Buýt - ngày càng kém “sắc”!

Buýt - ngày càng kém “sắc”!

Theo kế hoạch của UBND TPHCM giao, năm 2015, vận tải hành khách công cộng phải đáp ứng được 15% và đến năm 2020 đáp ứng được 30% nhu cầu đi lại của người dân. Tức là trong năm 2015 phải đạt tương ứng 600 triệu lượt hành khách và đây là nhiệm vụ của Trung tâm vận tải hành khách công cộng. Tuy nhiên, chỉ tiêu này khó có thể hoàn thành.

Buýt - ngày càng kém “sắc”! ảnh 1

6 tháng đầu năm 2015, khối lượng vận tải hành khách công cộng tại TP chỉ khoảng 270 triệu lượt khách. Ảnh: THANH TÂM

Theo thống kê của Sở GTVT, trong 6 tháng đầu năm 2015, tổng khối lượng vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố mới đạt khoảng 270 triệu lượt hành khách, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, xe buýt đạt 153 triệu lượt hành khách, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2014. Xe buýt có trợ giá phổ thông thực hiện trong 6 tháng đầu năm đạt gần 3,1 triệu chuyến, bình quân hơn 17 chuyến/ngày, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái hơn 2 chuyến/ngày (giảm 0,1%); bình quân gần 40 hành khách/chuyến, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2014. Như vậy, mục tiêu thu hút khoảng 600 triệu lượt hành khách sử dụng loại hình vận tải hành khách công cộng (chiếm 15% nhu cầu đi lại) trong năm nay của thành phố coi như “thất bại”, bởi theo Sở GTVT, dù phấn đấu hết khả năng, đến cuối năm cũng chỉ đạt khoảng 10%.

Câu hỏi đặt ra, vì sao hành khách ngày càng quay lưng với xe buýt? Lý giải về tình trạng này, ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho rằng trong những tháng đầu năm, có nhiều ngày nghỉ vào các dịp lễ, tết so với các năm trước, người dân đi du lịch và về quê tăng cao, nên số lượng hành khách sử dụng xe buýt giảm. Số tuyến xe buýt giảm 7 tuyến và chỉ còn 107 tuyến. Học sinh sử dụng dịch vụ đưa rước chỉ có 171 trường, giảm 70 trường so với năm học 2014. Dịch vụ xe buýt đưa đón công nhân còn 23 nhà máy, xí nghiệp, giảm 5 đơn vị so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, việc phân luồng giao thông đường hai chiều thành một chiều, ngăn đường thi công các dự án hạ tầng cũng ảnh hưởng đến sản lượng hành khách. Điều này khiến thời gian qua, Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng phải chủ động điều chỉnh, ngưng hoạt động một số tuyến xe buýt theo quy hoạch, làm giảm lượng hành khách…

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nguyên nhân chính là do chất lượng phục vụ kém, trên xe mất an ninh trật tự, khiến hành khách không mặn mà với xe buýt. Kết quả khảo sát hơn 7.000 ý kiến của hành khách đi xe buýt của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho thấy, có hơn 8,5% cho rằng lái xe, nhân viên phục vụ có thái độ phân biệt đối xử với hành khách; gần 24% xe bỏ trạm không đón khách; gần 20% nhà xe văn hóa ứng xử kém... Ngoài ra, theo đánh giá của Phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở GTVT): 14,5% chất lượng xe chưa đạt yêu cầu; 10,1% thiếu an toàn khi đi xe; phóng nhanh vượt ẩu, dừng đậu không đúng trạm… Trong khi đó, kinh phí trợ giá xe buýt năm 2015 hơn 1.000 tỷ đồng. Cả ngàn tỷ đồng ngân sách thành phố đổ vào vận tải hành khách công cộng, liệu ngành GTVT đã thực sự đầu tư hiệu quả? Các doanh nghiệp vận tải đã thực sự chú trọng đầu tư vào dịch vụ chưa? Sự phối hợp giữa ban, ngành liên quan đã phát huy tốt hay không? Đây là hàng loạt vấn đề mà dư luận đang cần làm rõ.

Rõ ràng, nói về nguyên nhân sụt giảm hành khách trên các tuyến buýt hiện nay, không thể không đề cập đến thái độ phục vụ của lái xe và nhân viên. Loại hình vận tải hành khách công cộng cần được nâng cao đạo đức, cái tâm của đội ngũ phục vụ. Nếu không tạo sự thay đổi trong các khâu này thì rất khó để thu hút “Nào! Chúng ta cùng buýt!”.

QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục