Cà Mau tập trung phát triển đô thị động lực

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, xác định một trong các đột phá chiến lượt là tập trung đầu tư phát triển rõ nét các đô thị động lực: TP Cà Mau, Sông Đốc, Năm Căn. Khi “tam giác” đô thị động lực này phát triển sẽ là hạt nhân lan tỏa, thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh Cà Mau phát triển.

Đô thị Năm Căn- một trong 3 đô thị động lực của tỉnh Cà Mau
Đô thị Năm Căn- một trong 3 đô thị động lực của tỉnh Cà Mau
Nhiều khởi sắc

Thị trấn Năm Căn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện Năm Căn, nằm phía Nam tỉnh Cà Mau. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định, đô thị Năm Căn là một một trong 3 đô thị động lực của tỉnh Cà Mau.

Theo ghi nhận của chúng tôi, quá trình đô thị hóa của thị trấn Năm Căn những năm gần đây diễn ra khá nhanh, kếu cấu hạ tầng giao thông có bước phát triển, diện mạo đô thị nhiều có khởi sắc. Huyện Năm Căn đã từng bước phát triển cụ thể công tác lập quy hoạch đô thị, quy hoạch phân khu trên địa bàn huyện; tranh thủ nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông phù hợp theo quy hoạch.

Đến nay, đường Hồ Chí Minh đi xuyên qua trung tâm đô thị Năm Căn theo hướng Bắc – Nam đã xây dựng hoàn thành. Đặc biệt, hạ tầng kỹ thuật Khu kinh tế Năm Căn đã được đầu tư xây dựng (đường trục chính Khu kinh tế, đường trục chính Bắc – Nam Khu kinh tế) tạo điều kiện thuận lợi để địa phương mời gọi đầu tư, phát triển các công trình hạ tầng khác trong thời gian tới.

Theo quyết định số 2456/QĐ-TTg ngày 17-12-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Năm Căn đến năm 2030, xác định đô thị Năm Căn là đô thị loại III; trung tâm dịch vụ du lịch sinh thái rừng ngập mặn; trung tâm thương mại dịch vụ phía Nam tỉnh Cà Mau. Là đầu mối giao thông của các trục hành lang kinh tế đô thị quan trọng của vùng ĐBSCL. Có vị trí chiến lược an ninh quốc phòng quan trọng của vùng ĐBSCL và quốc gia.

Tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua thị trấn Năm Căn

Ông Trần Đoàn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Năm Căn cho biết, đang tập trung xây dựng và hoàn thành các tiêu chuẩn để được công nhận thị xã Năm Căn, phấn đấu đến năm 2024 trở thành đô thị loại III (nhân kỷ niệm 20 năm tái lập huyện).

Để đạt được mục tiêu đề ra, Huyện ủy, UBND huyện tập trung vào các giải pháp quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị; trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện đến năm 2020 định hướng đến năm 2030, tiến hành điều chỉnh hoàn thành quy hoạch chung về không gian đô thị, quy hoạch khu hành chính thị xã, các phường và trung tâm hành chính các xã...

Bên cạnh đó, huy động có hiệu quả các nguồn lực, tập trung đầu tư phát triển Năm Căn. Trước hết,  phải phát huy tối đa nội lực với phương châm “Nhà nước và nhân dân, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn cùng lo, cùng làm”; tranh thủ các nguồn vốn đầu tư của Trung ương, của tỉnh và các doanh nghiệp đầu tư phát triển. Tích cực hợp tác liên kết với các đơn vị, trước hết các huyện trong tỉnh, các địa phương trong vùng và các đô thị lớn.

Cũng theo ông Trần Đoàn Hùng, trong điều kiện nguồn lực của huyện Năm Căn còn hạn chế, công tác lập quy hoạch trên địa bàn huyện chưa được phủ kín, việc đầu tư phát triển giữa các khu đô thị chưa đồng bộ… Vì thế, huyện Năm Căn rất cần sự hỗ trợ về nguồn vốn của tỉnh để thực hiện công tác lập quy hoạch và đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng của địa phương.

Đô thị động lực ven biển Tây

Cửa biển Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) rất nhộn nhịp và có quy mô đánh bắt lớn của ĐBSCL. Với tiềm năng lợi thế đó, nơi đây có tốc độ đô thị hóa khá cao.

Cửa biển Sông Đốc - là một trong cửa biển nhộn nhịp nhất ĐBSCL

Hiện nhiều dự án trọng điểm đã và đang triển khai thực hiện, có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy đô thị Sông Đốc phát triển.

Cụ thể, tuyến đường bờ Nam Sông Đốc được đầu tư mới với chiều dài hơn 23 km kết nổi đến Quốc lộ 1A đã đưa vào khai thác; tuyến đường Sông Đốc- Rạch Ráng được duy tu nâng cấp. Đặc biệt, dự án cầu bắt ngang Sông Đốc đang triển khai thực hiện. Đây là dự án rất quan trọng để đô thị Sông Đốc phát triển mạnh trong thời gian tới.

Ngoài ra, tại Sông Đốc đã và đang hình thành khu công nghiệp bờ Bắc với quy mô tương đương 50 ha (khu vực này hiện trạng khoảng 12 ha, các nhà máy đã đi vào hoạt động) và bờ Nam cũng đang thực hiện các thủ tục cần thiết dể đầu tư hạ tầng khu công nghiệp. Cùng với nhiều công trình, dựa án khác đang triển khai, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương trên các lĩnh vực.

Ông Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời cho biết, UBND tỉnh Cà Mau đã giao cho Sở Xây dựng chủ trì rà soát lập điều chỉnh quy hoạch Sông Đốc nhằm đánh giá các bất cập của thị trấn Sông Đốc trong định hướng phát triển trong tương lai và đề ra giải pháp kiến trúc không gian đô thị phù hợp thực tế với một đô thị ven biển, với mong muốn giúp Sông Đốc phát triển, trở thành đô thị ven biển phát triển bền vững, đúng quy hoạch là vai trò đô thị động lực của tỉnh Cà Mau.

Cũng theo ông Trần Tấn Công, huyện tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh mời gọi đầu tư về thương mại, dịch vụ, công trình công cộng, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh… sớm đưa Sông Đốc hoàn thiện các tiêu chí và trở thành thị xã trong thời gian không xa.

Cà Mau tập trung phát triển đô thị động lực ảnh 3 Một góc TP Cà Mau về đêm. Ảnh: TẠ HOÀNG NGUYÊN

Phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại I: TP Cà Mau là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, thương mại và dịch vụ tổng hợp của tỉnh Cà Mau và cũng được xác định là đô thị hạt nhân vùng đô thị Tây Nam. Theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI, phấn đấu đến năm 2025, TP Cà Mau đạt tiêu chí đô thị loại I.

Trong thời gian tới, TP Cà Mau tập trung đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông, trường học, các khu đô thị mới; phát triển nguồn nhân lực, xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng thành phố thông minh; chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng ven, trọng tâm là nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và khắc phục ô nhiễm môi trường các dòng sông; đầu tư phát triển “kinh tế đêm” gắn với sản phẩm du lịch trên sông trong lòng thành phố.

Tin cùng chuyên mục