Các nước vùng Vịnh và Nga nỗ lực cho mối quan hệ đặc biệt

Theo kế hoạch, ngày 10-7, cuộc họp cấp bộ trưởng lần thứ 6 trong khuôn khổ đối thoại chiến lược giữa các nước vùng Vịnh và Nga sẽ được tổ chức tại Moscow (Nga).
Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) và Tổng thống Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (bìa phải) Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan bên lề Diễn đàn Kinh tế Quốc tế Saint Petersburg ngày 16-6. Ảnh : GETTY IMAGES
Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) và Tổng thống Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (bìa phải) Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan bên lề Diễn đàn Kinh tế Quốc tế Saint Petersburg ngày 16-6. Ảnh : GETTY IMAGES

Thương mại tăng đều

Trong những năm gần đây, Nga đóng vai trò ngày càng tích cực ở Trung Đông khi các quốc gia trong khu vực tiếp tục đa dạng hóa quan hệ của họ với các cường quốc bên ngoài. Arab News dẫn lời Tổng thư ký Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), ông Jassim Al-Budaiwi, đánh giá mối quan hệ giữa GCC và Nga là “đặc biệt”. Theo tuyên bố của Tổng thư ký Jassim Al-Budaiwi, nhiều chủ đề khác nhau sẽ được thảo luận tại sự kiện này nhằm tăng cường hợp tác và tạo cơ hội trao đổi quan điểm về một số vấn đề khu vực và quốc tế.

GCC đóng vai trò quan trọng trong các kế hoạch của Nga khi Moscow muốn bù đắp những thiệt hại kinh tế do các lệnh trừng phạt gây ra sau cuộc xung đột với Ukraine. Mặc dù giá trị thương mại của Nga với GCC có thể không lớn về quy mô nhưng ngày càng tăng và điều này rất cần thiết đối với Nga. Trong năm 2022, hơn 170 cuộc đàm phán và 146 sự kiện trình diễn và nếm thử thực phẩm đã được tổ chức. Ngày càng có nhiều công ty Nga quan tâm đến việc thâm nhập thị trường Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất và GCC.

Năm 2022, quan hệ thương mại giữa Nga và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất có bước đột phá đáng chú ý khi kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng gần 70%. Người tiêu dùng ở các quốc gia GCC đã có thể mua các sản phẩm được sản xuất tại Nga thông qua các nền tảng trực tuyến như Noon.ae, Amazon.ae, Prostor.ae...

Vai trò của GCC

Quan hệ với GCC là một phần trong chính sách ngoại giao của Moscow, vì GCC nằm trong chiến lược lớn hơn của Nga ở Trung Đông. Cuộc khủng hoảng Ukraine đã và đang tạo thêm sức ép buộc Nga phải củng cố mối quan hệ với các quốc gia thuộc GCC thông qua việc tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại, kỳ vọng có thể sẽ giúp bù đắp những thiệt hại kinh tế trong bối cảnh Nga đang đối mặt với các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Các nước GCC cũng có vai trò chính trị then chốt đối với sự ổn định và thịnh vượng của Trung Đông, do vậy Nga đánh giá rất cao mối quan hệ đối tác với các nước trong khu vực này. Cũng như OPEC+, có vẻ như một liên minh mới, GCC+, đang hình thành với sự tham gia tiềm năng của Nga. GCC đã kiểm soát một phần đáng kể trữ lượng dầu khí của thế giới, khiến tổ chức này có thể trở thành một bên tham gia quan trọng trong thị trường năng lượng toàn cầu. Sự xuất hiện của một khối GCC+ tiềm năng tạo ra cơ hội cho các bên tham gia khu vực và toàn cầu.

Theo trang TFIGlobal, những diễn biến gần đây liên quan đến Iran - Syria, Iran - Saudi Arabia và Saudi Arabia - Syria đã thu hút sự chú ý của thế giới. Khi GCC củng cố vị trí của mình như một người khổng lồ về kinh tế, một bản tango địa chính trị có thể định hình lại trò chơi quyền lực ở Trung Đông.

Tin cùng chuyên mục