Cách giảm tắc nghẽn giao thông ở Jakarta

Để giải quyết tình trạng này, ông Joko Widodo đặt mục tiêu thúc đẩy các biện pháp nhằm giảm tắc nghẽn giao thông ở thủ đô bằng cách tích hợp tất cả các phương thức giao thông công cộng thay cho xe riêng.

Trong những năm gần đây, tắc nghẽn giao thông ở nội đô đã trở thành chuyện thường ngày ở Indonesia. Theo thống kê của Cơ quan Kế hoạch phát triển quốc gia Indonesia, trung bình mỗi năm nước này thiệt hại khoảng 4,6 tỷ USD vì tắc đường ở thủ đô Jakarta. Mỗi ngày có tới 9,9 triệu các loại ô tô, xe máy, xe tải và các phương tiện khác lưu thông ở thành phố này. Lưu lượng xe quá lớn dẫn đến nạn ùn tắc giao thông khá nghiêm trọng, có khi phải mất từ 2 đến 3 giờ để di chuyển quãng đường 40km trong phạm vi các khu vực xung quanh Jakarta.

Theo Tổng thống Indonesia Joko Widodo, đây là khoản thiệt hại lớn, nếu được phân bổ cho các dự án hạ tầng giao thông thì có thể tạo nguồn lực phát triển các phương thức vận tải thay thế trong nội đô và xung quanh Jakarta, nhất là hệ thống giao thông công cộng. Để giải quyết tình trạng này, ông Joko Widodo đặt mục tiêu thúc đẩy các biện pháp nhằm giảm tắc nghẽn giao thông ở thủ đô bằng cách tích hợp tất cả các phương thức giao thông công cộng thay cho xe riêng trong bối cảnh số lượng các phương tiện giao thông cá nhân đã phát triển vượt xa so với khả năng đáp ứng của đường sá. Tổng thống Joko Widodo cũng đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan tổng hợp ý kiến của các nhà hoạch định chính sách và sớm báo cáo chính phủ để triển khai. Động thái trên cho thấy Chính phủ Indonesia quyết tâm thực hiện nhiệm vụ cải thiện giao thông thủ đô và cũng là cách để ông Widodo thu hút thêm lá phiếu cử tri trong cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào tháng 4 tới.

Theo kế hoạch của Chính phủ Indonesia, trong những năm tới, Jakarta dự kiến xây thêm 13 tuyến đường mới. Vào năm 2019, 2 hệ thống tàu điện ngầm và đường sắt trên cao (LRT) đi vào hoạt động, được kỳ vọng sẽ góp phần làm giảm tắc nghẽn giao thông. Cơ quan giao thông vận tải các thành phố vệ tinh của thủ đô Jakarta (BPTJ) cho biết, tàu điện ngầm sẽ đóng vai trò là xương sống của giao thông vận tải, trong khi các hệ thống xe lửa, đường sắt trên cao và xe buýt Transjakarta đóng vai trò hỗ trợ. Cùng với đó, các phương thức vận chuyển cũ sẽ được điều chỉnh để tránh chồng chéo với các dịch vụ mới. Phương thức vận tải nhỏ hơn sẽ đóng vai trò giao thông công cộng đầu - cuối, kết nối khu dân cư với các nhà ga. BPTJ đang cố gắng đảm bảo tất cả các phương thức vận tải công cộng áp dụng cùng một hệ thống bán vé điện tử để thực hiện chính sách tích hợp.

Để có thể thay đổi được thói quen của người dân trong việc chuyển đổi sử dụng xe cá nhân sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng, chính quyền thành phố Jakarta cũng áp dụng các giải pháp cấm phương tiện cá nhân và áp dụng việc lưu thông biển số ô tô chẵn - lẻ ở một số tuyến đường nội đô. Tuy nhiên, giải pháp này cũng như việc áp dụng thu phí điện tử được cho là không thể áp dụng lâu dài, do đó, Jakarta có thể sẽ phải hạn chế việc người dân sử dụng phương tiện cá nhân như biện pháp mà Singapore đang làm hiện nay là hạn chế mỗi cá nhân không được đăng ký sở hữu quá 2 ô tô bằng việc áp mức thuế, phí cao. Jakarta cũng đang áp dụng mô hình điểm đón giao thông tại các khu dân cư và hy vọng đến năm 2029 mô hình này sẽ xuất hiện tại 60% khu dân cư trên thành phố từ mức 30% hiện tại.

Tin cùng chuyên mục