
Tối qua 28-3, tại TP Thái Nguyên, Liên hoan hát then - đàn tính toàn quốc lần thứ nhất đã khai mạc với sự góp mặt của 15 đoàn nghệ thuật thuộc 10 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc và Đắc Lắc - tỉnh duy nhất tại phía Nam. Trong thời gian từ 28 đến 30-3, các nghệ nhân và các đoàn nghệ thuật sẽ trình diễn những tiết mục hát then cổ, hát then mới (then lời mới, then cải biên). Các loại nhạc cụ, trang phục, các đạo cụ dùng trong hát then cổ cũng được trưng bày, giới thiệu tại liên hoan.

Cũng trong ngày hôm qua, tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, triển lãm các hoạt động hát then - đàn tính lần thứ nhất và hội thảo bảo tồn, phát huy nghệ thuật hát then trong giai đoạn hiện nay đã được tổ chức, thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà nghiên cứu, các nhạc sĩ, diễn viên và nghệ nhân. Hàng chục tham luận được trình bày tại hội thảo đã tập trung làm rõ nguồn gốc nghệ thuật hát then, vai trò của hát then - đàn tính trong đời sống xã hội và việc bảo tồn và phát triển then trong giai đoạn hiện nay.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Đinh Quang Ngữ nhấn mạnh: Nghệ thuật hát then có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân nhiều dân tộc thiểu số. Ông Dương Lộc Vượng - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Lạng Sơn cũng cho rằng “Then mãi gắn bó với người Tày và Nùng bởi nó rất gần gũi với đời sống con người”.
Tham luận “Hát then - hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian một thời rực rỡ của đồng bào Tày, Nùng Việt Bắc” của ông Hoàng Tuấn Cư, Nhà Xuất bản Văn hóa dân tộc có cùng quan điểm với đa số các tham luận khác là hát then - đàn tính từ lâu đã gắn bó sâu sắc với đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, giữ một vị trí quan trọng trong di sản văn hóa nghệ thuật truyền thống của các dân tộc này.
Song, rất nhiều ý kiến không giấu nổi sự tiếc nuối khi nghệ thuật then đang dần mai một. Nguyên nhân, theo ông Vi Hồng Nhân, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, là thiếu sự quan tâm đầu tư thỏa đáng bằng những chương trình, đề án, dự án cụ thể để sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn, phát huy.
Thực ra, cách đây 20 năm, một hội thảo quan trọng về then đã diễn ra ở Việt Bắc. Song, đến tận bây giờ liên hoan lần thứ nhất mới được tổ chức. Mà, mục đích chính là nhằm tôn vinh, bảo tồn nghệ thuật truyền thống, phát huy, phát triển trong giai đoạn mới và đánh giá thực trạng nghệ thuật hát then - đàn tính hiện nay để bảo tồn, phát huy.
Nghệ thuật then vốn do các nghệ nhân tiếp thu qua truyền miệng, nên việc tôn vinh nghệ nhân, sưu tầm và tư liệu hóa các làn điệu then cổ là việc cần làm trước mắt. Nhiều ý kiến thảo luận đề nghị cần có cái nhìn mới về loại hình nghệ thuật này, cần có kế hoạch tổng thể về bảo tồn nghệ thuật hát then - đàn tính từ nay đến năm 2015 và những năm tiếp theo.
Trên cơ sở đó định kỳ tổ chức các cuộc liên hoan, thành lập các câu lạc bộ để phát triển then trong nhân dân, đồng thời có chính sách hỗ trợ, khuyến khích nghệ nhân chế tác đàn tính. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nông Viết Toại đề xuất: Truyền nghệ thuật then cho lớp trẻ là đúng hướng và tốt nhất. Tuy nhiên để làm được việc này cần có sự thay đổi nhận thức vì lớp trẻ hiện nay rất ít người tha thiết với loại hình nghệ thuật này.
BẠCH LIỄU