Các sắc phong có nguồn gốc từ Việt Nam đã được xóa trên trang đấu giá Trung Quốc

Liên quan tới những sắc phong được cho là có nguồn gốc từ Việt Nam, Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT-DL cho biết hiện trên website của Công ty đấu giá Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn đã không còn những thông tin đấu giá các hiện vật sắc phong Việt Nam cho phiên đấu giá ngày 22-4-2023.
Các đạo sắc phong được cho là có nguồn gốc từ Việt Nam đã được rút khỏi trang đấu giá Trung Quốc
Các đạo sắc phong được cho là có nguồn gốc từ Việt Nam đã được rút khỏi trang đấu giá Trung Quốc

Liên quan đến thông tin về những sắc phong có nguồn gốc Việt Nam được rao đấu giá tại Trung Quốc, Bộ VH-TT-DL đã có công văn gửi Bộ Ngoại giao đề nghị phối hợp xem xét, giải quyết một số nội dung. Trong đó, Bộ VH-TT-DL đề nghị Bộ Ngoại giao chủ trì, làm việc với UNESCO và các tổ chức, cơ quan liên quan của Trung Quốc, thông qua đàm phán ngoại giao bằng việc thực hiện cam kết của các quốc gia thành viên tham gia Công ước UNESCO 1970 để hồi hương các sắc phong có nguồn gốc từ Việt Nam được nhập khẩu bất hợp pháp vào Trung Quốc.

Công văn của Bộ VH-TT-DL nêu, căn cứ thông tin đăng tải trên website của Công ty đấu giá Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn, trong hệ thống hiện vật đấu giá dự kiến sẽ đưa ra đấu giá ngày 22-4-2023 đưa thông tin về 12 đạo sắc phong, trong đó có 3 đạo sắc có khả năng thuộc nguồn gốc di tích đền Quốc Tế, tại xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ và 9 sắc phong của 4 địa phương: Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương. Đồng thời, vẫn còn nhiều hiện vật, sắc phong trong danh mục các hiện vật được đăng đấu giá (trong đó có 8 sắc phong chưa bán được của các tỉnh như Hà Nam, Nam Định…) có khả năng có nguồn gốc của Việt Nam, có liên quan đến các di tích, địa điểm liên quan tại nhiều địa phương khác nhau của Việt Nam.

Bộ VH-TT-DL nêu rõ, về trách nhiệm, việc quản lý các hiện vật, di vật, cổ vật… trong di tích, bảo tàng và các địa điểm liên quan thuộc trách nhiệm quản lý trực tiếp và quản lý nhà nước của các địa phương. Tuy nhiên, Việt Nam và Trung Quốc cùng là thành viên tham gia Công ước UNESCO 1970 về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hoá, trong đó các nước thành viên Công ước UNESCO 1970 có cùng cam kết.

Theo Cục Di sản văn hóa, cùng với những nỗ lực phối hợp của các cơ quan chức năng, hiện đang có nhiều tín hiệu tích cực trong việc hồi hương những hiện vật sắc phong. Phía các cơ quan, tổ chức liên quan của Trung Quốc cũng đã thể hiện thiện chí phối hợp tích cực với Việt Nam để giải quyết vấn đề này theo tinh thần thực hiện cam kết của các quốc gia thành viên tham gia Công ước UNESCO 1970.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, sau khi tìm hiểu thông tin từ Bộ VH-TT-DL và UBND tỉnh Phú Thọ, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải đã làm việc với các cơ quan chức năng liên quan của thành phố Thượng Hải đề nghị dừng cuộc đấu giá và cung cấp thông tin về các sắc phong. Ngày 19-4-2023, Đại diện Cục Văn hóa và Du lịch Thượng Hải thông báo đã yêu cầu tạm dừng việc đấu giá và sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam để xác minh thông tin.

Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Trung Quốc phối hợp chặt chẽ với Bộ VH-TT-DL và các cơ quan, địa phương liên quan để theo sát vụ việc và có các biện pháp hỗ trợ khi cần thiết.

Tin cùng chuyên mục