Xuất khẩu gạo Việt Nam dự báo "trúng đậm" năm 2023 |
Bộ Công thương cho biết, sau khi đạt mức xuất khẩu kỷ lục 7,1 triệu tấn gạo năm 2022, hoạt động xuất khẩu gạo trong 7 tháng năm 2023 của nước ta tiếp tục tăng vọt với 18,7% về lượng và 29,6% về kim ngạch, giá xuất khẩu bình quân ước đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2022.
Đặc biệt, bộ ghi nhận mức tăng trưởng khá cao ở nhiều thị trường với các chủng loại gạo thơm và gạo chất lượng cao mà ta có thế mạnh. Hiện, giá xuất khẩu một số chủng loại gạo đã vượt mốc 600 USD/tấn, thiết lập mốc kỷ lục cao nhất trong 11 năm qua và giá lúa gạo hàng hóa duy trì ở mức bảo đảm lợi ích cho người nông dân.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, ngành lúa gạo của chúng ta vẫn còn những mặt hạn chế, như sản xuất có quy mô còn nhỏ lẻ, phân tán, dẫn đến có lúc khó kiểm soát được nguồn cung cho xuất khẩu. Tổ chức sản xuất nhỏ lẻ còn khiến chất lượng gạo không đồng đều, thiếu sự liên kết theo chuỗi từ khâu sản xuất, thu gom, chế biến, phân phối, tiêu thụ; thiếu sự liên kết, phân công lao động và tổ chức sản xuất gạo theo lợi thế của vùng và địa phương, dẫn đến tính chuyên môn hóa thấp, dễ xảy ra ùn ứ cục bộ về nguồn cung và thị trường.
Những hạn chế này được Bộ Công thương coi là “nhân tố khó đoán định”. Để tạo nền móng bền vững cho ngành lúa gạo, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, bảo đảm chất lượng hạt gạo và thương hiệu gạo Việt Nam, giữ vững an ninh lương thực trong mọi tình huống, giữ vững đơn hàng, giữ vững thị trường xuất khẩu là những mục tiêu và giải pháp quan trọng.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất các giải pháp cho sản xuất và xuất khẩu gạo Việt Nam |
Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Công thương đề nghị, cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các bộ, ngành; giữa bộ, ngành với doanh nghiệp, hiệp hội; giữa doanh nghiệp, hiệp hội với địa phương… sao cho việc tổ chức sản xuất lúa gạo thông suốt qua các chuỗi giá trị bền vững.
Bộ Công thương cho biết, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15-8, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề xuất, trong thời gian tới, Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT sẽ tham mưu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng; khẩn trương quy hoạch thành các vùng trồng, vùng nuôi, áp dụng khoa học công nghệ vào các khâu của quá trình sản xuất.
Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đề nghị tổ chức hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, tập trung; gắn sản xuất với với tín hiệu của thị trường; liên kết nông dân bằng mô hình hợp tác xã kiểu mới; các khâu sản xuất, thu gom, chế biến, phân phối, tiêu thụ được đặt trong một “chuỗi giá trị” với doanh nghiệp.
Tại hội nghị xuất khẩu gạo đầu tháng 8, Bộ Công thương đã đề nghị Bộ NN-PTNT đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lúa, gạo theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả; đồng thời, rà soát tình hình sản xuất, thông tin cơ cấu, chủng loại gạo, diện tích canh tác; cân đối nhu cầu tiêu dùng lúa gạo trong nước để xác định rõ nguồn lúa gạo hàng hóa có thể xuất khẩu, tạo thế chủ động cho các thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo.
Bộ Công thương cũng có văn bản đề nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành liên quan kịp thời đề xuất các biện pháp hỗ trợ người trồng lúa và thương nhân sản xuất, xuất khẩu gạo để họ chuyên tâm vào sản xuất, nâng cao chất lượng hạt gạo Việt Nam.