Những kiến nghị về sự cần thiết phải xuất khẩu hay nhập khẩu một mặt hàng nào đó của hiệp hội hay một doanh nghiệp bao giờ nghe cũng rất có lý, thậm chí là “thống thiết”. Nhưng bình tĩnh suy ngẫm thì nhiều khi người ta phải… nghi ngờ sự thống thiết ấy!
Hiệp hội Mía đường mới đây vừa kiến nghị lên Bộ Công thương xin nhập khẩu đường, với lý do đường Việt Nam đang ồ ạt xuất sang Trung Quốc, khiến cho giới đầu cơ đang đẩy giá bán lên để trục lợi. Trên thực tế, giá đường trong nước cũng đang leo dốc: giá bán buôn bình quân đã tăng 1.500 - 2.000 đồng/kg so với cách đây chừng một tháng.
Tuy nhiên, điều khiến người ta không khỏi suy nghĩ là mới giữa tháng 5, chính Hiệp hội Mía đường đã có công văn gửi Bộ Công thương đề nghị tạm ngừng nhập khẩu số đường đã cấp hạn ngạch (126.750 tấn, chưa nhập), với lý do tình hình tiêu thụ đường trong nước năm nay hết sức khó khăn do tác động của đường nhập khẩu, kể cả chính ngạch và nhập lậu.
Theo hiệp hội này, lượng đường còn tồn kho của các nhà máy tính đến ngày 15-5 là 685.709 tấn. Với nhu cầu thị trường bình quân 120.000 tấn/tháng, thì nguồn cung trên đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước hơn 5 tháng, tức đủ dùng cho đến đầu tháng 10 - thời điểm các nhà máy đường đồng bằng sông Cửu Long đã vào sản xuất đại trà vụ 2011 - 2012.
Đó là chưa kể lượng đường nhập lậu trong năm 2011 có thể lên đến 300.000 tấn. Vì vậy, Bộ Công thương đã chấp nhận “đề xuất khẩn thiết” này.
Đúng một tháng sau, Hiệp hội Mía đường lại kiến nghị lên Bộ Công thương xin nhập khẩu đường, với lý do như đã nêu trên.
Theo các chuyên gia phân tích kinh tế, việc cho nhập khẩu để bù đắp thiếu hụt không có gì khó khăn, vì chỉ cần bỏ lệnh hoãn hạn ngạch vừa ban hành là thị trường trong nước có thêm gần 130.000 tấn. Vấn đề ở chỗ, khi giá đường thế giới ở mức thấp nhất trong nhiều tháng qua thì lại ngưng nhập khẩu.
Giờ đây, khi giá đường thế giới vọt lên mức cao (730 USD/tấn cộng thêm chi phí vận chuyển, phân phối thì giá đường cập cảng Việt Nam vào khoảng 900 USD/tấn, cao hơn giá bán đường trong nước) thì có cho nhập khẩu cũng không doanh nghiệp nào dám nhập.
Bài toán kinh tế đã được giải ngược và người ta không thể không đặt câu hỏi về độ chính xác trong dự báo cung cầu của hiệp hội chỉ cách nhau một tháng! Cần nói thêm, tình trạng xuất lậu đường sang Trung Quốc cũng không hề được đề cập đến trong báo cáo tháng 5 của hiệp hội này.
Phải chăng giới sản xuất đường trong nước chỉ mong Nhà nước hạn chế nhập khẩu đường, có như vậy họ mới giữ được giá bán cao? Kiến nghị cho nhập khẩu ở thời điểm này chỉ là để… cho vui, cho có vẻ khách quan mà thôi?!
ANH THƯ