Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh: Ngân sách năm 2016 rất căng thẳng
Tại phiên thảo luận tại tổ ĐBQH tỉnh Lai Châu ngày 22-10, ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu: “Tình hình ngân sách năm 2016 rất căng thẳng”. Mặc dù theo báo cáo Chính phủ, thu ngân sách năm 2016 sẽ tăng cao hơn dự toán năm 2015 gần 61.000 tỷ đồng, song Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, con số thực để phân bổ hiện chỉ còn 45.000 tỷ đồng.
(SGGPO).- Tại phiên thảo luận tại tổ ĐBQH tỉnh Lai Châu ngày 22-10, ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu: “Tình hình ngân sách năm 2016 rất căng thẳng”. Mặc dù theo báo cáo Chính phủ, thu ngân sách năm 2016 sẽ tăng cao hơn dự toán năm 2015 gần 61.000 tỷ đồng, song Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, con số thực để phân bổ hiện chỉ còn 45.000 tỷ đồng.
“Về bản chất, số thu tuyệt đối năm nay hụt so với năm ngoái. Các địa phương không có tiền. Mức tăng nói trên mang tính nghiệp vụ mà thôi”, ông nói.
Họp tổ của đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM. Ảnh Lã Anh
Theo người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư, trong khoản ghi thu năm 2015 đã tăng khoản ODA giải ngân bình quân 5 năm 50.000 tỷ đồng/năm (các năm trước 20.000 tỷ); tiền đất 50.000 tỷ đồng (các năm trước là 37.000 - 38.000 tỷ đồng), xổ số kiến thiết 26.000 tỷ đồng (các năm trước không đưa vào). Ba khoản trên cộng lại lên tới 69.300 tỷ đồng, vốn dĩ các năm trước không ghi nhận đầy đủ, nay cộng vào.
Vẫn Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho hay, sau khi trừ đi khỏan tiền của ngân sách địa phương và các khoản khác, ngân sách Trung ương thực tế chỉ còn 45.000 tỷ đồng. “Trả nợ xong gần như không có tiền. Con số thật rất nhỏ để có thể điều tiết”, Bộ trưởng Vinh thẳng thắn.
Kỷ cương, kỷ luật hành chính chưa nghiêm
Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình, ông Nguyễn Tiến Sinh cho rằng, kỷ cương, kỷ luật hành chính không nghiêm diễn ra ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực. “Điển hình nhất là việc Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nói có chuyện bán “lốt” xe ở Hà Nội tới 500 - 600 triệu đồng thì Sở GTVT có văn bản ngược lại đề nghị bộ trưởng cung cấp thông tin thay vì phải xác minh làm rõ ngay”, ông Nguyễn Tiến Sinh dẫn chứng. Tương tự, vụ tòa nhà 8B Lê Trực (Ba Đình, Hà Nội) xây cao vượt tới 16m, hàng ngàn mét vuông mà hàng loạt cơ quan của Hà Nội là quận, phường, thanh tra xây dựng, sở xây dựng... không nắm được trong thời gian dài là điều không thể hiểu nổi. “Người dân xây nhà đổ một xe cát ở cổng chỉ vài chục phút sau là có cán bộ trật tự xây dựng đến ngay. Vậy cả mấy tầng nhà xây vượt phép không ai biết thì chỉ có thể là làm ngơ, bao che”, ĐB Nguyễn Tiến Sinh nói.
Tỏ ra bất ngờ trước thông tin này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tỏ ra lo âu vì tình hình ngân sách như trên thì khó đảm bảo “phát triển bền vững” như mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2016 - 2020.
“Đã thế bây giờ lại vay nợ ngắn hạn, chưa vay xong đã đến hạn trả, lấy gì mà cân đối. Đấy là chưa nói năm nay chúng ta chưa có đồng nào tăng lương”, Chủ tịch Quốc hội lo lắng.
TPHCM đề nghị tiếp tục đưa người nghiện ma túy vào cơ sở xã hội
Tại phiên thảo luận tổ, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM cho biết, việc thực hiện đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trên địa bàn TPHCM vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Nghị quyết 77/2014/QH13 của Quốc hội được triển khai chủ động, nhiều giải pháp tốt, đồng bộ, kết quả đạt được là tốt. Sau 9 tháng thực hiện, đến nay, UBND phường, xã, thị trấn của thành phố đã ban hành gần 5.400 quyết định đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào các cơ sở xã hội. Trong đó, gần 3.500 trường hợp đã được tòa án xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Qua đó, tình hình người nghiện ma túy lang thang hút chích nơi công cộng và các tụ điểm “nóng” về ma túy trước đây đã được chuyển hóa cơ bản. Số vụ phạm pháp hình sự, nhất là các loại án trộm cướp, cướp giật… được kéo giảm rõ rệt.
Tuy nhiên, cơ sở pháp lý để quản lý người nghiện tại các cơ sở xã hội chưa được ban hành đầy đủ nên quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn. 70% người nghiện ma túy trên địa bàn thành phố là người từ các tỉnh, thành khác đến. Việc xác minh nơi cư trú rất khó khăn. Một vấn đề phức tạp khác là người nghiện ma túy đăng ký hộ khẩu, tạm trú (KT3) một nơi nhưng ở một nơi khác... Như vậy, thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn, nhất là thẩm quyền lập hồ sơ đưa vào trại. Vì vậy, trong khi chờ hoàn thiện quy định, đoàn ĐBQH TPHCM tiếp tục kiến nghị Quốc hội đưa vào trong Nghị quyết về kinh tế - xã hội năm 2016 có một điểm tương tự như điểm 5 của Nghị quyết 77 để TPHCM tiếp tục đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội.