Bước phát triển trong quan hệ Nga-Trung

Từ ngày 20-3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến công du đến Nga trong 3 ngày. Chuyến thăm nhằm củng cố quan hệ song phương giữa Bắc Kinh và Moscow trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động.
Cầu đường bộ đầu tiên giữa Nga và Trung Quốc tại TP Blagoveshchensk, vùng Viễn Đông của Nga
Cầu đường bộ đầu tiên giữa Nga và Trung Quốc tại TP Blagoveshchensk, vùng Viễn Đông của Nga

Thúc đẩy vai trò trung gian đàm phán

Theo Hãng tin TASS, dự kiến trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình. Hai bên tập trung thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược phát triển hơn nữa, trong đó dự kiến thảo luận về Sáng kiến Vành đai con đường và Liên minh kinh tế Á - Âu. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo dự kiến bàn về các vấn đề quốc tế cùng quan tâm. Theo Điện Kremlin, một số văn kiện song phương quan trọng dự kiến được ký kết dịp này.

Đây là chuyến công du đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình sau khi ông tái đắc cử. Cuộc gặp gần nhất giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Trung diễn ra vào tháng 9-2022, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Uzbekistan.

Theo giới quan sát, xung đột hiện nay ở Ukraine có thể là một trong những chủ đề dự kiến được đề cập trong cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc. Theo Tờ Wall Street Journal, sau chuyến thăm Nga, Chủ tịch Tập Cận Bình có thể họp trực tuyến với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Hiện kế hoạch hội đàm trực tuyến chưa được xác nhận nhưng Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương và người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba đã có cuộc điện đàm. “Hai bên đã thảo luận về kế hoạch hòa bình của Ukraine và tầm quan trọng của nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ”, Ngoại trưởng Kuleba chia sẻ trên Twitter. Trong khi đó, Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby tuyên bố, nếu cuộc họp trực tuyến trên diễn ra sẽ là một tín hiệu tốt và Nhà Trắng ủng hộ.

Trung Quốc được cho là đang thúc đẩy vai trò trung gian đàm phán nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine. Tháng trước, Bắc Kinh đã đưa ra kế hoạch hòa bình nhấn mạnh đến vấn đề tôn trọng chủ quyền của các quốc gia, ngăn chặn sử dụng vũ khí hạt nhân. Moscow hoan nghênh đề xuất này, trong khi Ukraine và phương Tây tỏ ra thận trọng.

Tăng trưởng thương mại kỷ lục

Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình là sự kiện trọng tâm trong quan hệ giữa hai nước trong năm 2023. Trong bối cảnh bất ổn địa chính trị, sự tăng trưởng kỷ lục trong thương mại giữa hai nước và quan hệ đối tác chiến lược giữa Moscow và Bắc Kinh ngày càng phát triển.

Trong năm 2022, kim ngạch thương mại giữa Nga và Trung Quốc tăng hơn 30% trong khi hợp tác thực tế song phương tiếp tục phát triển trong mọi lĩnh vực. Với mức tăng trưởng này, hai nước dự kiến đạt mục tiêu đề ra 200 tỷ USD vào năm 2024 trước thời hạn. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại chính của Nga trong hơn 10 năm qua. Các dự án lớn trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng và nông nghiệp, vũ trụ và các lĩnh vực công nghệ cao khác đang được triển khai. Tỷ lệ thanh toán bằng đồng nội tệ tăng gấp đôi. Hiện hơn 50% giao dịch thương mại giữa hai nước thực hiện bằng nội tệ.

Vào tháng 6-2022, hai bên đã khánh thành cây cầu lớn dành cho ô tô bắc qua sông Amur, nối TP Blagoveshchensk của Nga và Hắc Hà của Trung Quốc. Đến tháng 11, cầu đường sắt Nizhneleninskoye - Đồng Giang cũng được khánh thành. Các dự án này góp phần nâng cao hiệu quả của hệ thống hậu cần xuyên biên giới giữa Nga và Trung Quốc.

Nga đứng thứ hai về cung cấp khí đốt tự nhiên qua đường ống và thứ tư về khí đốt hóa lỏng (LNG) cho Trung Quốc. Tính đến ngày 1-12-2022, khoảng 13,8 tỷ m3 khí đốt đã được bơm cho Trung Quốc theo đường ống phía Đông và riêng tháng 12-2022, khối lượng cung cấp khi đốt cho Trung Quốc đã vượt 18% so với hợp đồng. Từ tháng 1 đến tháng 11-2022, kim ngạch trao đổi thương mại trong phạm vi này tăng 36%. Hợp tác quân sự cũng chiếm một vị trí quan trọng - trong năm 2022, hai bên đã tổ chức hai cuộc tập trận “Vostok-2022” và “Joint Sea 2022”.

Tin cùng chuyên mục