Thủ tướng Nga Vladimir Putin ngày 8-12 đã cáo buộc Mỹ kích động các cuộc biểu tình sau bầu cử Quốc hội Nga và cho rằng các nước phương Tây đã chi hàng trăm triệu USD để gây ảnh hưởng lên cuộc bầu cử này. Ông Putin thẳng thừng nêu đích danh Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khuyến khích những người biểu tình bằng cách chỉ trích kết quả cuộc bầu cử. “Bà ấy đã tạo đà cho các nhà hoạt động đối lập, cho họ một dấu hiệu, họ đã nhận được dấu hiệu này và bắt đầu xuống đường”.
Theo ông Putin, các nước phương Tây đang chi tiêu mạnh tay với ý định thay đổi chính trị tại Nga. “Đổ tiền vào tiến trình bầu cử là không thể chấp nhận. Hàng trăm triệu USD đang đổ vào công việc này. Chúng tôi cần phải bảo vệ chủ quyền, chống can thiệp từ nước ngoài”, ông Putin nói. Còn nhớ, những năm Tổng thống Boris Yeltsin còn cầm quyền, Mỹ cử hẳn một nhóm cố vấn sang Nga hỗ trợ đảng của ông Yeltsin giành chiến thắng vì lo ngại đảng Cộng sản trở lại cầm quyền. Nói như thế để thấy rằng, phương Tây không hề “vô tư” với các cuộc bầu cử tại Nga.
Các cáo buộc của Thủ tướng Nga có thể chỉ là một phần trong những khác biệt Nga-Mỹ mà nhiều nhà phân tích cho rằng đang gia tăng trong thời gian gần đây. Mỹ tiếp tục triển khai hệ thống lá chắn tên lửa tại Đông Âu, điều mà Nga cho rằng đe dọa trực tiếp tới an ninh Nga. Đáp lại, Nga cho triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ tại Kaliningrad, mở đầu là khai trương hệ thống radar hồi đầu tháng 12.
Nhìn lại những năm ông Putin còn là tổng thống trong giai đoạn 2000-2008, người ta cũng nhận thấy không ít sóng gió trong quan hệ Nga-Mỹ và cả phương Tây. Năm 2008, tại Hội nghị an ninh ở Munich, Đức, Tổng thống Putin lúc đó đã công khai gọi Mỹ là “độc quyền trong quan hệ chính trị toàn cầu”.
Trước đó, vào năm 2007, Nga tuyên bố rút khỏi Hiệp ước các lực lượng quy ước (CFT) giữa Nga với NATO vì NATO không phê chuẩn hiệp ước này. Cũng trong năm 2007, Tổng thống Nga tuyên bố nối lại các chuyến bay tuần tra đường dài của máy bay ném bom Nga vốn bị hoãn từ năm 1992. Khi còn là tổng thống, ông Putin cũng đã cực lực lên án cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ vào Iraq cũng như phản đối việc Kosovo độc lập khỏi Serbia.
Có thể thấy rằng, nội lực nước Nga mạnh lên rõ ràng suốt giai đoạn cầm quyền của Tổng thống Putin. Ông đã vực dậy nền kinh tế Nga, đưa GDP của Nga từ mức chưa đầy 1.000 tỷ USD năm 1998 lên gần 2.300 tỷ USD năm 2008. Điều đó lý giải vì sao ông luôn được đa số người dân Nga tín nhiệm. Chính nhờ nội lực mạnh nên tiếng nói của Nga trên trường quốc tế trở nên mạnh mẽ hơn.
Nhìn lại giai đoạn từ khi Liên Xô tan rã năm 1991 đến năm 1999, trước khi cố Tổng thống Boris Yeltsin trao quyền lại cho ông Putin vào đêm giao thừa năm 1999 sang năm 2000, nước Nga trở nên quá nhạt nhòa trong quan hệ quốc tế. Theo nhiều nhà phân tích, sau tuyên bố của Thủ tướng Nga Putin sẽ ra tranh cử tổng thống vào tháng 3-2012, phương Tây liên tục phát các tín hiệu không hài lòng.
Phải chăng là họ lo ngại một nước Nga cứng rắn hơn với phương Tây tái diễn trong thời gian tới nếu ông Putin trở lại ghế tổng thống? Phải chăng phương Tây không bao giờ muốn nước Nga mạnh? Và trên hết, theo các nhà phân tích, quan hệ Nga-phương Tây chưa thực sự thoát khỏi cái bóng quá lớn của thời kỳ chiến tranh lạnh.
Thụy Vũ