Bước ngoặt mới

Tại Việt Nam, dù hơn 90% số doanh nghiệp (DN) sản xuất vẫn còn ở quy mô nhỏ và vừa, nhưng những động thái chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, được xem như cuộc cách mạng cho nền kinh tế.
Công nhân giám sát quy trình tự động sản xuất qua thông số trên màn hình. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Công nhân giám sát quy trình tự động sản xuất qua thông số trên màn hình. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Công ty CNS Amura (thuộc Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn) đã thực hiện cũng như đang đàm phán thêm nhiều đơn hàng mới với nhiều đối tác doanh nghiệp nước ngoài sản xuất sản phẩm đầu cuối. Trong đó, có những đơn hàng lên đến hàng triệu USD.

Đây là bước tiến mới sau khi công ty trở thành nhà cung ứng cấp 1 của Samsung. Nhìn nhận về tay nghề của đội ngũ công nhân cũng như những dây chuyền, máy móc đang có, công ty tự tin khẳng định có thể đáp ứng hầu hết các đơn hàng của DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Về câu chuyện chuyển đổi số của CNS Amura, ông Nguyễn Phương Đông, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn, kể, trước làn sóng đầu tư nước ngoài (FDI) đổ bộ vào Việt Nam, ban lãnh đạo trăn trở làm thế nào để có thể “hấp thụ” nguồn vốn này, chuyển hóa thành nội lực phát triển công nghiệp trong nước. Từ suy nghĩ đó, ban lãnh đạo công ty đã đưa ra kế hoạch đầu tư chuyển đổi toàn bộ dây chuyền công nghệ sản xuất của CNS Amura.

Theo đó, 5 máy chế tạo khuôn mẫu hiện đại nhất “cập bến”; thay đổi tư duy, tiếp cận thị trường theo hướng học tập và tiệm cận với chuẩn chuỗi cung ứng toàn cầu của DN FDI. Nỗ lực của hệ thống từng bước giúp CNS Amura trở thành nhà cung ứng cấp 1 về chế tạo khuôn mẫu cho nhiều DN lớn trên thế giới.

Ông Trần Bá Linh, Giám đốc Sản xuất Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang, chia sẻ kinh nghiệm, việc đổi mới dây chuyền sản xuất theo hướng áp dụng số hóa trong vận hành là yếu tố sống còn của DN. Thực tế, để có thể gia nhập vào chuỗi cung ứng tại thị trường châu Âu, Hoa Kỳ, nhất là chủ động sản xuất máy tính bảng, laptop “Made in Vietnam”, công ty đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng đổi mới hệ thống quản trị, dây chuyền sản xuất.

Có thể kể đến máy dán linh kiện Panasonic phiên bản Smart Factory với 2 cánh tay robot (mỗi cánh tay có 16 đầu hút, tốc độ dán 86.000 chip/giờ). Loại máy này cho phép kỹ sư có thể dán được từ những linh kiện siêu nhỏ đến những linh kiện có độ dài 1,2m. Tiếp theo là máy kiểm tra độ dày, lò sấy, máy kiểm tra tính chính xác và tính đầy đủ của tất cả linh kiện trên từng bo mạch. Ngoài ra còn có các thiết bị khác và máy X-ray để kiểm tra mối hàn tại các điểm dán mà mắt thường không thấy, đảm bảo yêu cầu về chất lượng sản phẩm.

Chưa dừng lại đó, trong định hướng chuyển đổi số, nhiều DN còn tìm đến giải pháp sản xuất xanh. Mới đây, dự án Nhà máy Hóa dầu Stavian Quảng Yên có tổng mức đầu tư 1,5 tỷ USD của Tập đoàn Stavian cũng cam kết sử dụng công nghệ bản quyền và dây chuyền sản xuất hiện đại từ các nước khối G7, sẽ tiết kiệm năng lượng, góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về bảo vệ môi trường và đưa phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050. Stavian cũng tiên phong áp dụng công nghệ blockchain trong giao dịch thanh toán quốc tế.

Tin cùng chuyên mục