1- Mẹ, người mang nặng đẻ đau từ ngàn xưa đã là nguồn cảm hứng bao la của những người cầm viết. Đã có biết bao tác phẩm viết về mẹ thành công, lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Những người cầm viết chuyên nghiệp, đã đành. Trong phạm vi bài báo nhỏ, người viết bài này muốn đề cập đến một lát cắt khác của cuộc sống. Thơ viết về mẹ của những người lao động bình thường hưởng ứng một cuộc thi thơ nhân dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10. Thơ của họ không hẳn là thơ mà chính là tiếng lòng đối với bà mẹ sinh thành, mang nặng đẻ đau của mỗi con người và cả bà Mẹ Tổ quốc Việt Nam mến yêu của tất cả con dân nước Việt.
2- Với tư cách người tham gia ban giám khảo cuộc thi, tôi đã cố gắng cao nhất để làm công việc đãi cát tìm vàng. Đọc, suy ngẫm trong hàng chục bài thơ vào vòng chung khảo để chọn cho được những tác phẩm tiêu biểu trao giải là một công việc cực kỳ khó khăn. Song tôi thực sự hứng thú và bất ngờ. Những người lao động bình thường ở một đơn vị làm công tác văn hóa nghệ thuật lại giàu cảm xúc về mẹ đến thế. Mẹ ru khúc hát ngày xưa/Qua bao nắng sớm, chiều mưa vẫn còn… và Chiều đông kín gió heo may/Tìm đâu cho thấy tháng ngày ầu ơ. (Ca dao và Mẹ - Thanh Thủy, Công ty Xuất nhập khẩu - Phát triển văn hóa). Khúc ru của mẹ cùng những gian nan sớm nắng, chiều mưa… là hình ảnh không bao giờ phai mờ trong mỗi đứa con, dù đứa con ấy nay đã trưởng thành, đã thành cha, thành mẹ. Đến bao giờ có thể tìm thấy những ngày tháng kỷ niệm ầu ơ ấy.
Tác giả Liên Mai ở Trường Cao đẳng Múa có cảm nhận khác: Vết chai sần trên vai gầy của mẹ/Giấc ngủ êm cho con cháu tựa đầu (Đời Mẹ). Bằng thể thơ lục bát nhuần nhuyễn, Nguyễn Thị Thái Hằng, Đại học Mỹ thuật TPHCM, hồi ức về mẹ: Gió đưa cây cải về trời/Mẹ nuôi con lớn bằng lời ca dao/Còn trong ký ức năm nào/Thân cò gầy guộc hanh hao chợ chiều. (Mẹ). Rõ ràng, hai tác giả ở hai đơn vị khác nhau lại có chung cảm nhận về mẹ. Ca dao và Mẹ là như thế đấy. Mẹ gắn liền với ca dao. Ca dao và Mẹ là một vậy.
Bây giờ đến lượt mình làm mẹ. Bao nhiêu công việc và hứng thú đến với bà mẹ trẻ. Nhưng con vẫn là tất cả. Thiên chức làm mẹ cuốn hút họ. Bỏ lại đằng sau/Những quán café gọi mời cuối phố/Mẹ đi về phía tiếng cười/Long lanh mắt con, chiều ngóng đợi/ (Thơ viết cho con gái - Phạm Thị Nguyệt Sương, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ và dịch vụ VH-TT-DL). Trong dòng chảy của lịch sử, dường như thời nào cũng vậy, tình mẫu tử vẫn là thiêng liêng, sâu sắc nhất.
Không chỉ viết về bà mẹ đã mang nặng, đẻ đau, nuôi dưỡng, dạy dỗ mình, nhiều bài thơ còn đề cập đến bà Mẹ Tổ quốc Việt Nam với tình cảm và trách nhiệm cao cả. Ngoài khơi xa, đêm nay con có ngủ/Đảo tiền tiêu gió lạnh tràn về/Mẹ muốn gửi cho con tô phở/Và, câu dân ca con vẫn thích nghe. Chỉ có mẹ mới hiểu con như thế. Nhưng vì Mẹ Tổ quốc, vì sự bình yên của mỗi mái nhà, mẹ vẫn gửi con ra Trường Sa, cùng đồng đội giữ yên lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.
3- Đất nước ta đang bước vào thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Bên cạnh những thành tựu là cơ bản, có biết bao hệ lụy làm thay đổi các giá trị đạo đức xã hội. Tình mẫu tử, nghĩa thầy trò có còn như xưa, như những câu thơ lục bát, những lời ru ầu ơ của mẹ? Cuộc thi thơ do Công đoàn khối Bộ VH-TT-DL tổ chức, không nhằm mục đích phát hiện cây viết mới mà cái chính góp phần hun lên ngọn lửa bảo vệ những giá trị đạo đức, nét đẹp văn hóa của người Việt Nam ta.
Ca dao và Mẹ - một đóa hoa nhuận sắc kính dâng Mẹ.
Trần Bảo Trân
Đêm 18-10-2012