Cải cách hành chính ở quận 5,TPHCM: Hướng về cơ sở

ISO xuống phường
Cải cách hành chính ở quận 5,TPHCM: Hướng về cơ sở

100% hồ sơ giải quyết theo quy trình ISO đúng hẹn, tỷ lệ hài lòng của người dân đạt 98%. Đó là số liệu thống kê hàng tháng ở UBND quận 5 và các phường trong quận. Vì sao một địa bàn đặc thù, đông người Hoa, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh mà chính quyền quận 5 tạo được con số ấn tượng như thế?

ISO xuống phường

Cải cách hành chính ở quận 5,TPHCM: Hướng về cơ sở ảnh 1

Giải quyết ngay những hồ sơ của dân theo quy trình ISO tại phường 2, quận 5.

Giữa cái nắng oi bức, bác Nguyễn Văn Hữu bước vào phòng Tiếp nhận và giao trả hồ sơ của UBND quận 5. Hít một hơi dài, bác Hữu thong thả ngồi xuống ghế xem chương trình nhạc hòa tấu đang phát trên chiếc ti vi treo trên tường, trong lúc chờ cán bộ giải quyết hồ sơ (HS).

Bác chỉ vào bình nước lọc hỏi người bên cạnh hỏi: “Mình có được uống không?”. Cô gái mỉm cười với tay rót mời bác một ly và cho mình một ly. Bác cười, nhận xét: “Tiện nghi như ở nhà!”. Trong các phòng giải quyết hồ sơ, nhân viên tất bật làm việc theo quy trình ISO đã được áp dụng.

Một cán bộ cho biết, 18 đầu việc ở quận, HS đến đâu, do ai xử lý, thời hạn bao lâu đều “chạy” đúng quy trình. Lãnh đạo quận đã từng nhắc nhở khi cán bộ tập huấn ứng dụng ISO: Quy trình ISO là một “dây chuyền công nghiệp”, nếu một người chậm trễ không những làm phiền dân đi lại mà còn làm ảnh hưởng đến đồng nghiệp.

Ý thức được điều đó nên dù lượng HS từ đầu năm đến nay tăng đến chóng mặt, với hơn 5.000 HS về lĩnh vực đô thị-môi trường (800 HS xây dựng, 700 HS giao thông, 1.500 HS đăng ký giao dịch đảm bảo, 900 HS đăng bộ, 1.200 hồ sơ thẩm tra bản vẽ), hơn 2.500 HS đăng ký kinh doanh (1.000 HS đăng ký mới, 600 HS cấp đổi, 350 HS chuyển đổi chủ kinh doanh và 600 HS ngưng hoạt động)… nhưng cán bộ quận chưa lỗi hẹn với dân.

Và tính từ ngày ứng dụng ISO (đầu năm 2006) đến nay, hơn 31.000 HS được giải quyết đúng hạn. “HS ngày một tăng, trong khi cán bộ không tăng thêm, để giải quyết kịp thời, chúng tôi phải dùng các phần mềm tin học như: quản lý cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực kinh tế, y tế, văn hóa; quản lý đất đai và xây dựng (GIS), quản lý hộ tịch…  để hỗ trợ xử lý công việc”.

Anh Vương Hoàng Tuấn, Chánh Văn phòng UBND quận, bật mí. Theo anh, quận đang tiếp tục mở rộng quy trình ISO- một quy trình mà lãnh đạo quận nhận xét là đang góp phần nâng cao trách nhiệm, hoàn chỉnh tác phong cán bộ - UBND quận đã đưa ISO xuống phường.

Quy trình đã “chuẩn”, nhưng để nâng tính phục vụ, tránh phiền hà cho dân và quan trọng nhất là chấm dứt câu cửa miệng thường bị than phiền “lãnh đạo đi họp, không có người ký”, Chủ tịch UBND quận Lê Văn Khoa ký công văn chỉ đạo: phường nào cũng phải có một thường trực UBND thay phiên “trực chiến” 8 giờ/ngày tại điểm tiếp nhận và giao trả hồ sơ để giám sát thái độ tiếp dân, đồng thời ký và trả ngay các HS, không để dân phải chờ. Một chuyện tuy nhỏ nhưng hài lòng dân…

Đề án xử lý... “lẩu thập cẩm”!

Bí thư Quận ủy Đặng Công Luận xác định: cải cách hành chính là nhiệm vụ hàng đầu, khai thông cho kinh tế phát triển và nâng tính phục vụ của “đầy tớ” đối với nhân dân. Đó là lý do vì sao cái đề án mà mọi người gọi vui là “xử lý lẩu thập cẩm” được triển khai. Các HS đăng ký kết hôn, chứng tử, khai sinh, sao y, chứng thực, xác nhận HS cấp phép xây dựng, xác nhận HS cấp số nhà, xác nhận HS thế chấp… được phường ứng dụng theo tiêu chuẩn ISO.

Nhưng để thông tin nhanh, chính xác, rõ ràng, quận đang xây dựng cơ sở dữ liệu phần mềm quản lý nhân thân, hộ kinh doanh, hộ nghèo để tiến hành kết nối liên thông đến quận phục vụ nhanh công tác quản lý, điều hành của quận, phường.

Hiện nay, việc sao y chứng thực đã được lưu trữ trên cơ sở dữ liệu máy tính ở một số phường. Một cán bộ quận luân chuyển về, nhận xét: công việc ở phường như “lẩu thập cẩm”, đủ thứ yêu cầu xác nhận, xin học cho con cũng xác nhận, xin việc cũng xác nhận, vay tiền cũng xác nhận… mà mỗi lần xác nhận lĩnh vực nào lại gọi người quản lý lĩnh vực đó ra hỏi, nếu người đó bận họp hay đi cơ sở là dân phải chờ. Như thế là làm việc không khoa học.

Chủ tịch UBND quận Lê Văn Khoa tiếp tục triển khai đưa các thông tin về nhân dân, hộ gia đình, theo hộ khẩu, tình hình kinh doanh, sinh sống của người dân vào mạng. Ông khẳng định: khi cơ sở dữ liệu ở phường hoàn chỉnh thì sẽ tiến tới xây dựng mạng LAN ở các phường để xóa việc xác nhận, yêu cầu, hỏi ý kiến. Có dữ liệu, mạng vi tính thông suốt thì cán bộ chỉ cần ngồi trên máy là có thể biết được thông tin trên địa bàn mà không cần phải đến tận nơi xác minh. Cán bộ quận khi giải quyết HS cho dân có thể “link” vào dữ liệu của phường để xem tình trạng căn nhà, nhân thân cá nhận hoặc hộ kinh doanh… chứ không cần gởi hồ sơ về phường yêu cầu xác nhận như hiện nay. Như thế, quy trình sẽ được rút ngắn, các bộ đỡ tốn thời gian và người dân khỏi mất công đi lại nhiều lần…

Hàn Ni

Tin cùng chuyên mục