Kỷ niệm 66 năm cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9

Các hoạt động văn hóa văn nghệ tại TPHCM: Phong phú và ý nghĩa

Tại TPHCM nhiều chương trình, hoạt động văn hóa văn nghệ diễn ra sôi nổi. Những ngày này, đi trên các tuyến đường rực rỡ cờ hoa, lòng người cũng dâng lên cảm xúc hân hoan, phấn khởi.

Tại TPHCM nhiều chương trình, hoạt động văn hóa văn nghệ diễn ra sôi nổi. Những ngày này, đi trên các tuyến đường rực rỡ cờ hoa, lòng người cũng dâng lên cảm xúc hân hoan, phấn khởi.

  • Hoạt động ngoài trời phong phú

Dịp lễ 2-9 năm nay, các khu vui chơi giải trí, công viên văn hóa đều có nhiều hoạt động hấp dẫn, thu hút khách tham quan từ khắp nơi. Khu Du lịch văn hóa Suối Tiên có nhiều chương trình vui nhộn, hấp dẫn như: Dũng sĩ săn kình ngư tại Lạc Cảnh Hồ, Biển Tiên Đồng - Ngọc Nữ; show biểu diễn quốc tế cá heo và sư tử biển; show biểu diễn “Bách quả tứ quý thần tiên hội”, biểu diễn ca nhạc dân tộc, truyền thống… Từ 2 đến 4-9, Công viên văn hóa Đầm Sen tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, vui chơi giải trí như: bắn pháo hoa nghệ thuật tạo hình tại cầu Cửu Khúc vào lúc 21 giờ; chương trình ca múa nhạc “Ngày hội non sông”…

Tối 2-9, tại Công viên 23-9, Ban Tổ chức những ngày lễ lớn tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc biệt chủ đề “Việt Nam chân trời rộng mở” với sự tham gia của Trung tâm Ca nhạc nhẹ TPHCM, Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM và Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen. Khán giả sẽ được nghe các ca khúc truyền thống cách mạng nổi tiếng như: Bài ca hy vọng, Thành phố tình yêu và nỗi nhớ, Cùng nhau đi hồng binh, Giai điệu Tổ quốc…

Sáng 1-9, Trung tâm Triển lãm TPHCM phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử TPHCM, Tạp chí Xưa và Nay khai mạc triển lãm “Tự hào Việt Nam 66 năm độc lập tự chủ và phát triển” tại Công viên Lam Sơn. Triển lãm giới thiệu 100 ảnh tư liệu lịch sử sau Cách mạng Tháng Tám cùng hình ảnh về những thành tựu phát triển của TPHCM và cả nước. Tại Công viên Chi Lăng, Trung tâm Thông tin Triển lãm cũng trưng bày 80 bức ảnh chủ đề “TPHCM phát triển và hội nhập”.

Dọc tuyến đường Đồng Khởi (quận 1), 60 ảnh nghệ thuật khổ lớn chủ đề “Hương sắc Việt Nam” được trưng bày đẹp mắt để giới thiệu đến đông đảo công chúng và du khách quốc tế những hình ảnh đẹp về quê hương, đất nước và con người Việt Nam. Bộ ảnh này sẽ được trưng bày đến hết tháng 9-2011.

  • Ấn tượng với các chương trình trong nhà

Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh ra mắt triển lãm chuyên đề “Âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên”. Phần lớn các bức ảnh chụp từ những năm 30 đến những năm 60 của thế kỷ XX được lưu trữ tại Pháp, là những bằng chứng vô giá về một di sản phi vật thể đại diện của nhân loại đang đứng trước nguy cơ mai một.

Ngày 2-9, tại Trung tâm Văn hóa Hùng Vương (số 1 Phan Ngọc Hiển, TP Cà Mau) trưng bày chuyên đề “Chất độc da cam trong chiến tranh xâm lược Việt Nam”. Đây cũng là hoạt động kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam/dioxin ở VN. Trước đó, trưng bày này đã ra mắt người dân và đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện biên giới A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế, thu hút hàng ngàn lượt người dân tham quan, tìm hiểu. Ngày 5-9, chuyên đề này tiếp tục đến với người dân tỉnh Bạc Liêu.

Tại Nhà hát Bến Thành TPHCM, chương trình nhạc kịch thiếu nhi Ngày xửa ngày xưa lần thứ 23 với vở “Những đứa con của rồng”, sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh diễn vở “Nửa đời ngơ ngác” và Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần công diễn phiên bản mới vở “Sống thử”. 

Trên HTV9 vào lúc 13 giờ từ ngày 31-8 đến 2-9 phát sóng bộ phim tài liệu dài 3 tập “Quốc kỳ Việt Nam” giới thiệu quá trình hình thành, ra đời và ý nghĩa của lá cờ đỏ sao vàng. Xuất hiện lần đầu tiên trong cuộc Tổng khởi nghĩa Nam kỳ (23-11-1940), sau đó, những ngày tháng 8-1945, trên toàn cõi Việt Nam lần đầu tiên bay rợp trời lá cờ đỏ sao vàng.

Người dân Việt Nam tự hào khi lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam có mặt trong các tổ chức quốc tế lớn như: Liên hiệp quốc, ASEAN, APEC… và có mặt tại nhiều sự kiện quốc tế quan trọng: anh hùng, Trung tướng Phạm Tuân là người đầu tiên mang Quốc kỳ Việt Nam lên vũ trụ vào năm 1980; năm 1997, cô gái Việt Nam Hoàng Thị Minh Hồng đã cắm lá cờ đỏ sao vàng trên vùng đất được gọi là tận cùng thế giới - Nam cực; năm 2008, VĐV Bùi Văn Ngợi là người cắm lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam tung bay trên “nóc nhà thế giới” - đỉnh Everest; đến năm 2009, tiến sĩ Lê Tuấn lại một lần nữa cắm lá cờ Việt Nam tại Nam cực và còn nhiều lần quốc kỳ Việt Nam được kéo lên trong các đấu trường thể thao quốc tế để vinh danh tên tuổi các VĐV Việt Nam.

NHÓM PV VHVN

Tin cùng chuyên mục