Cạm bẫy quà ảo

“Trước Tết Nguyên đán 2015, nhận được điện thoại báo trúng thưởng trị giá 150 triệu đồng của hãng Viettel, tui cứ ngỡ mình được trúng số. Gom góp hết số tiền con cháu cho để dưỡng già được 12,5 triệu đồng, tui đi nhiều cửa hàng tìm mua thẻ cào điện thoại rồi đọc số sê-ri trên thẻ cho đầu dây bên kia nghe. Người ta nói phải làm như vậy thì mới được nhận phần thưởng. Đến chừng biết tui hết tiền, mấy người đó còn kêu tui cầm cố sổ đỏ miếng đất đang ở để mua thẻ cào nhưng tui không làm thì họ cắt liên lạc. Tưởng may mắn, hóa ra bị lừa”, bà N.T.L. (ngụ huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) vừa mếu máo vừa trình bày tại Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TPHCM...
Cạm bẫy quà ảo

“Trước Tết Nguyên đán 2015, nhận được điện thoại báo trúng thưởng trị giá 150 triệu đồng của hãng Viettel, tui cứ ngỡ mình được trúng số. Gom góp hết số tiền con cháu cho để dưỡng già được 12,5 triệu đồng, tui đi nhiều cửa hàng tìm mua thẻ cào điện thoại rồi đọc số sê-ri trên thẻ cho đầu dây bên kia nghe. Người ta nói phải làm như vậy thì mới được nhận phần thưởng. Đến chừng biết tui hết tiền, mấy người đó còn kêu tui cầm cố sổ đỏ miếng đất đang ở để mua thẻ cào nhưng tui không làm thì họ cắt liên lạc. Tưởng may mắn, hóa ra bị lừa”, bà N.T.L. (ngụ huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) vừa mếu máo vừa trình bày tại Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TPHCM...

Tin quà ảo, mất tiền thật

Bà L. là một trong số nhiều người bị sập bẫy những chiêu thức lừa tiền bằng hình thức hứa tặng quà ảo. Vào tháng 3-2015, chị N.T.N.D. (ngụ quận 12, TPHCM) nhận được tin nhắn từ ứng dụng Zalo trên điện thoại di động thông báo chị trúng giải nhất quý 1 của sự kiện “Tri ân messenger”, giải thưởng là chiếc xe máy Liberty và phiếu quà tặng trị giá 100 triệu đồng. Làm theo yêu cầu trên trang web “trangchuzalo.vn” và yêu cầu qua điện thoại của một người tự xưng là nhân viên chăm sóc khách hàng của Trung tâm ứng dụng Zalo, chị D. nạp nhiều thẻ cào điện thoại tổng trị giá 1 triệu đồng và chuyển hơn 24 triệu đồng đóng phí vận chuyển quà tặng, phí trước bạ xe gắn máy, chi phí bàn giao giải thưởng qua những tài khoản được chỉ định. Chỉ khi bị tiếp tục yêu cầu chuyển thêm 21 triệu đồng, chị D. mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.

Tin lời hứa hẹn tặng quà của người bạn quen qua mạng, chị N.T.T.T. (ngụ quận 3) cũng bị mất một khoản tiền lớn. Vào đầu năm 2015, qua mạng xã hội Facebook, chị quen một người bạn tự giới thiệu tên Frank Modric. Sau hơn 1 tháng trò chuyện, Frank Modric cho biết sẽ nhờ Công ty chuyển phát Euro Express gửi quà cho chị T., trong hộp quà có điện thoại iPhone 6, nữ trang, mỹ phẩm, áo khoác và 550.000 USD. Frank Modric nhờ chị T. giữ giùm số tiền này cho đến khi Frank Modric đến Việt Nam thăm chị. Giữa tháng 3-2015, chị T. nhận được điện thoại từ một người phụ nữ tự xưng tên Yến, nhân viên Công ty chuyển phát Euro Express thông báo gói quà gửi cho chị đã về đến Việt Nam, hiện ở kho sân bay. Hôm sau, chị T. được Frank Modric và Yến báo rằng Công ty Euro Express đã phát hiện số tiền lớn giấu trong hộp quà. Bị hai người này thúc giục, chị đã nộp 45 triệu đồng vào tài khoản theo sự chỉ định để được làm thủ tục nhận quà và bị chiếm đoạt khoản tiền này.

Tỉnh táo với “lộc” bất ngờ

Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, ngày càng nhiều người dân sử dụng điện thoại di động và truy cập, trở thành thành viên các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, điều này cũng đặt mọi người vào tình cảnh phải đối mặt với ngày càng nhiều bẫy lừa bằng những chiêu thức dẫn dụ tinh vi. Việc cơ quan công an triệt phá một số vụ lừa đảo dưới danh nghĩa “ông chú Viettel” thời gian qua vẫn chưa răn đe được các đối tượng phạm tội. Sau khi bị Đội 8, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TPHCM bắt giữ về hành vi lập trang web “trangchuzalo.vn” để lừa tiền bằng cách gửi tin nhắn thông báo trúng thưởng qua ứng dụng Zalo trên điện thoại di động đến nhiều người, Lê Văn Pháp (25 tuổi, ngụ huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) khai nhận hiện có khoảng 200 đối tượng tham gia các đường dây lừa đảo tương tự đường dây của Pháp thông qua các trang mạng Facebook, Zalo, Viber, Tango, Twoo, Zing me, BeeTalk… Cuối ngày, Pháp và những đối tượng này thường lên Facebook, Zalo để khoe “chiến tích” và số tiền lừa được trong ngày - thường là không nhỏ - với nhau. Hay trong vụ kết bạn qua mạng Facebook, hứa hẹn tặng quà để lừa tiền, từ lời trình báo của những người bị hại và kết quả điều tra ban đầu của cơ quan công an cho thấy số người sập bẫy lừa khá đông, cư ngụ tại nhiều địa phương trong cả nước như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM...

Pháp, Phương, Tài (từ trái qua phải) - đường dây lừa đảo bằng hình thức nhắn tin báo trúng thưởng.

Điều đáng nói là những thủ đoạn lừa đảo trên không mới, các phương tiện truyền thông đã nhiều lần thông tin nhưng vẫn phát sinh những trường hợp bị lừa bởi sự nhẹ dạ, cả tin. Công ty cổ phần VNG (công ty chủ quản của sản phẩm Zalo) đã có văn bản gửi Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an TPHCM xác nhận Zalo chưa bao giờ thực hiện chương trình “Tri ân khách hàng” như những đối tượng lừa đảo dựng lên. Tương tự, lời hứa hẹn vẽ vời về món quà hấp dẫn từ những người bạn ảo qua mạng càng cần được cảnh giác, suy xét. Trước những món “lộc” từ trên trời rơi xuống này, người dân cần thận trọng, tốt nhất là không nên quan tâm để không tự biến mình thành người bị hại. Cảnh giác để tự bảo vệ tài sản của mình là điều không bao giờ thừa.

ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục