Điểm dừng chân ngắm cảnh Panorama tại Mã Pì Lèng (Hà Giang) lại một lần nữa gây xôn xao dư luận bởi những hình ảnh lan truyền về một công trình bề thế hơn cả trước khi bị yêu cầu sửa chữa. Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Cục Di sản, Bộ VH-TT-DL cho biết sẽ có văn bản đề nghị địa phương (Hà Giang) sớm thông tin về công trình sửa chữa, cải tạo này.
Công trình nhà hàng, nhà nghỉ Panorama Mã Pì Lèng được phát hiện sai phạm hồi tháng 10-2019. Sau khi dư luận, chuyên gia và đơn vị quản lý văn hóa di sản lên tiếng, UBND tỉnh Hà Giang vào cuộc tổ chức hội nghị tháng 3-2020 với sự tham gia của Hội Di sản Văn hóa, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Viện Bảo tồn Di tích, Cục Di sản Văn hóa (Bộ VH-TT-DL), Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam nhằm đưa ra phương án phù hợp nhất với công trình.
Tại đây, hầu hết các ý kiến đều thống nhất khắc phục công trình theo hướng cải tạo, chỉnh trang thành điểm dừng chân ngắm cảnh cho khách du lịch với quy mô, kiến trúc phù hợp, không làm ảnh hưởng đến tầm nhìn toàn cảnh, đảm bảo an toàn, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, không gây tác động tiêu cực đến môi trường, phù hợp với bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc ở Hà Giang.
Tại hội nghị này, chủ đầu tư cũng đã cam kết công trình chỉ là điểm dừng chân ngắm cảnh, không phục vụ lưu trú qua đêm.
Phối cảnh phương án cải tạo, sửa chữa được các chuyên gia nhất trí cao “Về nguyên tắc, đây là công trình nằm ngoài khu vực di tích nên trách nhiệm chính thuộc về địa phương cũng như đơn vị quản lý xây dựng. Còn đối với nhận xét về kết cấu, hình thức đẹp, xấu, có không phù hợp với cảnh quan như thế nào, theo tôi, nên ghi nhận ý kiến của các chuyên gia xây dựng, kiến trúc sư…”, lãnh đạo Cục Di sản nói.
Thực tế mặt tiền công trình đã sửa chữa và phương án sửa chữa được các chuyên gia góp ý tháng 3-2020 Theo đề xuất, phương án cải tạo được đại diện các bên thống nhất là theo hướng giảm các diện tích tường xây đặc, tăng cường không gian trống nhằm hạn chế tối đa việc cản trở tầm nhìn, đồng thời sử dụng các vật liệu xây dựng đặc trưng, phù hợp với văn hóa các dân tộc địa phương, thân thiện với môi trường.
Quy mô công trình sau cải tạo gồm 5 cấp, xây bám theo địa hình. Mặt trước công trình (bám đường quốc lộ), cải tạo hệ thống mái thành mái dốc, lợp ngói âm dương, chỉ gồm một tầng nổi và một tầng âm…
Đồng thuận với ý kiến của các kiến trúc sư, cải tạo công trình phù hợp không gian, trong đó lưu ý đến vấn đề lưu thông, sức chứa và nên để quy mô vừa đủ cho điểm "check in" khi đến Hà Giang, song đại diện của UNESCO Việt Nam cũng khuyến nghị xem xét lập dự án mang tính tổng thể cho cả cung đèo và chọn phương án phù hợp tạo sự đồng thuận chung trong xã hội.
Nhận định cảm quan về công trình sau khi sửa chữa được cho là màu sắc tuy có thay đổi nhưng có quy mô lớn hơn trước, ông Trần Ðình Thành, Cục phó Cục Di sản khẳng định, nếu chỉ nhìn qua hình ảnh thì có thể không chính xác. Ðã từng có công trình di tích được chụp rồi thay đổi màu sắc, bóp méo kích thước so với thực tế. Vì vậy, cần phải có thông tin chân thực mới có thể đưa ra nhận định đúng.
Cũng theo Cục phó Cục Di sản, trong tuần này, Cục sẽ sớm có văn bản gửi Hà Giang đề nghị cung cấp thông tin về công trình vừa được sửa chữa này.
MAI AN