bãi bỏ các quy định, như: Nam phải khám cơ quan sinh dục; với nữ là trưởng tàu, trực ban chạy tàu, nhân viên gác ghi, điều độ chạy tàu phải cao từ 1,53m, cân nặng 45kg, vòng ngực trung bình từ 75cm trở lên đã được cắt bỏ. Những hạng mục liên quan đến chức năng sinh lý, sinh dục có các chỉ số cụ thể như tràn dịch tinh hoàn nam; rò bàng quang âm đạo, các biểu hiện viêm, viêm cạnh tử cung, viêm mạn tính vòi trứng; u nang buồng trứng, trĩ, ruột thừa... cũng được bãi bỏ. Các tiêu chuẩn về sức khỏe cũng được cắt giảm từ 13 chuyên khoa xuống còn 7 chuyên khoa.

Theo thông tư này, nhân viên đường sắt sẽ phải khám một số chuyên khoa như chiều cao, cân nặng, khám lâm sàng (nội - ngoại khoa: tâm thần, thần kinh, hô hấp, xương khớp, thận tiết niệu, mắt, răng - hàm - mặt, da liễu...), cận lâm sàng (ma túy, máu...).

Trước đó, tại dự thảo thông tư trên, đã có rất nhiều ý kiến phản đối xung quanh các quy định về thể lực, chức năng sinh lý, bệnh tật liên quan tới sức khỏe người lái tàu như: răng vẩu thì không được lái tàu; lái tàu, phụ lái tàu là nam giới có vòng ngực trung bình từ 80cm, những trường hợp bị tràn dịch màng tinh hoàn, bệnh đường niệu đạo, dương vật phải can thiệp sẽ không đủ điều kiện tuyển cho vị trí lái tàu, phụ lái tàu.

Tin cùng chuyên mục