Cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội: Để “rùa bò” tăng tốc

Trên địa bàn Hà Nội có 1.579 khu nhà tập thể, chung cư cũ được xây dựng trong giai đoạn 1960-1992, hầu hết đã xuống cấp nghiêm trọng. Theo phản ánh của bạn đọc, nhiều năm qua, Hà Nội đã có chương trình đầu tư xây mới, cải tạo, thay thế chung cư cũ, nhưng đến nay mới chỉ hoàn thành hơn 1,1%.

Toà nhà G6A tại khu tập thể Thành Công đã xuống cấp nguy hiểm nhưng vẫn còn người ở. Ảnh: QUỐC KHÁNH
Toà nhà G6A tại khu tập thể Thành Công đã xuống cấp nguy hiểm nhưng vẫn còn người ở. Ảnh: QUỐC KHÁNH

Chồng chất nỗi lo

Dù chính quyền địa phương đã quây tôn xung quanh tòa nhà 5 tầng G6A khu tập thể Thành Công (phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội), treo biển thông báo “Khu vực nguy hiểm cấp độ D (cấp độ nguy hiểm nhất) đề nghị người dân hạn chế đi lại trong khu vực”, nhưng tại đây vẫn còn một số hộ dân sinh sống, nhất là dưới tầng 1, nhiều người vẫn mở hàng quán kinh doanh. Chia sẻ với phóng viên, anh Trần Văn Long (một cư dân ở tòa nhà G6A) cho biết, gia đình anh chuyển tới đây đã gần 40 năm.

Lâu nay, tòa nhà bị lún nứt, xuống cấp rất nguy hiểm nên nhiều hộ đã chuyển đi, nhưng gia đình anh vẫn ở lại vì chưa tìm được nơi ở mới hợp lý hơn, dù chính quyền nhiều lần vận động di dời. “Gia đình tôi cũng muốn di dời tới chỗ ở khác nhưng đến nay, nhà đầu tư vẫn chưa có cam kết thực sự thuyết phục về tiến độ cải tạo khu nhà, mức đền bù hợp lý để chúng tôi yên tâm an cư”, anh Long tâm sự. Trong khi đó, nhiều hộ dân ở khu tập thể Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng) - đã được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước - rất mừng khi TP Hà Nội có chủ trương phá bỏ khu tập thể này, xây dựng chung cư mới để người dân không còn cảnh phải sống trong các căn hộ chật hẹp, ẩm thấp và nứt vỡ nhiều chỗ. Tuy nhiên, các hộ dân cũng rất lo lắng về việc chuyển tới nơi ở tạm và sau khi các tòa nhà được phá đi, xây mới. Nếu việc cải tạo chậm tiến độ thì cuộc sống của người dân sẽ bị xáo trộn rất nhiều, lúc đó ai sẽ chịu trách nhiệm? Thực tế, hầu hết các khu tập thể, chung cư cũ ở Hà Nội bị xuống cấp nặng nề và trong diện phải cải tạo, xây mới.

Các căn chung cư đều nằm ở những vị trí “đắc địa”, thuận lợi nhiều mặt trong cuộc sống. Do đó, việc cải tạo lại các khu tập thể xuống cấp ở Hà Nội cũng đang đối mặt với vấn đề mức bồi thường cho những hộ dân. Tại dự án cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Viện Tư liệu phim Việt Nam (ở số 22 phố Liễu Giai), dù đã có chủ đầu tư và kế hoạch xây mới nhưng hàng chục năm nay không thể triển khai, vì một số gia đình ở tầng 1 đang kinh doanh buôn bán đã yêu cầu bồi thường số tiền tương đương mức giá thị trường ở khu vực mới chịu bàn giao mặt bằng.

Giải pháp đột phá

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, 1.579 nhà chung cư cũ tập trung chủ yếu tại khu vực 4 quận nội thành cũ, bao gồm 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư cũ (trong đó có 34 khu có quy mô sử dụng đất từ 2ha trở lên, 42 khu có quy mô sử dụng đất dưới 2ha) và 306 chung cư cũ độc lập. Các chung cư cũ này có quy mô từ 2 đến 5 tầng với kết cấu tường gạch, bê tông lắp ghép sàn gác panel hoặc khung bê tông cốt thép.

Vì thế, hầu hết chung cư đều bị xuống cấp, đặc biệt một số khu nhà nguy hiểm thuộc mức độ D cần cải tạo, phá bỏ để xây mới. Tuy nhiên, đến đầu năm 2024, Hà Nội mới hoàn thành cải tạo, xây dựng lại được 19 khu tập thể, nhà chung cư cũ, bằng 1,14% tổng khối lượng công việc. Trong đó, rất nhiều khu nhà xuống cấp nguy hiểm đã có quyết định chấp thuận chọn chủ đầu tư và phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, nhưng nhiều năm qua vẫn không thể triển khai thực hiện. Theo ông Mạc Đình Minh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm triển khai cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ liên quan đến công tác quy hoạch (chiều cao công trình, diện tích xây dựng...), hệ số K (hệ số khung) về công tác bồi thường khi cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ và việc lựa chọn chủ đầu tư.

Trước thực trạng này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh mới đây đã yêu cầu các sở, ngành, UBND quận, huyện nơi có nhà chung cư, tập thể cũ cần khẩn trương, chủ động áp dụng mọi biện pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện; giao Sở Xây dựng chủ trì nghiên cứu, tham mưu, dự thảo, báo cáo UBND TP Hà Nội quy định về hệ số K (hệ số khung) làm căn cứ để các quận, huyện, nhà đầu tư chủ động thỏa thuận, thống nhất mức bồi thường với người dân.

Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, việc xây dựng hệ số bồi thường vẫn được thực hiện theo quy định tại Nghị định 61/2021/NĐ-CP, nhưng đơn vị sẽ căn cứ vào đặc điểm ở từng khu vực, vị trí nơi có nhà chung cư, tập thể cũ cần phải phá dỡ, cải tạo để xây dựng hệ số bồi thường phù hợp với thực tế, trên cơ sở đảm bảo khả năng cân đối hiệu quả tài chính của dự án.

UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các sở Tài chính, KH-ĐT tham mưu để tháo gỡ những vướng mắc về trình tự thủ tục triển khai công tác lựa chọn nhà thầu kiểm định, lập quy hoạch chi tiết 1/500. Đặc biệt, để đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn, UBND TP Hà Nội đã thống nhất việc ủy quyền cho UBND cấp huyện ban hành hệ số K bồi thường và tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư đối với từng dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn, trên cơ sở hướng dẫn về tiêu chí chung của Sở Xây dựng

Tin cùng chuyên mục