Campuchia tổ chức quốc tang tưởng niệm các nạn nhân

Nén nhang cho người quá cố
Campuchia tổ chức quốc tang tưởng niệm các nạn nhân

Ngày 25-11, Vương quốc Campuchia đã tổ chức quốc tang tưởng niệm những nạn nhân bị thiệt mạng trong thảm họa kinh hoàng tối 22-11 tại thủ đô Phnom Penh.

Người thân cầu nguyện cho nạn nhân bên cầu Kon Pic.

Người thân cầu nguyện cho nạn nhân bên cầu Kon Pic.

Nén nhang cho người quá cố

Ngay từ mờ sáng, hàng ngàn người dân đã đổ về khu vực công viên ngay sau cung điện Hoàng gia Campuchia trên tay cầm hoa trắng mong được vào khu vực làm lễ tưởng niệm các nạn nhân. Tuy nhiên họ đã bị lực lượng an ninh chặn lại ở vòng ngoài nên phải xem truyền hình trực tiếp. Không khí tang thương bao trùm lên cả kinh đô Phnom Penh.

Đúng 7 giờ 30, lễ tưởng niệm các nạn nhân bắt đầu cùng với sự tham dự của các quan chức chính phủ, các bộ ngành, các giới, đoàn ngoại giao một số nước đến chia buồn, dâng hương cho người đã khuất và mở đầu nghi lễ cho ngày quốc tang. Thừa ủy nhiệm của Thành ủy, HĐND, UBND đoàn đại biểu TPHCM do bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế dẫn đầu, đã đặt vòng hoa và thắp hương tưởng nhớ các nạn nhân.

Ở phía bờ sông, các thân nhân của người đã mất cũng mang theo lễ vật đến để cầu nguyện. Nhiều bàn thờ dã chiến được đặt ngay bên dòng Tongle Sap cạnh những căn nhà bạt - nơi để xác các nạn nhân ban đầu chưa kịp thu dọn. Anh Bun Ja Noh, một người dân ở tỉnh Svayrieng có người bà con gặp nạn, muốn đến trực tiếp tại đây để thắp nén nhang cầu cho linh hồn các nạn nhân được siêu thoát. Trên dòng sông Tongle Sap, đội cứu hộ vẫn lượn qua lượn lại dò tìm những nạn nhân mất tích. Trên bờ ngập tràn nhang đèn, trái cây, đồ cúng cùng với lời than khóc thảm thiết của các người thân nạn nhân, trong đó có cả những nạn nhân thoát chết từ thảm họa đêm 22-11.

Leng Tal Mak, 19 tuổi, một nạn nhân ở tỉnh Takeo vừa may mắn sống sót kể: “Tôi và các bạn tôi rủ nhau về đây chơi trong dịp lễ hội Té nước. Nghe nói nơi đây là khu du lịch, giải trí đang được xây dựng với nhiều trò chơi vui hấp dẫn nên quyết định đến đây. Nhóm bạn đi 9 người, giờ chỉ còn 3. Chúng tôi cũng bị thương nặng nhưng còn may mắn biết mấy so với những người bạn khác không còn nữa”.

Không chỉ Leng Tal Mak, trong 3 ngày nay, hàng ngàn người dân, người thân cùng các nhà sư đã đến đây để cầu nguyện cho nạn nhân. “Chúng tôi đến đây chung một tâm trạng chỉ muốn đem lòng thành của mình nguyện cầu cho linh hồn nạn nhân sớm siêu thoát, đến được với nơi cực lạc” - bà Pư Savanah, một người dân TP Phnom Penh bày tỏ.

Nỗi lòng người ở lại

Theo thống kê của Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia, đến ngày 25-11, có 9 người Việt bị chết trong thảm họa trên. Đến nay, mỗi nạn nhân người Việt bị chết được đại sứ quán hỗ trợ 200 USD, Hội Việt kiều ủng hộ 100.000 riel/người. Cùng ngày, đoàn công tác của TPHCM đã đến thăm các gia đình người Việt có người chết trong thảm họa. Đồng thời, đoàn cũng tặng một phần quà (700.000 đồng) và hỗ trợ mỗi gia đình nạn nhân 2 triệu đồng.

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Hout Kimly, 49 tuổi, ngụ tại phường Bang Keng Kong 3, quận Chamca Mon, Phnom Penh. Anh Kimly có vợ là Dương Thị Loan (35 tuổi) và con trai Huot Vanthy (10 tuổi) bị chết trong thảm họa. Do vợ chồng đi làm mướn, thuê nhà ở nên khi vợ và con anh chết, không có chỗ kê quan tài, anh phải mượn sân chùa Moha Montrey gần đó làm đám tang và đợi người nhà chị Loan ở Trà Vinh sang làm thủ tục mai táng. Hai cỗ quan tài được để ngay dưới nền đất, đồ cúng cũng được bày ra giữa đất, khiến ai chứng kiến cũng chạnh lòng. Bà Thạch Thị Thuyền, mẹ chị Loan từ mới Trà Vinh qua, cho biết, anh Kimly có hoàn cảnh rất éo le. Toàn bộ gia đình anh đã bị chết trong vụ thảm sát của quân diệt chủng Pôn Pốt, chỉ còn lại mình anh được dân làng cưu mang, sau đó kết duyên với chị Loan và sinh được 2 con. Vợ chồng chí thú làm ăn nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo, đến nay vợ chồng vẫn còn phải đi thuê nhà trọ ở.

Anh Kimly kể: “Hôm đó vì thương con nên vợ chồng thu xếp về sớm đưa con đi chơi. Khi chúng tôi mới lên cầu, đột nhiên có tiếng la hét và trên cây cầu bắt đầu có sự hỗn loạn và giẫm đạp lên nhau. Tôi nắm lấy tay con, cố thoát ra ngoài trong cảnh mọi người hoảng loạn. Cuối cùng chỉ mình tôi thoát được, còn vợ và con tôi mất hút trong đám đông. Tôi bị thương nặng ở bụng và chân nên ngất đi, lúc tỉnh dậy thấy người ta đã đưa xác vợ và đứa con thứ 2 với toàn thân bầm dập, biến dạng… Cũng may là đứa con còn lại sau một ngày mất tích, cảnh sát đã tìm được đưa cháu về nhà thắp nhang cho mẹ”.

Không khí tang thương cũng bao trùm lên căn nhà rách nát, vừa là chỗ mua bán phế liệu tại phường Bưng Kok 2, quận Foul Kok, cách đó không xa. Đây là nhà của ông Nguyễn Văn Hy, quê gốc ở Tây Ninh. Gia đình ông đã mất cùng lúc 2 người con (con gái 20 tuổi, con trai 13 tuổi) và 1 cháu ngoại 6 tuổi. Tiếng khóc của những người trong nhà như xé lòng chúng tôi. Trên căn gác nhỏ giờ đây một bàn thờ sơ sài được đặt di ảnh của 2 người con, ông Hy sụt sùi nói: “Chiều hôm đó có người nhà từ Tây Ninh qua chơi nên mấy chị em rủ nhau cùng đi. Đến khuya tôi nhận được tin báo cháu ngoại chết vì bị giẫm đạp. Không nhận được tin tức 2 đứa con nhưng tôi vẫn tin tụi nó còn sống. Không ngờ đến sáng hôm sau, sau khi đi tìm khắp các bệnh viện, tôi nhận ra xác con gái tôi và đến chiều thì nhận được xác con trai. Hai mái đầu bạc phải tiễn đưa 3 mái đầu xanh, còn gì mất mát hơn được nữa hả trời” - ông Hy nấc lên từng tiếng.

Thủ tướng Hun Sen và phu nhân Bun Rany tại lễ tưởng niệm.

Thủ tướng Hun Sen và phu nhân Bun Rany tại lễ tưởng niệm.

Hồ Thu (Từ Phnom Penh, Campuchia)

>>  Campuchia tổ chức quốc tang

>> Thảm họa lịch sử tại Campuchia khiến 380 người chết, hơn 760 người bị thương

>> Giẫm đạp tại Campuchia: Hàng trăm người thương vong

Tin cùng chuyên mục