Cả nước thi đua xây dựng nông thôn mới

Bài 1: Làng quê đổi mới
Cả nước thi đua xây dựng nông thôn mới

Bài 1: Làng quê đổi mới

Từ những xã thuần nông nghèo được Ban Bí thư chọn vào danh sách 11 xã điểm để xây dựng nông thôn mới, chỉ sau 2 năm, các xã Hải Đường (Hải Hậu, Nam Định), Thụy Hương (Chương Mỹ, Hà Nội), Tân Thịnh (Lạng Giang, Bắc Giang)... đã có một diện mạo hoàn toàn mới.

Đường làng xã Hải Đường hình thành từ nguồn vốn của chương trình nông thôn mới. Ảnh: Văn Phúc

Đường làng xã Hải Đường hình thành từ nguồn vốn của chương trình nông thôn mới. Ảnh: Văn Phúc

 
  • Làng đẹp như mơ

Mặc dù là xã nằm ở vùng sâu vùng xa của huyện Hải Hậu, cách Hà Nội đến 150km, nhưng có lẽ ai khi về tới Hải Đường cũng phải công nhận rằng đẹp thật! Không chỉ riêng xã Hải Đường mà cả huyện Hải Hậu, ở đâu cũng có những con đường làng trải nhựa sạch sẽ, đẹp như mơ.

Ông Nguyễn Văn Tuần, Chủ tịch UBND xã Hải Đường cho biết, bộ mặt nông thôn ở xã Hải Đường cũng như cả huyện Hải Hậu bắt đầu thay đổi rõ rệt từ khi cả làng, cả xã góp sức làm đường giao thông nông thôn. Có đường trải nhựa và đường bê tông, bộ mặt xóm làng đẹp đẽ hẳn lên.

Nằm cách thủ đô Hà Nội khoảng 20km, xã Thụy Hương (Chương Mỹ, Hà Nội) cũng đã được Ban Bí thư chọn vào mô hình xây dựng nông thôn mới. Hiện tại, Thụy Hương đã cơ bản xây dựng xong các hạng mục hạ tầng trong tiêu chí nông thôn mới. Bên những con đường trải nhựa, rợp bóng cây xanh là những ngôi nhà được quy hoạch lại ngăn nắp, vuông vắn. Đến nay, Hải Đường, Thụy Hương là những xã đầu tiên trong cả nước đã hoàn thành mô hình xây dựng nông thôn mới.

Đường giao thông nông thôn đang được hoàn thành ở huyện Hải Hậu (Nam Định). Ảnh: Văn Phúc

Đường giao thông nông thôn đang được hoàn thành ở huyện Hải Hậu (Nam Định). Ảnh: Văn Phúc

Có những xã như Thanh Tân thuộc huyện Kiến Xương (Thái Bình) mặc dù không thuộc danh sách 11 xã điểm của Trung ương, nhưng từ ban đầu đã được UBND tỉnh Thái Bình chọn làm xã điểm của tỉnh để xây dựng nông thôn mới.

  • Làng quê kiểu mới, cách làm ăn mới

Ông Nguyễn Văn Tuần, Chủ tịch UBND xã Hải Đường, nói rằng lợi ích của phong trào nông thôn mới chính là làm thay đổi hẳn cách nghĩ, cách làm ăn của bà con. Từ thói quen chỉ trông chờ vào hạt lúa, từ khi có phong trào nông thôn mới người dân Hải Đường như bật hẳn dậy, thay đổi ngay cách tư duy làm giàu. Cả làng, cả xã đua nhau chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Người thì mở xưởng mộc, đồ gỗ mỹ nghệ, hộ thì mở cơ sở may, thêu ren, thảm cói.

Chị Nguyễn Thị Hồng, 39 tuổi, chủ một cơ sở may ở xóm 22, đang tạo việc làm cho gần 20 chị em cùng xóm, chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi chỉ biết làm ruộng nhưng bây giờ cả xã đều cùng đua nhau làm ăn nên chúng tôi cũng mạnh dạn mở cơ sở may. Bà con, ai cũng vui vẻ, say mê công việc”.

Chị Hồng kể, từ khi phát động mô hình xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, người dân Hải Đường làm ăn sôi động hẳn lên. Sẵn đường giao thông đẹp, nhiều gia đình đã bỏ hàng trăm triệu đồng mua sắm xe khách phục vụ bà con đi lại, buôn bán. Mỗi ngày, riêng xã Hải Đường có khoảng 8 chiếc xe khách chạy đi các tỉnh, trong đó chủ yếu chạy lên Hà Nội, một chuyến chạy lên Quảng Ninh, một chuyến chạy vô Sài Gòn. Có xe, hàng hóa mua bán, chở đi chở về cũng tiện.

Nhiều hộ gia đình ở xã Hải Đường (Nam Định) chuyển dịch từ trồng lúa sang thanh long để nâng cao thu nhập. Ảnh: Văn Phúc

Nhiều hộ gia đình ở xã Hải Đường (Nam Định) chuyển dịch từ trồng lúa sang thanh long để nâng cao thu nhập. Ảnh: Văn Phúc

Nhiều hộ dân chuyển từ trồng lúa sang cây cảnh để nâng cao thu nhập. Ảnh: Văn Phúc

Nhiều hộ dân chuyển từ trồng lúa sang cây cảnh để nâng cao thu nhập. Ảnh: Văn Phúc

Ông chủ tịch xã nói thêm: “Ngay cả những người đam mê đồng ruộng cũng không chịu cảnh nông nhàn như trước nữa”. Hiện nay, Hải Đường đang có hàng trăm hộ gia đình cùng chuyển sang trồng cây cảnh xuất khẩu. Hộ trồng ít cũng có dăm chục chậu bonsai đặt quanh vườn. Nhiều hộ gia đình đã chuyển cả ruộng trồng lúa sang trồng cây cảnh. Nhiều người hiện xây dựng được cả trang trại cây cảnh. Bên dưới đào ao thả cá, bên trên trồng sanh, si và cau. “Cách đây 2 - 3 tháng, có những hộ gia đình nhờ bán cây cảnh mà bỗng chốc thành tỷ phú. Có hộ thu 2 - 3 tỷ đồng” - ông Tuần nói.

Chính quyền xã cũng thay đổi tư duy cùng bà con. Để tạo công ăn việc làm cho lớp trẻ, xã mời gọi một doanh nghiệp về đầu tư xây dựng một nhà máy may công nghiệp trị giá 23 tỷ đồng, đặt ngay ở trung tâm xã, mở lớp dạy nghề cho hàng trăm người và hiện đang tạo việc làm cho hơn 400 công nhân, đều là con em trong xã. Nhờ thế, bộ mặt làng quê Hải Đường, Hải Hậu cứ thay da đổi thịt từng ngày một. Có về Hải Đường mới hiểu vì sao phải xây dựng nông thôn mới.

Còn theo Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu Nguyễn Văn Tìm, sau mô hình Hải Đường, hiện huyện đang nhân rộng ra các xã. Rất nhiều xã như Hải Minh, Hải Phương, Hải Phú, Hải Châu... đều đang thi đua làm đường giao thông nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế để giúp bà con làm giàu, xây dựng bộ mặt làng quê ngày càng khang trang, hiện đại, đạt các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, ngân sách nhà nước đã đầu tư cho xã Hải Đường hơn 20 tỷ đồng để triển khai mô hình nông thôn mới. Có tiền, UBND xã họp cùng bà con, quyết định đầu tư xây mới 2 trường mầm non, 1 trường tiểu học, tu sửa lại trường trung học cơ sở và xây mới trạm y tế xã cao 2 tầng, gồm 14 phòng. Riêng các công trình ở thôn như nhà văn hóa, đường thôn ngõ xóm thì xã giao cho các thôn họp cùng bà con, bàn bạc mức tiền đóng góp để cùng đầu tư, tu sửa lại cho ngăn nắp. Hiện cả 26 xóm trong xã đều có nhà văn hóa. Ban đêm, bà con ra nhà văn hóa sinh hoạt văn nghệ, họp hành chứ không đóng cửa im ỉm như nhiều nơi khác.

Phúc Hậu


Bài 2: Ưu tiên quy hoạch đất đai

Ban chỉ đạo Trung ương về chương trình xây dựng nông thôn mới cho biết, sau khi triển khai thí điểm nông thôn mới tại 11 xã, hiện đề án đã bắt đầu được triển khai rộng ra cả nước. Nhiều nơi làm rất thành công, mang lại một bộ mặt nông thôn mới. Tuy vậy, vẫn có nơi gặp khó khăn, bỡ ngỡ...

  • Còn lúng túng

Hiện nay, nhiều xã được chọn để xây dựng nông thôn mới sau khi nhận vốn hỗ trợ từ ngân sách và nguồn huy động của bà con đều gặp khó khăn trước câu hỏi chung là nên đầu tư vào đâu, làm sao phát huy hiệu quả? Chẳng hạn tại xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ, theo đề án xây dựng nông thôn mới mà UBND TP Hà Nội đã duyệt thì tổng số vốn sẽ rót cho xã lên tới 106 tỷ đồng, trong đó từ ngân sách hơn 70 tỷ đồng, huy động từ doanh nghiệp hơn 16 tỷ đồng và dân đóng góp hơn 14 tỷ đồng...

Mặc dù ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, cho biết, số tiền sẽ được chi cho các khâu như làm điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa và các dự án rau an toàn, cây ăn quả, trồng hoa... Thế nhưng hiện tại, ở xã Thụy Hương mới chỉ dừng lại ở xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, chưa có dự án sản xuất cụ thể để giúp bà con nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
 
Theo Ban chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới của Hà Nội, thời gian qua, cùng với triển khai mô hình tại xã Thụy Hương, thủ đô Hà Nội cũng đã triển khai tại 18 xã nông thôn khác. Nhìn chung, tới nay các xã đều thay đổi hẳn diện mạo làng quê, người dân nhiệt tình, hồ hởi tham gia. Song khó khăn chung của các mô hình vẫn chưa giúp dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập.

Ngay cả mô hình xã nông thôn mới Hải Đường (Hải Hậu, Nam Định), Thanh Tân (Kiến Xương, Thái Bình)... người dân cũng như chính quyền cũng đang bỡ ngỡ trước câu hỏi làm sao chuyển dịch cơ cấu lao động, giúp dân khá lên. Ông Nguyễn Văn Tuần, Chủ tịch xã Hải Đường cho biết, hiện nay cây lúa vẫn là chủ đạo. Vừa qua, bà con đã chuyển dịch một phần sang trồng dưa chuột, bí xanh, ớt để nâng cao thu nhập song giá trị cũng không cao vì ít nơi tiêu thụ.
 
Để mở đường cho các xã nông thôn mới, TS Nguyễn Trí Hoàn, Viện trưởng Viện Cây lương thực và cây thực phẩm, cho rằng bên cạnh xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa, tạo công ăn việc làm cho nông dân ở các làng nông thôn mới thì có thể dành một phần tiền vốn để quy hoạch và xây dựng các khu công nghiệp chế biến nông sản”.

Hướng dẫn bà con huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) trồng nấm rơm, cải thiện thu nhập.

Hướng dẫn bà con huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) trồng nấm rơm, cải thiện thu nhập.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cũng nhận định, đầu tư cho nông thôn mới không chỉ dừng lại ở các công trình cơ sở hạ tầng mà phải đầu tư đồng bộ cho cả hoạt động sản xuất, làm ăn của bà con. Các xã nông thôn mới cần cơ cấu lại cây trồng, mùa vụ, để bà con làm ra những loại nông sản có giá trị cao, mục tiêu cuối cùng của xây dựng nông thôn mới là giúp bà con cải thiện thu nhập, có đời sống tinh thần cao.
 

  • Tháo gỡ khó khăn

Sau hơn 1 năm triển khai thí điểm tại 11 xã, Thủ tướng Chính phủ vừa phát động phong trào xây dựng nông thôn mới trên cả nước. Theo đó, mục tiêu đến năm 2015, cả nước có 20% số xã và năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh các xã thí điểm do Trung ương chọn, trong thời gian qua, các địa phương trong cả nước cũng đã tự chọn các xã để triển khai điểm về nông thôn mới. Bắt đầu từ năm 2011, phong trào xây dựng nông thôn mới sẽ được triển khai tại gần 10.000 xã trong cả nước.
 
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về xây dựng nông thôn mới, khó khăn hiện nay ở nhiều địa phương vẫn là nhận thức của người dân khi tham gia xây dựng nông thôn mới và cách  triển khai của các chính quyền cơ sở. Để tháo gỡ khó khăn, mới đây liên Bộ NN-PTNT, Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính đã ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Quyết định 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nội dung xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc (Bộ Xây dựng), hiện vẫn tồn tại 3 thông tư hướng dẫn chồng chéo nhau của Bộ NN-PTNT, Bộ Xây dựng và Bộ TN-MT về quy hoạch đất đai, quy hoạch xây dựng và quy hoạch khu sản xuất nên các xã đều vướng mắc về tiêu chí quy hoạch. Do đó, Bộ NN-PTNT đã được giao soạn thảo một thông tư chung để thống nhất cách triển khai và sẽ ban hành trong thời gian tới.

Sắp tới, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của các xã nông thôn mới là phải hoàn thiện quy hoạch đất đai. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng, nhiều địa phương vẫn còn thụ động, lúng túng trong khâu quy hoạch, đề nghị tới cuối năm 2011, các xã được chọn xây dựng nông thôn mới phải hoàn thiện xong quy hoạch cả về cơ sở hạ tầng cũng như khu vực sản xuất, có quy hoạch tốt mới đạt được tiêu chí nông thôn mới.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương, đến nay đã có 92% xã đang triển khai công tác quy hoạch, 461 xã hoàn thành quy hoạch chi tiết, trong đó các tỉnh Thái Bình, An Giang, Phú Thọ đã xong cơ bản quy hoạch chung cho các xã trên địa bàn.

Trong năm 2011, tổng nhu cầu nguồn vốn của các địa phương để xây dựng nông thôn mới khoảng 31.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương trong năm nay chỉ 1.600 tỷ đồng (khoảng 5% so với nhu cầu).
 
Một số địa phương tự đầu tư vốn và huy động sức đóng góp của người dân, doanh nghiệp với tổng cộng hơn 5.664 tỷ đồng cho chương trình như: Hà Nội 1.870 tỷ đồng, Vĩnh Phúc 1.013 tỷ đồng, TPHCM 903 tỷ đồng... 

PHÚC HẬU 

Tin cùng chuyên mục