Bóng đá Việt Nam có thể thắng Thái Lan?

Bóng đá Việt Nam có thể thắng Thái Lan?

1. Xin vào đề ngay: Đội tuyển U23 Việt Nam có thể thắng Thái Lan ở một giải SEA Games trong thời điểm hiện nay không? Sau trận thua Thái Lan ở SEA Games 23 vừa rồi, HLV Riedl nói ngay “Không thể”. Tại sao? “Vì Thái Lan quá mạnh”. Ông nói thêm “Ở Đông Nam Á, Thái Lan là số 1 còn tất cả các đội khác là số 2”. Các quan chức của Liên đoàn bóng đá Việt Nam cũng nhận xét: “Đẳng cấp của bóng đá Thái Lan hơn ta”.

Bóng đá Việt Nam có thể thắng Thái Lan? ảnh 1

Cổ động viên Việt Nam sẽ vui hơn nếu đội tuyển Việt Nam thắng đội tuyển Thái Lan! Ảnh: M.T.

Thực ra, đẳng cấp của một nền bóng đá và chiến thắng một giải đấu không phải bao giờ cũng có quan hệ nhân quả, nghĩa là không phải lúc nào cũng đi đôi với nhau mặc dù chúng thường đi đôi với nhau. Ai cũng biết: Nâng cấp một nền bóng đá, đó là vấn đề mang tính chiến lược.

Và người chịu trách nhiệm chính là Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, thậm chí là Ủy ban TDTT hoặc cấp cao hơn nữa. Còn thắng một trận chung kết, kể cả thắng một giải đấu, là vấn đề chiến thuật: trách nhiệm chủ yếu thuộc về HLV đội tuyển. Cụ thể, với tuyển U 23 Việt Nam, là HLV Riedl.

Cho nên đánh đồng hai vấn đề này với nhau sẽ có nguy cơ dẫn đến một kết luận mang màu sắc định mệnh: Việt Nam không thể thắng Thái Lan, ít ra là một thập niên nữa, vì cái lối làm bóng đá của ta hiện nay còn rất lâu mới nâng mặt bằng bóng đá lên ngang tầm người Thái.  Và người ta dễ xem chuyện thua Thái Lan, như trong trận chung kết  vừa rồi, là chuyện hiển nhiên.

2. Trong bóng đá, đội mạnh hơn thắng đội yếu hơn là chuyện hiển nhiên. Nhưng đội yếu hơn có khả năng thắng đội mạnh hơn cũng hiển nhiên không kém. Nói khác đi, có tới hai sự thật trong bóng đá. Và chính cái sự thật thứ hai góp phần làm nên sức hấp dẫn của trò chơi này và giúp nó được tôn xưng là môn “thể thao vua” trong vô số những trò chơi mà nhân loại đã nghĩ ra.

CHDCND Triều Tiên thắng Ý 1-0 ở World Cup 1966 là một sự thật. Và sự thật này không phủ định một sự thật khác là bóng đá CHDCND Triều Tiên còn lâu mới đạt tới đẳng cấp của bóng đá Ý. Châu Phi Senegal thắng đương kim vô địch thế giới Pháp hay Châu Á Hàn Quốc thắng cả Tây Ban Nha lẫn Ý ở World Cup 2002 là những ví dụ gần nhất. Kết luận như HLV Riedl “Việt Nam không thể thắng Thái Lan vì Thái Lan mạnh hơn” là một kiểu nói đơn giản hóa bóng đá và lập luận này không cắt nghĩa được những dẫn chứng sinh động trên kia.

Thực tế thi đấu đã chỉ ra: trong một trận đấu cụ thể, như trận chung kết SEA Games chẳng hạn, đẳng cấp chỉ là một trong những yếu tố chi phối kết quả. Thắng bại còn được quyết định bởi rất nhiều thứ khác: tâm lý vững vàng, sự tập trung cao độ, động cơ - thậm chí là lý tưởng - của cuộc chiến đấu và yếu tố hữu hình nhất là bản lĩnh của nhà cầm quân. Ở đây, đấu trường không khác mấy với chiến trường: một đội quân có thực lực kém hơn vẫn có thể thắng đội quân mạnh hơn nếu nhà cầm quân khéo léo trong phép dụng binh.

Vị nguyên soái phải biết chọn cách đánh phù hợp với tương quan lực lượng hai bên để phát huy tối đa ưu thế và sở trường của mình đồng thời triệt giảm tối đa những mặt mạnh của đối phương để giành chiến thắng. Lịch sử chiến tranh Việt Nam và thế giới đã có vô số những bài học về điều này.

3. Thậm chí, một đội có đẳng cấp thấp như Đan Mạch 1992 hoặc rất thấp như Hy Lạp 2004 vẫn có thể qua mặt hàng loạt “đại gia” để thắng cả một giải đấu lớn như EURO, chứ không chỉ thắng một trận đấu đơn lẻ, dù rằng trước và sau khi đăng quang, đẳng cấp của họ vẫn không được xếp bằng vai phải lứa với những kẻ bại trận Anh, Pháp, Ý, Đức và Tây Ban Nha - “ngũ hổ tướng” của châu Âu.

Nói như vậy để thấy rằng, ở châu Âu một đội xếp hạng thứ mười mấy như  Hy Lạp vẫn có thể thắng những đội xếp trên họ rất xa để lên ngôi vô địch thì không có lý gì ở Đông Nam Á một đội thứ 2 không thể thắng đội số 1, vốn xếp trên mình có một nấc. Tôi nghĩ điều đó hoàn toàn có thể trở thành hiện thực, nếu HLV có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, có những chiến thuật và đối sách phù hợp cho một giải đấu, cho từng trận đấu, như Otto Rehhagel đã làm với Hy Lạp và Guus Hiddink đã làm với Hàn Quốc.

Tiếc thay, có vẻ Alfred Riedl không thuộc mẫu huấn luyện viên này. Thua tới bốn trận chung kết, trong đó có 3 trận trước Thái Lan, cho thấy ông không học được gì từ lịch sử. Nói cho công bằng, Riedl là một HLV có tài, nhưng cho đến nay cái tài của ông đã được chứng minh chỉ dừng lại ở tấm huy chương bạc.

Một người vấp quá nhiều lần vào một tảng đá rõ ràng là người không giỏi ứng phó với hoàn cảnh. Xem cái cách Riedl xây dựng đội hình và chiến thuật thì biết. Bao giờ cũng là một đội hình cứng nhắc để chơi một lối chơi bất biến. Cách thay người của ông trong một trận đấu không hề có ý nghĩa chiến thuật nhằm gây đột biến: Ông thường thay một tiền đạo bằng một tiền đạo khác hoặc một hậu vệ bằng một hậu vệ khác, thường là dở hơn. Với Riedl, nếu đối thủ kém hơn, đội của ông sẽ thắng.

Nếu đối thủ mạnh hơn, đội của ông sẽ thua. Có vẻ ông sùng bái nguyên tắc “mạnh được yếu thua”, một nguyên tắc hoàn toàn mâu thuẫn với sức sống và vẻ quyến rũ của môn thể thao này. Cách ông chấp nhận cái thua hiển nhiên trước Thái Lan cho thấy ông không bao giờ trở thành nhà cách mạng, thậm chí sẽ không bao giờ là nhà cầm quân có tham vọng.

Có người cho rằng do đội ngũ cầu thủ của Việt Nam quá yếu và quá thiếu nên ông không thể cựa quậy gì được. Không đúng, với một thế hệ vàng chín muồi trong tay, ông vẫn không thể xoay xở để vượt qua hai trận chung kết liên tiếp ở Tiger Cup 1998 và SEA Games 1999 đó thôi. Cùng là châu Á, nhưng những yếu quyết binh pháp như  “xuất kỳ bất ý”, “binh bất yếm trá”, “biết địch biết ta trăm trận trăm thắng” người Thái có vẻ học giỏi hơn chúng ta rất nhiều.

4. Tất nhiên, sẽ không công bằng nếu trút hết trách nhiệm về cái thua vừa rồi lên vai HLV Riedl. Sự đòi hỏi tiền nong của đội tuyển tại SEA Games vừa rồi khiến tôi nhớ đến câu “Danh và lợi đi trước sáng tác là một tai họa, đi song hành với sáng tác là một cản trở, đi sau sang tác mới hợp quy luật”. Câu nói này dành cho giới nghệ sĩ, nhưng cũng chính xác với các cầu thủ bóng đá - họ cũng thường được gọi bằng mỹ từ “nghệ sĩ bóng đá” đó thôi. Và tai họa thì cũng đã rõ.

Nhưng có tai họa còn lớn hơn: Liệu một nền bóng đá đầy rẫy tiêu cực bao nhiêu năm nay và bước đầu đang được phanh phui như một khối ung thư kia có thể đăng quang ngôi vô địch được không, ngay cả trong trường hợp người cầm quân là Otto Rehhagel thiên tài hay Guus Hiddink lão luyện? Vì vậy mà so sánh bóng đá Việt Nam với Hàn Quốc, Đan Mạch hay Hy Lạp có khi cũng chỉ nói cho vui, chứ xét kỹ thì thấy cũng lắm điều khập khiễng! Buồn ơi là buồn!

Chu Đình Ngạn

Tin cùng chuyên mục