(Trích truyện dài thiếu nhi Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nghèo năm ấy)
Vừa bước vào ngạch cửa nhà trên thằng Chim nghe tiếng thằng Long mập từ nhà dưới, chỉ được ngăn với nhà trên bằng một miếng phên tre:
- Tao không biết thế nào là nhập đề theo kiểu lung khởi, trực khởi hay khởi nghĩa hết…
Tiếng thằng Minh trả lời y như cô giáo đang dạy:
- Dễ ẹc. Lung khởi là nói vòng vo, lung tung rồi mới đi vô đề.
- Tao không hiểu. Mầy thí dụ được không?
- Ờ, thí dụ như mầy muốn tả rạp Tân Lạc thì mầy không tả rạp Tân Lạc (*) liền mà mầy phải nói là... là… để tao nghĩ xem là… là xem hát bóng rất có lợi cho tinh thần học sinh… rồi... muốn có hát bóng thì phải có rạp chiếu phim hát bóng, sau đó rồi mầy mới nói tới rạp chiếu bóng Tân Lạc… vậy đó.
- Như vậy là lung khởi?
- Lung là lung tung... Nhưng mầy phải lung làm sao mà nói được tới cái đề bài văn nếu không thì mầy đi lung tung xà beng luôn đó con.
- Còn trực khởi?
- Trực là trực, là… thẳng. Trực khởi là mầy đi thẳng vào đề bài luôn. Cái này còn dễ hơn lung khởi nữa. Thí dụ nói về rạp hát Tân Lạc thì nhập đề mình nói liền là rạp mặc dù cầu tiêu có hơi khai nhưng rạp Tân Lạc là rạp chiếu bóng “năm bờ oan” ở Bình Tiên.
- Nhưng nhập đề nào hay hơn mậy?
- Tao khoái lung khởi vì mình nói lung tung không ai biết được mình nói gì nhưng khi mình nói tới đề bài thì cô giáo bị lung lạc liền.
- Nhập đề lung khởi là nói lung tung để cô giáo bị lung lạc. Tao nhớ rồi.
- Thằng Chim lại nghe tiếng thằng Minh la lên:
- Mầy đừng làm đổ cơm. Mỗi hạt cơm là một hạt ngọc. Mầy không nhớ bài học Ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hột đắng cay muôn phần. Người nông phu cực lắm mới làm ra được hạt gạo, trong bài quốc văn lớp ba có dạy, mầy không nhớ hay sao?
- Lâu quá, tao quên mất tiêu rồi. Nhưng mình có tiền mua mà.
- Đâu phải nhà mầy có tiền mua rồi mầy phí phạm đâu, tội chết. Xuống âm phủ không có cơm ăn. Lúc ấy đói bụng, mà chén cơm của mầy toàn dòi không để trừng phạt mầy cái tội khi sống ở dương trần không quý hạt gạo…
- Biết thằng Minh có ở nhà, tụi thằng Chim đi thẳng vào. Thằng Minh từ nhà sau chạy ra, ngạc nhiên kêu lên:
- Ủa, có gì không mà giờ này tụi bây đến đông vậy? Không ở nhà ăn cơm sao?
Thằng Long mập hỏi:
- Tụi bây ăn cơm chưa. Ăn miếng cho vui. Công nhận là cơm ăn với nước mắm kho quẹt với rau ngon thiệt. Ở nhà tao có bao giờ được ăn như vầy đâu.
Đúng như lời thằng Long mập nói, trên mâm cơm mà tụi nó thấy chỉ là một dĩa rau đắng luộc và tô nước mắm kho quẹt đặc sệt, đen sì lợn cợn nổi lên vài tóp mỡ nhỏ.
Thằng Chim ngạc nhiên, trợn mắt nói với thằng Long mập:
- Thằng nhà giàu như mầy mà ăn cơm với rau chấm nước mắm kho quẹt?!
Thằng Minh nói cà tửng như tánh của nó từ trước tới nay:
- Sơn hào hải vị của thằng Long đó mầy.
- Sơn hào hải vị?
- Ừ. Sơn hào là đồ ăn ngon trên núi. Mà trên núi thì có cây cỏ mà có cây cỏ thì có rau. Hải vị là mùi vị của biển. Biển thì có cá, có cá thì có nước mắm. Như vậy nước mắm kho quẹt chấm rau không phải sơn hào hải vị thì là cái gì…
Thằng Minh giải thích về món sơn hào hải vị như là Trạng Quỳnh giải thích món “Đại Phong” mà nó đã đọc trong quyển truyện thiếu nhi bằng tranh của họa sĩ Nguyễn Thọ. Trong truyện giảng nghĩa hơi dài nào là đại phong là gió to, mà gió to thì sập chùa, chùa sập thì tượng lo mà tượng lo là lọ tương. Nó không thích cách nói lái như trong truyện mà nó cho là cách nói lái kỳ cục. Vì theo cách tụi nó thường nói lái với nhau thì “tượng lo” là “tọ lương”. Còn muốn nói lọ tương thì phải là “lượng to” như con “Hương qua đèo” là con “heo qua đường” vậy. Nhưng đối với thằng Long mập, thằng Minh không cần phải nói lái chi cho lắt léo vì thằng này không phải là Chúa Trịnh mặc dù nó đang ứng xử theo cách của Trạng Quỳnh.
Chuyện là như vầy. Một hôm thằng Long mập đến nhà thằng Minh chơi đúng lúc thằng này đang dọn chén chuẩn bị ăn cơm trưa. Thằng Minh ngạc nhiên hỏi:
- Ủa, sao mầy không ở nhà ăn cơm mà lại đi chơi?
- Nhìn mâm cơm tao ngán quá, hết thấy đói luôn.
Thằng Minh bới một chén cơm nhỏ, hỏi:
- Nhà mầy ăn cơm với cái gì mà ngán?
- Ngày nào má hai tao cũng cho ăn thịt. Hết thịt heo tới thịt gà, hết thịt gà thì tới thịt bò…
Khi nghe thằng Long nói về thịt, thằng Minh chép miệng:
- Mầy ăn ngon vậy mà la ngán. Mầy thấy tao ăn cơm không? Cơm với nước trà…
Thằng Long trợn tròn mắt: - Cơm chan nước trà?!
- Ừ, cơm chan nước trà ăn với chuối sứ…
Sực nhớ tới truyện Trạng Quỳnh nó nói:
- Món này gọi là món Thái Đức đó.
- Ngộ quá hé, nhưng có ngon không?
Muốn chọc thằng con nhà giàu này, thằng Minh gật đầu:
- Ngon chứ sao không mậy. Không ngon làm sao tao ăn được.
Thằng Long rụt rè đề nghị:
- Mầy cho tao ăn thử một miếng được không?
Thằng Minh làm ra vẻ bí mật:
- Tại mầy là bạn thân tao mới cho mầy ăn chứ tao chưa cho đứa nào ăn đâu.
Câu này nó hoàn toàn nói thật vì bọn thằng Ti, thằng Chim, Út đẹt thường xuyên ăn cơm giống như vậy thì cần gì nó phải mời.
Thằng Minh gắp một miếng rau, chấm miếng nước mắm bỏ vào chén. Nó đặt chén cơm về phía đối diện rồi lấy đôi đũa gác lên trên. Thằng Long mập định cầm cái chén thì thằng Minh la lên:
- Ê, chén cơm của bà ngoại tao đó.
Thằng Long mập ngạc nhiên:
- Ủa, bà ngoại mầy còn sống à? Chắc già lắm?
- Không. Bà ngoại tao chết lâu rồi, chết hồi tao chưa đẻ lận. Nhưng mỗi lần ăn cơm má tao đều bới ra một chén nhỏ để bà ngoại về ăn cơm chung cho vui.
- Rồi bà ngoại mầy có về không?
- Có chứ. Bà ngoại tao về trong bụng tao khi tao nhớ tới bả.
Thằng Long mập lạnh người khi nghe thằng Minh nói:
- Hôm nay con cho ngoại ăn rau. Ăn rau cho dễ tiêu.
Thằng Minh bới cho thằng Long một chén cơm nhỏ. Thằng Minh sợ thằng này không ăn được, bỏ mứa thì tội với lại trong nồi chỉ còn ít cơm để dành cho má nó. Sau đó, nó lấy bình tích trà rót vào chén cơm, rồi bẻ một trái chuối sứ chín rục - lỡ thằng Long bỏ trái chuối cũng không uổng.
Thằng Long mập cầm đôi đũa tre và chén cơm bằng đá nặng chình chịch lùa miếng cơm chan nước trà, rồi theo chỉ dẫn của thằng Minh nó cắn một miếng chuối để lùa ngụm cơm với nước trà vào miệng. Vị ngòn ngọt của chuối quyện với vị hơi nhân nhẩn của nước trà mang lại cho lưỡi thằng Long mập một cảm giác lạ lẫm, ngộ miệng. Nó lùa miếng thứ hai vào miệng, thằng Minh hỏi:
- Mầy thấy có lạt không?
- Ừ, hơi lạt.
Thằng Minh lấy chai tàu vị yểu hiệu con mèo xịt vào dĩa:
- Khi nào thấy lạt thì mầy chấm miếng tàu vị yểu...
Nghe lời, thằng Long mập chấm miếng chuối vào nước tương. Nó chép chép cái miệng để cảm nhận mùi nước tương thơm quyện đầu lưỡi. Nó chưa bao giờ ăn cơm với nước tương chưa pha chế kiểu này nên lạ miệng vô cùng. Nó ăn chỉ một loáng là hết trái chuối với chén cơm chan nước trà.
- Mầy nói món này gọi là thái đức? Thằng Long mập quẹt miệng hỏi.
- Ừ. Cái tên do tao đặt.
- Thái đức nghĩa là gì?
- Mầy ăn cơm chan nước trà vào buổi tối sẽ không ngủ được vì mầy phải thức dậy nữa chừng để đi đái nên tao gọi cơm ăn với nước trà là cơm thái đức. Thái đức có nghĩa là thức đái đó.
Từ khi được ăn món cơm “thái đức” do thằng Minh - “ngự thiện” nấu, thỉnh thoảng “hoàng đế” Long mập lén má hai nó không ăn cơm nhà. Sau khi tan học, nó chở thằng Minh về nhà thằng này để khám phá thêm những món ăn mới không có trong các món ăn thường xuyên của nhà nó. Mỗi khi đến nhà thằng Minh là nó được thằng này cho ăn một món mới, lạ lùng mà thằng Long mập không thể nào tin được là có những món ăn như vậy. Cũng là món “thái đức” nhưng không ăn với chuối mà là ăn với cá hấp chiên. Hoặc có khi là cá lòng tong do thằng Minh xúc được ở bờ ruộng kho thật kẹo ăn với xoài chín. Đôi lúc, không chuẩn bị thức ăn kịp, thằng Minh chạy ra tiệm hủ tiếu mì của chú Khầu đầu ngõ mua một đồng nước lèo làm canh chan với cơm. Còn khi không có tiền, thằng Minh hâm cơm cho nóng rồi chan miếng mỡ, rưới vào miếng nước mắm. Có hôm nó nấu cơm cho thật cháy, sau đó cạy cơm cháy ra, cuốn tròn lại để làm thức ăn. Chưa bao giờ thằng Long mập nghĩ là ăn cơm mà đồ ăn lại là cơm cháy. Riêng thằng Minh, nhìn thằng Long mập ăn cơm với thức ăn con nhà nghèo do nó chế biến, thì không làm sao hiểu nổi. Thằng Minh ước mơ được ăn cơm với thức ăn do má hai thằng này nấu. Mỗi khi đến nhà thằng Long mập đúng lúc má hai thằng này nấu cơm, mùi thức ăn từ trong bếp tỏa ra nghe muốn điếc cái lỗ mũi, thằng Minh nuốt nước miếng ừng ực. Lúc đó, nó vội vã về nhà ngay vì không muốn trở thành thằng ăn khính ở nhà bạn. Má nó thường dạy: Lành cho sạch, rách cho thơm, miếng ăn là miếng tồi tàn, nhà mình nghèo nhưng đừng vì miếng ăn để người ta khinh mình. Riêng nó nghĩ trong lòng: Dầu hèn cũng thể. Nát vỏ vẫn còn bờ tre!
Còn thằng Long mập thì nghĩ chắc suốt cả đời nó không thể nào quên được những bữa cơm “Thái đức - tình bạn” như thế này…
(*) Một rạp hát ở đường Hậu Giang Bình Tiên (quận 6) năm 1966. Bây giờ là một Trung tâm văn hóa.
LÊ VĂN NGHĨA