Bộ trưởng Nhà nước Bộ Công thương Singapore Lee Yl Shyan: Sẵn sàng chia sẻ mọi kinh nghiệm với Việt Nam

“Kích cầu” vào nguồn nhân lực
Bộ trưởng Nhà nước Bộ Công thương Singapore Lee Yl Shyan: Sẵn sàng chia sẻ mọi kinh nghiệm với Việt Nam

Nền kinh tế Singapore đang dần hồi phục nhờ những chính sách “kích cầu” hiệu quả của Chính phủ; Việt Nam nên hợp tác thế nào để khai thác mọi thế mạnh của Singapore…? Đó là những vấn đề được Bộ trưởng Nhà nước Bộ Công thương (Minister of State for Trade and Industry) Singapore LEE YI SHYAN (ảnh) chia sẻ với phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng và một số nhà báo Việt Nam trong buổi gặp gỡ nhân chuyến viếng thăm lần 2 theo lời mời của Chính phủ Singapore (thông qua Bộ Thông tin, Truyền thông và Nghệ thuật Singapore) vừa diễn ra giữa tháng 7-2009.

“Kích cầu” vào nguồn nhân lực

Bộ trưởng Nhà nước Bộ Công thương Singapore Lee Yl Shyan: Sẵn sàng chia sẻ mọi kinh nghiệm với Việt Nam ảnh 1

- Phóng viên: Thưa ông, ông có thể cho biết nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới Singapore sau nhiều tháng tăng trưởng âm do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, đến thời điểm hiện nay đã như thế nào?

Ông LEE YI SHYAN: Nền kinh tế Singapore chủ yếu nhờ vào xuất khẩu nên nó phụ thuộc rất nhiều vào các thị trường lớn trên thế giới như Nhật và Mỹ… Trong quý 1-2009, GDP của Singapore phát triển âm (âm 9,6%), đến quý 2-2009 vẫn chưa dương nhưng đã theo chiều hướng tốt hơn (GDP còn âm 3,7%).

- Chính phủ Singapore có tự tin rằng nền kinh tế của mình sẽ sớm hồi phục?

Cho dù nền kinh tế đã có dấu hiệu tốt, nhưng trong quý 3 và quý 4 tới, chúng tôi cũng phải rất thận trọng với thị trường, vì vẫn chưa có gì là chắc chắn. Tuy vậy, như vừa nói với các bạn, những gì diễn ra trong quý 2 vừa qua đã mang lại sự tự tin cho chúng tôi.

Trong 9 tháng qua, kể từ quý 4-2008, trong lúc khủng hoảng kinh tế gia tăng, Chính phủ Singapore tiếp tục tập trung vào vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, vận động các doanh nghiệp cử nhân viên đi học thêm để nâng cao trình độ và tay nghề. Điều đó sẽ giúp họ tìm được công việc tốt hơn trong bối cảnh hiện nay và trong tương lai.

- Cũng như nhiều nước, để vực dậy nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã và đang tiếp tục áp dụng các gói kích cầu cho thị trường và doanh nghiệp. Chính phủ Singapore thì như thế nào, thưa ông?

Thị trường Singapore nhỏ, chỉ có hơn 4,8 triệu dân, nên nền kinh tế xuất khẩu của Singapore phụ thuộc vào thị trường bên ngoài.

Không giống như Trung Quốc, Ấn Độ hay Việt Nam, Singapore không phải bỏ vốn để đầu tư vào cơ sở hạ tầng nữa. Do đó, gói “kích cầu” của Chính phủ Singapore chỉ dùng đầu tư cho 4 vấn đề chính: giáo dục - đào tạo, giải quyết việc làm, hỗ trợ tài chính và giúp đỡ người khó khăn. Số tiền mà chúng tôi dành cho việc đó, tổng cộng là 20,5 tỷ SGD (đô la Sing, tương đương khoảng 16 tỷ USD), trong đó 5,1 tỷ SGD hỗ trợ cho đào tạo - giải quyết việc làm, 2,6 tỷ SGD hỗ trợ cho các gia đình khó khăn, 8,4 tỷ SGD hỗ trợ cho các doanh nghiệp, 4,4 tỷ SGD dành hỗ trợ cho các hoạt động đầu tư trong tương lai.

Mỗi người lao động khó khăn được chính phủ trợ cấp thêm 300-500 SGD/tháng, ngoài các khoản thu nhập từ công việc.

Các doanh nghiệp được chính phủ chia sẻ các chi phí như được hỗ trợ đến 50% chi phí bảo hiểm, giảm thuế, hỗ trợ chi phí đào tạo nâng cao trình độ, tay nghề cho nhân viên… Hiện nay, qua sự vận động của chính phủ, đã có 1.800 doanh nghiệp Singapore tranh thủ thời gian thu hẹp sản xuất, cử nhân viên đi học để nâng cao trình độ, tay nghề…

Thương mại hai nước còn rất tiềm năng

- Ông nhận định thế nào về quan hệ thương mại giữa hai nước?

Một quầy hàng của Việt Nam (cà phê Trung Nguyên) tại Trung tâm thương mại Mustafa của Singapore.

Một quầy hàng của Việt Nam (cà phê Trung Nguyên) tại Trung tâm thương mại Mustafa của Singapore.

Thương mại song phương giữa Singapore và Việt Nam đã tăng từ 2 tỷ USD năm 1998 lên 11 tỷ USD trong năm 2008, và hiện nay chúng tôi là nhà đầu tư lớn thứ 5 tại Việt Nam.

Với Hiệp định khung về hợp tác thương mại song phương ký kết tháng 12-2005 giữa 2 chính phủ, là nền tảng rất tốt để hợp tác thương mại giữa Singapore và Việt Nam ngày càng phát triển.

Theo hiệp định này, có 6 lĩnh vực đã ký kết hợp tác giữa Singapore và Việt Nam, là: giáo dục - đào tạo, tài chính, công nghệ thông tin - viễn thông, đầu tư, thương mại - dịch vụ, giao thông vận tải. Trong 4 năm qua, sự hợp tác đã đạt được những kết quả tốt trong cả 6 lĩnh vực. Tuy nhiên, tiềm năng thương mại giữa 2 nước còn rất lớn và Chính phủ Singapore rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam với gần 90 triệu dân là một thị trường lao động rất lớn, nên có thể mở ra nhiều ngành nghề để phát triển. Singapore sẵn sàng chia sẻ mọi điều tốt đẹp nhất với người bạn Việt Nam.

- Ông có thể cho biết cụ thể hơn những kinh nghiệm và thế mạnh mà Singapore đang ưu tiên hợp tác với Việt Nam?

Công tác phát triển giáo dục - đào tạo và nguồn nhân lực là vấn đề vô cùng quan trọng cho sự phát triển của một quốc gia. Sự phát triển của Singapore có được chính là nhờ chúng tôi đã tập trung chủ yếu vào phát triển nguồn nhân lực. Việt Nam có may mắn hơn chúng tôi là có được lực lượng lao động rất đông đảo, thông minh và khôn ngoan. Thế nhưng Việt Nam lại thiếu một hệ thống giáo dục - đào tạo tốt để có thể phát huy nguồn lực đó. Với những kinh nghiệm và sự thành công của mình, chúng tôi có thể hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực, thông qua việc tăng cường hơn nữa các chương trình hợp tác về giáo dục - đào tạo...

Ngoài ra, còn 5 thế mạnh khác mà chúng tôi sẵn sàng tăng cường hợp tác với Việt Nam, gồm lĩnh vực tài chính, công nghệ thông tin - viễn thông, đầu tư, thương mại - dịch vụ và cơ sở hạ tầng. Nhất là lĩnh vực công nghệ thông tin - viễn thông và cơ sở hạ tầng như giao thông vận tải, nhà ở, xử lý nước và rác thải...

Trong thời gian qua, Việt Nam đã hợp tác với Singapore một số dự án trong các lĩnh vực như công nghiệp (Khu công nghiệp VSIP1, VSIP2 ở phía Nam và Khu công nghiệp Bắc Ninh…), bất động sản, hàng không, cảng biển, tài chính ngân hàng… nhưng chưa phát huy hết tiềm năng.

Hiện nay, chúng tôi nhận thấy Việt Nam đang rất cần phải phát triển hệ thống giao thông, cả đường bộ lẫn hàng không, cảng biển; rồi quản lý, quy hoạch phát triển đô thị, xây dựng nhà ở, khu du lịch; việc áp dụng công nghệ thông tin - viễn thông trong quản lý điều hành, xây dựng chính phủ điện tử; rồi vấn đề xử lý nước thải, chất thải công nghiệp… Singapore có rất nhiều công ty có đủ kinh nghiệm từ A đến Z trong các lĩnh vực này, và luôn sẵn sàng hợp tác với Việt Nam.

Ba lời khuyên cho Việt Nam

- Với kinh nghiệm của một quốc gia mà chỉ trong hơn 40 năm, từ một nước kém phát triển đã trở thành nước phát triển hàng đầu thế giới về mọi mặt, thu nhập bình quân đầu người hiện nay của Singapore lên đến 37.597 USD/năm, ông có lời khuyên gì cho Việt Nam?

Chúng tôi cho rằng, Việt Nam cần phải có kế hoạch để sửa đổi sớm các vấn đề trong chính sách quản lý, điều hành kinh tế. Từ kinh nghiệm Singapore, để kinh tế phát triển nhanh và bền vững, có 3 điều phải làm thật tốt.

Thứ nhất: phải xây dựng tốt phần cứng, đó là hệ thống cơ sở hạ tầng.

Thứ hai là phần mềm, phải làm sao để bộ máy hoạt động điều hành của chính quyền và các cơ quan chức năng phải hiệu quả, thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của doanh nghiệp…

Thứ ba: có chiến lược giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thật tốt và phù hợp.

Việt Nam có môi trường chính trị ổn định, nguồn lao động dồi dào, rất hấp dẫn nhà đầu tư. Thế nhưng, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, các nhà đầu tư lớn trên thế giới đang phải xem xét lại các dự án đầu tư, và nếu như Việt Nam không nhanh chóng cải thiện hơn nữa các chính sách thu hút đầu tư, trong đó có việc cải cách thủ tục hành chính… thì các nhà đầu tư sẽ chạy sang các nước đang tạo môi trường thuận lợi hơn như Trung Quốc, Ấn Độ…

- Xin cảm ơn ông!

Phạm Trường thực hiện

Tin cùng chuyên mục